Hiện nay có rất nhiều học sinh THPT đi làm thêm. Công việc làm thêm chủ yếu dành cho các bạn trẻ này là: phục vụ các nhà hàng, quán cà phê, trà sữa; đi dạy kèm cho học sinh tiểu học…
Hiện nay có rất nhiều học sinh THPT đi làm thêm. Công việc làm thêm chủ yếu dành cho các bạn trẻ này là: phục vụ các nhà hàng, quán cà phê, trà sữa; đi dạy kèm cho học sinh tiểu học…
Em Trần Việt Hoàng, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) trong giờ làm thêm. Nhờ đi làm thêm, Việt Hoàng đã trở nên dạn dĩ, tự tin hơn và học được nhiều kỹ năng mềm |
Công việc làm thêm không chỉ giúp các em có tiền để chi tiêu cá nhân mà còn là cơ hội để trải nghiệm cuộc sống, trang bị kỹ năng mềm. Một số ít học sinh tìm được các công việc phù hợp với sở thích, đam mê cá nhân nên rất hữu ích cho việc định hướng nghề nghiệp tương lai.
Tinh thần tự lập
Tính đến thời điểm này, em Trần Việt Hoàng, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) đã đi làm thêm được 3 tháng. Hoàng làm nhân viên phục vụ cho 1 nhà hàng ở TT.Định Quán. Công việc của em bắt đầu từ 17 giờ và kết thúc vào lúc 23 giờ với mức thù lao 17 ngàn đồng/giờ. Với công việc này, mỗi tháng em có thể kiếm được khoảng 3 triệu đồng để tự chi tiêu cá nhân mà không cần phải xin tiền cha mẹ.
Chị NGUYỄN THU CHUNG (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi nhận thấy đa phần phụ huynh không đồng ý cho con đi làm thêm vì sợ ảnh hưởng đến việc học. Tuy nhiên, bản thân vợ chồng tôi lại ủng hộ con, dĩ nhiên vẫn phải luôn căn dặn con làm thêm nhưng không được để ảnh hưởng đến việc học. Nếu công việc làm thêm gắn liền với sở thích, đam mê của con thì điều đó càng tốt. Vì điều này sẽ góp phần vào định hướng nghề nghiệp tương lai cho con. Đối với gia đình tôi, việc chọn ngành nghề là theo sở thích, năng lực của con, cha mẹ không áp đặt”. |
Em Hoàng kể: “Buổi sáng em đi học ở trường, trưa về nhà nghỉ ngơi. Buổi chiều có thể đi học thêm (nếu có lịch học) sau đó mới đến chỗ làm. Mặc dù nói là 23 giờ mới hết giờ làm việc nhưng hôm nào quán vắng khách thì em có thể về sớm hơn. Em thường dành ra khoảng 30 phút buổi tối để học bài”.
Cũng theo lời Hoàng, chỉ tính riêng nhà hàng em đang làm việc có đến 4 học sinh THPT. Các bạn đi làm không phải vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải tự bươn chải để kiếm sống mà vì muốn tự mình kiếm tiền để không phụ thuộc vào cha mẹ.
Em Chướng Thanh Hằng, lớp 10A2, Trường THPT Định Quán (H.Định Quán) mới bắt đầu công việc làm thêm được gần 1 tháng nay. Em cho biết bản thân sẽ dùng tiền kiếm được để chi tiêu cho các khoản như: đổ xăng, mua sách vở, vật dụng cá nhân, quần áo…
Hằng cho rằng, trước khi đi làm thì các học sinh cần tìm hiểu kỹ môi trường nơi làm việc. Nếu làm phục vụ thì nên xin làm ở các nhà hàng, quán ăn lịch sự, không nên xin việc ở những quán nhậu phức tạp. “Cá nhân em nhận thấy học sinh đi làm thêm mang lại nhiều tích cực, tuy nhiên sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến việc học. Điều này đòi hỏi bản thân mỗi học sinh phải biết tự sắp xếp thời gian hợp lý và phải có quyết tâm cao trong học tập” - Hằng nói.
Em Lê Ngọc Tường Vy, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) cho biết, em và một số bạn học thường đi làm phục vụ cho các nhà hàng tiệc cưới vào 2 ngày cuối tuần. Thông thường, mỗi tiệc các em được trả từ 120-140 ngàn đồng.
Vy cho biết: “Hai ngày cuối tuần nếu làm đủ 4 tiệc thì em cũng kiếm được hơn 500 ngàn đồng. Tuy công việc có mệt nhưng bù lại, khoảng thời gian đi làm cùng các bạn em cảm thấy rất vui và thoải mái. Hiện nay là thời điểm gần thi cuối học kỳ 2 nên em không đi làm mà tập trung nhiều thời gian hơn cho việc học”.
Phát triển kỹ năng mềm, định hướng nghề nghiệp
Em Vũ Thiên Long, lớp 10A4, Trường THPT Tân Phú cho hay, em đi làm phục vụ ở một quán nước gần nhà với mức tiền công 15 ngàn đồng/tiếng. “Mỗi ngày em làm 5 tiếng. Từ thứ hai đến thứ năm, em đi học thêm buổi tối nên xin làm ca chiều, thứ bảy và chủ nhật em học thêm buổi chiều nên xin làm ca tối. Mỗi tuần, em nghỉ việc vào ngày thứ sáu để nghỉ ngơi, dành thời gian cho các sở thích cá nhân. Đối với em, đi làm chủ yếu là để có trải nghiệm” - Long bày tỏ.
