Dù không phải là cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ nhưng nhiều năm qua, tại Đồng Nai, loại hình nghệ thuật này đã gắn bó, được duy trì và phát triển trong đời sống của người dân.
Dù không phải là cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ nhưng nhiều năm qua, tại Đồng Nai, loại hình nghệ thuật này đã gắn bó, được duy trì và phát triển trong đời sống của người dân.
Các tài tử tại TP.Biên Hòa tham gia giao lưu đờn ca tài tử tại Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành trong tháng 5-2022. Ảnh: M.Ny |
Hiện các CLB ĐCTT trên địa bàn Đồng Nai đang luyện tập, biểu diễn trở lại và xây dựng nhiều kế hoạch hoạt động nhằm đưa ĐCTT đến với công chúng, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân.
* Gần 60 nhóm, CLB hoạt động sôi nổi
CLB ĐCTT H.Vĩnh Cửu có 17 CLB/11 xã, thị trấn đang hoạt động, phong trào ĐCTT, tập trung nhiều ở các xã: Tân Bình, Bình Hòa, Thạnh Phú, Phú Lý, Hiếu Liêm, Mã Đà…
Ông Bùi Văn Phương, thành viên CLB ĐCTT H.Vĩnh Cửu cho biết: “Nghệ thuật ĐCTT đã ngấm vào máu thịt của nhiều thế hệ nên không quá khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động bà con ở Vĩnh Cửu tham gia. Các tài tử, nghệ nhân đến với môn nghệ thuật này theo phong trào, xuất phát từ tình yêu và đam mê. Phần lớn người chơi tự mua sắm các trang thiết bị, nhạc cụ để luyện tập và biểu diễn. Bà con rất phấn khởi, xem đây là “món ăn” tinh thần không thể thiếu”.
Với mục tiêu nâng cao hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho nhân dân, hiện nay ngành VH-TTDL đã và đang tổ chức nhiều sân chơi văn nghệ, thể thao tại các thiết chế. Nổi bật là hoạt động của các đội, nhóm, CLB ĐCTT. Phấn đấu đến cuối năm 2022 có 90% nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố hoạt động hiệu quả; 100% thiết chế văn hóa cấp xã và huyện hoạt động hiệu quả. |
TP.Long Khánh hiện có 5 CLB ĐCTT hoạt động tại các xã, phường: Bình Lộc, Hàng Gòn, Xuân Tân, Bảo Quang với gần 100 thành viên. Ông Trần Văn Mỹ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Long Khánh cho hay, trước và sau năm 1975, phong trào ĐCTT ở Long Khánh phát triển sôi nổi, hầu như mỗi ấp, xã đều có từ một đến vài ba nhóm, CLB. Đến đầu năm 2021, Long Khánh đã kiện toàn lại các mô hình, chính thức thành lập lại Ban chủ nhiệm CLB ĐCTT Long Khánh với 5 thành viên. CLB hiện trực thuộc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao thành phố.
“Cùng với xây dựng chương trình hoạt động, chúng tôi có nhiệm vụ hướng dẫn cho các đội, nhóm, CLB ĐCTT tại các xã, phường trên địa bàn TP.Long Khánh. Với số lượng tài tử, nghệ nhân đông, hằng năm Long Khánh duy trì giao lưu giữa các CLB, tham gia đầy đủ các hội thi, hội diễn cấp tỉnh nhằm giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với sinh hoạt ở cộng đồng dân cư” - ông Mỹ nói.
Cũng với số lượng 5 CLB ĐCTT được thành lập và đi vào hoạt động ổn định, TP.Biên Hòa thời gian qua tích cực khuyến khích người dân cùng tham gia sáng tạo, sáng tác lời mới, bồi dưỡng tài năng trẻ thông qua các lớp tập huấn ngắn ngày cho các tài tử, nghệ nhân. Hoạt động của phong trào ĐCTT tại các ấp, khu phố, nhà văn hóa, không gian công cộng gắn liền với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, từng bước làm cho ĐCTT thấm sâu vào nét sinh hoạt văn hóa hằng ngày của người dân địa phương, đặc biệt là với người trẻ.
* Hướng đến phục vụ công chúng
Theo Đội trưởng Đội Văn nghệ Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa Tạ Minh Hoàng, hiện nay dù chịu sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác nhưng ĐCTT vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân. Hoạt động luyện tập, biểu diễn đều hướng đến phục vụ các tầng lớp nhân dân. Nhiều nghệ nhân ở tuổi “thất tuần”, “bát tuần” luôn tìm kiếm những năng khiếu để truyền dạy kinh nghiệm đờn ca, tạo nguồn cộng tác viên cho đơn vị mỗi khi có liên hoan, hội thi, hội diễn.
Ở các CLB, dù thành viên đều giỏi nghề, nhưng không ai lấy đó làm tự mãn mà học hỏi, chỉ dẫn cho nhau. Nghệ nhân dân gian Lê Văn Lợi (P.Quang Vinh, T.Biên Hòa) với ngón đờn kìm trứ danh trong giới ĐCTT dù tuổi đã ngoài 70 nhưng cuối tuần nào cũng mang đờn, tham gia sinh hoạt với các đội, nhóm, CLB. Ai ca bản nào thì ông vui vẻ đờn cho ca cũng như sẵn lòng truyền dạy cho lớp trẻ.
Nghệ nhân Lê Văn Lợi cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là đào tạo người kế cận khi thế hệ nghệ nhân lớn tuổi mất đi. Mặc dù số lượng đội, nhóm CLB ĐCTT trên địa bàn tỉnh rất nhiều song việc duy trì hoạt động thường xuyên chưa cao bởi các thành viên phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Tuy đam mê nghệ thuật nhưng họ chỉ tập luyện và biểu diễn khi có thời gian rảnh rỗi. Đối với các đội, nhóm, cơ sở vật chất như: đờn, amply… vẫn còn thiếu thốn, việc vận động xã hội hóa cho ĐCTT chưa mang lại hiệu quả cao.
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng cho biết, hoạt động bảo tồn và phát huy ĐCTT được trung tâm duy trì xuyên suốt nhiều năm qua. Hằng quý đều phối hợp với Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố đưa ĐCTT biểu diễn tại các thiết chế văn hóa. Chỉ tính riêng trong năm 2022, trung tâm đã tổ chức hàng chục buổi diễn tại các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Long Thành, Định Quán, TP.Biên Hòa; đồng thời ghi hình phát sóng trực tuyến và trực tiếp trên mạng xã hội, hướng đến phục vụ nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa.
“Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân ĐCTT có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh. Trung tâm sẽ phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức một số triển lãm ảnh nghệ thuật, các lớp tập huấn bài bản tài tử, nâng cao chất lượng hoạt động của các đội, nhóm, CLB; đồng thời tiếp tục đưa ĐCTT vào sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tham gia phát huy loại hình nghệ thuật này” - bà Hồng nói.
My Ny