Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháng 5 ở Trường Sa

09:05, 28/05/2022

Tháng 5-2022 đánh dấu 60 năm thành lập Hải quân Việt Nam, cũng là tháng kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Tháng 5-2022 đánh dấu 60 năm thành lập Hải quân Việt Nam, cũng là tháng kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nhà văn Trần Thu Hằng chụp ảnh lưu niệm với đại úy Nguyễn Thành Trung - cán bộ đảo Đá Lát
Nhà văn Trần Thu Hằng chụp ảnh lưu niệm với đại úy Nguyễn Thành Trung - cán bộ đảo Đá Lát

Tháng 5 ở Trường Sa đong đầy những tình cảm thiêng liêng ấy, qua hành trình hơn 1.200 hải lý của Đoàn công tác số 7 trên con tàu kiểm ngư 491.

Tháng 5 nhớ Bác

Tàu xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, với 229 đại biểu và thủy thủ đoàn hơn 70 người. Đây là một trong những chuyến tàu đầu tiên sau gần 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, nên công tác phòng, chống dịch cũng được triển khai hết sức cẩn thận. Đại biểu thuộc nhiều ngành nghề, cơ quan khác nhau, sinh sống khắp mọi miền Tổ quốc; nhưng ngay từ khi lên tàu, mọi người đã gắn kết với nhau như người một nhà.

Đi trong Đoàn công tác số 7, có 3 thành viên sinh sống và công tác tại Đồng Nai: thượng tá Lê Văn Tuấn (Công an tỉnh), chị Phạm Thị Thanh Thúy (HD Bank chi nhánh Tam Hiệp) và nhà văn Trần Thu Hằng (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh). Tuy lần đầu được đến với Trường Sa, song cả ba anh em đều có chung cảm nhận, coi đây là niềm vinh dự và cũng là cột mốc không thể nào quên, để tiếp tục cố gắng, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó có một phần không thể tách rời là Trường Sa máu thịt yêu thương.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang - Trưởng đoàn công tác - đã nói với nhóm đại biểu văn nghệ sĩ, nhà báo chúng tôi về ý nghĩa quan trọng của chuyến đi. Sự chân thành và gần gũi của ông đã truyền cảm hứng cho các thành viên đoàn, để chuyến đi không chỉ nối liền khoảng cách đất liền và hải đảo mà còn nối kết truyền thống lịch sử với hiện tại, nối kết những tấm lòng đối với Tổ quốc, quê hương.

Những bài hát về Bác đã vang lên ngay trong lễ tiễn tàu rời cảng. Trên boong tàu, những bài hát về Bác đã kéo tất cả mọi người ra khỏi sự bỡ ngỡ và mệt mỏi khi lên tàu. Bên cạnh đó, những bài hát về người lính, về biển đảo đã khích lệ tinh thần mọi người một cách mạnh mẽ. Bối cảnh đặc biệt đã tạo những ấn tượng tuyệt đẹp về đời sống, về hình tượng người lính đảo.

Những ấn tượng ấy đã trở thành hiện thực khi chúng tôi đặt chân lên những hòn đảo trong cuộc hành trình đặc biệt này, đầu tiên là đảo Đá Thị, rồi sau đó là những đảo chìm như: Đá Đông, Đá Tây, Thuyền Chài, Đá Lát; những đảo lớn như Tốc Tan, Phan Vinh, Sinh Tồn, hòn đảo An Bang xinh đẹp và sau cùng là Trường Sa lớn.