Dù đi làm thêm nhưng Long vẫn sắp xếp thời gian đầu tư cho môn Sinh học để chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm sau. Long cũng chia sẻ thêm là bản thân em rất thích môi trường làm thêm hiện nay vì ở đó có các bạn đồng trang lứa, dễ chia sẻ. Chủ quán cũng là người trẻ và tâm lý, khi đến gần kỳ thi, anh đã chủ động cho các nhân viên đang là học sinh nghỉ làm để tập trung vào việc học. Ngoài ra, anh còn lên kế hoạch tổ chức cho nhân viên đi chơi để “xả stress”.
Đối với em Nguyễn Đình Bảo Quang, lớp 12 Địa, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa), công việc làm thêm chính là đam mê. Làm quen với máy chụp ảnh từ năm lớp 10 (mượn của anh họ), sau 3 tháng mày mò, Quang đã sử dụng thành thạo và ngỏ ý xin cha mẹ mua một chiếc máy ảnh mới. Tôn trọng sở thích cá nhân của con và cũng để thưởng cho thành tích học tập mà con trai đạt được, vợ chồng chị Nguyễn Thu Chung (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã mua tặng cho con 1 chiếc máy ảnh mới trị giá hơn 20 triệu đồng.
Từ ngày có máy ảnh, Quang nhận các “show” chụp hình để kiếm tiền tiêu vặt. Ngoài ra, em còn dành dụm để mua thêm 3 ống kính mới để đầu tư tốt hơn cho các bộ ảnh của khách hàng.
Từ những trải nghiệm thực tế trong việc chụp hình, quay phim, Quang quyết định sẽ theo đuổi ngành quản trị truyền thông. Em đã trúng tuyển vào Trường đại học Hoa Sen
(TP.HCM), chỉ đợi đậu tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học.
“Theo đuổi sở thích chụp hình, quay phim đã có tác động lớn đến việc lựa chọn ngành nghề của em. Từ những điều học được trong quá trình làm thêm, em nghĩ rằng mình có những thuận lợi nhất định khi bước chân vào nghề truyền thông” - Quang tự tin cho biết.
Hải Yến
Ông ĐỖ HUY KHÁNH, Phó giám đốc Sở GD-ĐT:
Phụ huynh phải nắm rõ địa điểm, tính chất công việc làm thêm của con
Các em đi làm thêm sẽ được trải nghiệm cuộc sống, tự tay làm ra đồng tiền, hiểu về giá trị sức lao động… Cá nhân tôi ủng hộ các em đi làm thêm nếu công việc đó mang lại những giá trị tích cực như: hỗ trợ gia đình, tự phục vụ bản thân để giảm gánh nặng cho gia đình, tích lũy được kỹ năng sống.
Tuy nhiên, học sinh đi làm thêm cũng có thể có mặt trái nếu các em tìm môi trường làm việc không phù hợp, nhiều cạm bẫy. Ở đó, các em có thể bị bạn bè xấu lôi kéo, sa đà vào tệ nạn xã hội, sa sút việc học…
Vì vậy, tổ chức Đoàn trong trường học cần quan tâm, kết nối, tư vấn, hỗ trợ học sinh chọn môi trường làm thêm lành mạnh. Điều quan trọng nhất là cần tăng cường sự quan tâm, giám sát của gia đình. Học sinh đi làm thêm cần phải trao đổi, được sự đồng ý của phụ huynh. Các bậc cha mẹ cần biết rõ địa điểm, tính chất công việc làm thêm của con để đảm bảo các em được an toàn trong môi trường làm việc đó. Đồng thời, phụ huynh nên thường xuyên nhắc nhở các em không được sao nhãng việc học.
Cô NGUYỄN TRẦN KIM KIỀU, Phó bí thư Đoàn trường THPT Võ Trường Toản (H.Cẩm Mỹ):
Tư vấn, hỗ trợ học sinh tìm môi trường làm thêm an toàn
Hiện nay, có nhiều học sinh của trường đi làm thêm. Do địa bàn nông thôn nên các em không có nhiều cơ hội lựa chọn công việc, chủ yếu là làm các công việc phụ vụ quán ăn, quán trà sữa, làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp, phụ hồ… Đa số học sinh đi làm thêm là để có tiền phục vụ việc học và phụ giúp gia đình, thậm chí có em đi làm để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ.
Quan điểm cá nhân, tôi tán thành học sinh đi làm thêm nhưng phải tùy tính chất công việc và không làm việc học bị ảnh hưởng. Tôi thường tư vấn cho các em là không nên làm thêm tại các quán nhậu hoặc các quán cà phê có vẻ không lịch sự, an ninh. Vì những môi trường làm việc này không an toàn và dễ biến chất. Đặc biệt, đối với các em học sinh THPT thì kỹ năng xử lý các tình huống còn bị hạn chế.
Nhìn chung, quá trình đi làm thêm đã giúp các em học sinh biết quý giá sức lao động, quý trọng đồng tiền, biết lập kế hoạch chi tiêu hợp lý và suy nghĩ chín chắn hơn.
Tường Vi (ghi)