Trọng nghĩa là thái độ ứng xử chung của người Việt Nam, chứ không riêng ở Nam bộ. Nhưng có điều, tinh thần trọng nghĩa này là nét nổi trội của tính cách của người dân vùng đất mới. Nói đến người dân Nam bộ là nói đến tính trọng nghĩa khinh tài, phóng khoáng, lòng hiếu khách, thái độ bộc trực…
Trọng nghĩa là thái độ ứng xử chung của người Việt Nam, chứ không riêng ở Nam bộ. Nhưng có điều, tinh thần trọng nghĩa này là nét nổi trội của tính cách của người dân vùng đất mới. Nói đến người dân Nam bộ là nói đến tính trọng nghĩa khinh tài, phóng khoáng, lòng hiếu khách, thái độ bộc trực… Bởi lẽ, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng người đã tạo cho người dân Nam bộ tính cách phóng khoáng trong quan hệ xã hội, trong nếp sống, lối suy nghĩ. Vì để cùng chung sống hòa hợp với nhau chống chọi lại điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên nơi vùng đất mới, khi đi tìm sự sống giữa muôn vàn cái chết, những người đi mở cõi đã không kỳ thị nhau, bỏ qua những dị biệt để cùng nhau đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Người dân Nam bộ trọng nghĩa khinh tài nên họ khẳng định rằng:
Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi
Câu ca dao khắc họa hình ảnh người nghĩa khí một mặt sẵn sàng xả thân vì nghĩa, xem nhẹ tiền tài, một mặt chấp nhận sống cảnh nghèo khó để giữ trọn đạo nghĩa:
Anh tỉ phận anh
Thà ở lều tranh
Như thầy Tăng, thầy Lộ
Chớ không ham mộ
Của Vương Khải, Thạch Sùng
Đạo người anh giữ vẹn, bần cùng sá bao.
Còn trong tình yêu, đôi lứa nguyện một lòng sắt son, chung thủy:
Ví dầu nước chảy đá mòn
Xa nhau nghìn dặm lòng còn nhớ thương
Dầu ai gieo tiếng ngọc
Dầu ai đọc lời vàng
Bông sen hết nhụy bông tàn
Em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga
Tiếp đến, nói đến con người trong ca dao Nam bộ không thể không nói đến tính ngang tàng. Họ gặp nhau là những người:
Trai tứ chiếng, gái giang hồ
Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên
Họ là những người tứ chiếng từ những vùng miền khác nhau về vùng đất mới nên mang trong mình ý chí không chịu khuất phục, ít chịu sự ràng buộc của lễ giáo. Họ chấp nhận hiểm nguy, thậm chí trong những hoàn cảnh nhất định họ phải liều:
Ra đi là sự đánh liều
Nắng mai không biết, mưa chiều không hay
Nhưng trước khó khăn, cuộc đồi phiêu bạc, họ cũng là những người bất khuất, trượng nghĩa, không biết luồn cúi, không sợ uy quyền:
Trời sinh cây cứng lá dai
Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều
Hay:
Bể sâu con cá vẫy vùng
Trời cao muôn trượng, cánh chim hồng bay cao
“Ngang tàng không phải là phá phách, là làm loạn. Ngang tàng là một nét nhân cách Nam bộ. Đó là những con người không chấp nhận sống mà phải cầu xin, phải khuất phục trước bạo lực. Đó là những con người vươn tới những điều to tát, không quan tâm đến những cái vụn vặt. Có thể trong cuộc sống hiện đại, đây đó vẫn có những con người Nam bộ tầm thường. Điều này không có gì lạ. Nhưng trong ca dao, người Nam bộ hướng tới một nhạn bay cao quý mà không thèm để ý đến chim sâu tầm thường” - tác giả Trần Văn Nam nhận định trong cuốn Biểu trưng trong ca dao Nam bộ.
T.T