Trong tiến trình phát triển văn hóa của các dân tộc trên thế giới, không thể không nhắc đến sự xuất hiện và vai trò của búp bê trong đời sống tinh thần. Nếu như Nga nổi tiếng với búp bê truyền thống Matryoshka thì Nhật Bản có một "kho tàng" búp bê đặc trưng.
Trong tiến trình phát triển văn hóa của các dân tộc trên thế giới, không thể không nhắc đến sự xuất hiện và vai trò của búp bê trong đời sống tinh thần. Nếu như Nga nổi tiếng với búp bê truyền thống Matryoshka thì Nhật Bản có một “kho tàng” búp bê đặc trưng. Búp bê Nhật Bản được chế tác đa dạng và khéo léo, ngoài mang đậm dấu ấn nghệ thuật đặc sắc, còn gửi gắm trong đó rất nhiều câu chuyện văn hóa, lịch sử của xứ sở Mặt trời mọc.
Nhiều bạn trẻ tham quan triển lãm lưu động Ningyo: Nghệ thuật và vẻ đẹp của búp bê Nhật Bản. Ảnh: L.Viên |
Triển lãm lưu động Ningyo: Nghệ thuật và vẻ đẹp của búp bê Nhật Bản do Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức từ ngày 13 đến 29-5 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm giới thiệu 67 búp bê, chia thành 4 chủ đề: Búp bê dùng để cầu nguyện cho trẻ em khôn lớn, Búp bê với vai trò tác phẩm nghệ thuật, Búp bê với vai trò nghệ thuật dân gian và Truyền bá văn hóa búp bê.
* Thổi hồn vào búp bê
Ngày cuối tuần dù trời mưa nhưng anh Nguyễn Quý Dương (ngụ Q.8, TP.HCM) vẫn một mình đến xem Triển lãm lưu động Ningyo: Nghệ thuật và vẻ đẹp của búp bê Nhật Bản. Anh cho biết trước đây anh có tìm hiểu về một vài loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản như: ca kịch, múa kiếm, rối… nên anh rất muốn khám phá thêm nhiều nét văn hóa của đất nước Phù Tang.
“Đến xem triển lãm búp bê lần này, tôi rất ấn tượng với các búp bê có màu sắc tinh tế, quần áo sặc sỡ, nét mặt biểu cảm rất có hồn. Càng ý nghĩa hơn khi đọc các thuyết minh về mỗi búp bê, hiểu ra được sự công phu khi chế tác búp bê, cũng như các câu chuyện gắn với văn hóa, lịch sử của đất nước Nhật Bản. Điều này giúp tôi mở mang hiểu biết và cảm nhận sâu sắc hơn với từng búp bê” - anh Nguyễn Quý Dương chia sẻ.
Một số búp bê Nhật Bản được trưng bày tại triển lãm |
Theo Ban tổ chức, triển lãm giới thiệu toàn diện về văn hóa búp bê Nhật Bản, từ Katashiro và Amagatsu, được xem là nguyên mẫu của búp bê Nhật Bản, đến những búp bê bản địa phản ánh về khí hậu và những giai thoại trên khắp đất nước, hay những búp bê thay quần áo được yêu chuộng ở Nhật Bản ngày nay và những búp bê nhân vật được làm theo tỷ lệ được đánh giá cao trên toàn thế giới.
Giám tuyển Bảo tàng Quốc gia Tokyo Mita Kakuyuki cho biết: “Một khía cạnh chính của văn hóa Nhật Bản là tình yêu sâu sắc đối với búp bê. Văn hóa búp bê đặc biệt lan tỏa ở Nhật Bản vào thế kỷ XVII và người ta có thể tìm thấy sự hiện diện của búp bê ở nhiều mặt của cuộc sống hằng ngày, kể cả trong cuộc sống của triều đình Nhật Bản và cuộc sống của người dân bình thường. Hơn nữa, những loại búp bê đó cũng là thành tựu tiến bộ nhìn từ cả quan điểm của nghệ thuật và nghề thủ công hiện đại. Việc nhiều mẫu búp bê thực sự đã bước vào lĩnh vực nghệ thuật cao là một điều cực kỳ hiếm khi so sánh với văn hóa búp bê được thấy ở những nơi khác trên thế giới…”.
* Tình yêu sâu sắc của người Nhật đối với búp bê
Từ thời xa xưa, người dân Nhật Bản đã rất coi trọng những búp bê, dù thuở ban đầu, chỉ là những búp bê đơn giản. Người dân Nhật Bản gửi gắm vào những búp bê nhỏ nhắn ấy sự mạng và niềm tin lớn lao là bảo hộ cho trẻ em; nguyện cầu búp bê sẽ xua đi những xui rủi, bất hạnh trong đời sống; đồng thời mang đến những điều tốt đẹp, bình an, giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh, hạnh phúc. Búp bê từ đó gắn liền với những phong tục, nghi lễ hay trong các sự kiện cầu nguyện cho trẻ em lớn khôn.
Dần dần theo thời gian, với tình yêu đối với búp bê, người dân Nhật Bản đã chế tác những búp bê phức tạp hơn với nhiều chi tiết tinh tế, cùng nhiều loại chất liệu và phụ kiện đi kèm. Nổi bật trong số này có thể kể đến là búp bê Saga: Enmei fuku no Kami (Thần Phúc Thọ) tạo được ấn tượng với người xem khi bộ trang phục của búp bê có những chi tiết nhỏ, tinh xảo với lớp vàng lá và sơn, được giới thiệu là “một trong những búp bê sang trọng nhất trong số những búp bê Nhật Bản từ thời Edo (1603-1868)”; hay như búp bê Isho: Maiko trong hình dáng cô gái biểu diễn các điệu múa trong các bữa tiệc truyền thống ở Kyoto, mặc trang phục đi chơi. Bộ trang phục, các phụ kiện trang trí trên mái tóc của búp bê Isho được làm một cách tỉ mỉ giống như trang phục, phụ kiện dành cho người thật, chỉ khác là được thu nhỏ lại cho phù hợp với dáng hình của búp bê...
Anh Nguyễn Quý Dương (Q.8, TP.HCM) tìm hiểu một số búp bê tại triển lãm |
Với sự kỳ công trong từng sản phẩm đồ chơi, mỗi một búp bê đã thực sự trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ở Nhật Bản, được giới thượng lưu và triều đình rất yêu chuộng.
Đối với người bình dân Nhật Bản, dù búp bê được làm bằng những chất liệu đơn giản hơn như: giấy, đất sét… nhưng không phải vì vậy mà thế giới búp bê kém phần sinh động và sặc sỡ. Dù dành cho giới quý tộc hay bình dân, búp bê vẫn mang theo nhiều tình cảm yêu thương của người lớn dành cho con trẻ, từ đó nở rộ ở nhiều địa phương khắp đất nước Mặt trời mọc. Theo thời gian, búp bê dần xuất hiện trong các loại nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như: múa rối, sân khấu…
Ngày nay, những búp bê đương đại ở Nhật Bản cũng được chế tác một cách tinh xảo và sáng tạo, được nhiều trẻ em trên thế giới yêu thích.
“Những con búp bê, Ningyo, thật có sức mạnh kết nối sự khác biệt về chủng tộc và dân tộc, đồng thời trực tiếp thu hút tâm hồn trẻ nhỏ trong chúng ta và niềm đam mê của chúng ta với những thứ đẹp đẽ và đáng yêu. Chính tất cả chúng ta cũng có cùng một tinh thần như thế, mong muốn có một cuộc sống vạn an, nghĩa là những con búp bê này, dù không biết nói, nhưng có lẽ là những sứ giả đến để đánh thức những cảm xúc như vậy và mang lại cho chúng ta sự bình yên đó…” - Giám tuyển Bảo tàng Quốc gia Tokyo MITA KAKUYUKI chia sẻ. |
Lâm Viên