Chiến sĩ trên đảo đa phần còn rất trẻ, họ được huấn luyện để có tinh thần thép, với bản lĩnh và sức mạnh của người lính cụ Hồ “trung với nước, hiếu với dân”. Chân dung của Bác Hồ, và những lời dạy của Người được cán bộ, chiến sĩ đặt ở vị trí trang trọng nhất trên đảo - thường là ở nơi học tập, sinh hoạt tập thể. Trên điểm đảo Thuyền Chài B, chúng tôi bị níu chân bởi tờ báo tường được viết bằng những nét chữ còn non nớt nhưng đầy chí khí:

“Biển trời hải đảo của ta

Thiêng liêng bờ cõi bao la nghìn trùng

Chí trai thỏa sức vẫy vùng

Noi theo truyền thống anh hùng ông cha

Giữ yên bờ cõi nước nhà

Nghìn năm bất khuất chúng ta tự hào”

(Bộ đội cụ Hồ, thơ sưu tầm)

Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, lời hát ấy không chỉ dành cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1, mà còn dành cho tất cả thành viên trong đoàn công tác. Các thành viên đoàn đã trở thành đồng đội, cùng chung một nhiệm vụ hướng về biển, đảo Tổ quốc; chung một tấm lòng dành cho Bác với những tình cảm tốt đẹp nhất trong sinh nhật của Người.

Hội ngộ ở Trường Sa lớn

Hầu hết các đoàn không thể thăm hết 21 đảo trên quần đảo Trường Sa, song Trường Sa lớn thì không thể không tìm đến. Đó là nơi đánh thức cảm xúc, lương tri và trách nhiệm quân dân Việt Nam vô cùng lớn lao. Bởi đây là nơi người dân sinh sống, giữ đảo cùng với các chiến sĩ; đồng thời họ cũng là những người chăm sóc đền thờ Bác, ngôi chùa Trường Sa lớn. Bàn tay họ làm nên những sản vật địa phương rất đẹp từ vỏ ốc, xà cừ, đá... Tình quân dân thấm đẫm trong khoảng thời gian quý báu chúng tôi được lưu lại ở đây: lễ dâng hương tưởng niệm chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa, lễ dâng hương đền thờ Bác, lễ chào cờ trước cột mốc chủ quyền biển đảo; sau đó là buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ, rồi chia tay...

Những gương mặt người dân sáng bừng đi sau đoàn quân cho thấy tình cảm, sức mạnh của nhân dân luôn là nguồn động viên quý giá nhất để người lính hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, trên đảo có một nhóm võ thuật “nhí” đã được thành lập, các cháu biểu diễn, giao lưu với chúng tôi rất tự tin, đầy tinh thần thượng võ.

Trường Sa lớn còn là nơi đẹp như tranh vẽ, với mặt biển xanh ngời, không khí trong lành, hàng cây phong ba vững chãi và cầu cảng vươn dài như thành trì cổ tích. Trăng rằm tháng 5 vằng vặc chiếu trên bầu trời thanh cao, đẹp đẽ vô cùng. Dường như trăng cũng dừng lại để níu con tàu bên cầu cảng, nơi chúng tôi chia tay huyện đảo để tiến về thềm lục địa phía Nam - nhà giàn DK1 thuộc bãi Tư Chính (biển Bà Rịa - Vũng Tàu).

Vầng trăng và tiếng hát giúp cho mọi người khắc ghi mãi trong lòng tình yêu, niềm tin lớn lao của quân dân quần đảo Trường Sa.

Những tấm lòng đến với biển, đảo

Sau sự kiện ngày 14-3-1988, để củng cố chủ quyền biển đảo, nối dài lá chắn Trường Sa, theo Quyết định của Chính phủ, ngày 5-7-1989, Cụm Kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập.

Nhà giàn DK1/12 là điểm xa nhất trên bãi Tư Chính, ngày chúng tôi đến có sóng lớn, khá nguy hiểm. Nhưng sau lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên tàu KN 491, hầu hết các đại biểu đều quyết tâm cao lên thăm nhà giàn.

Đón chúng tôi, các chiến sĩ nhà giàn vô cùng xúc động, vì đã 2 năm không được gặp ai bởi đại dịch Covid-19. Các anh nhắn nhủ: Xin hãy tin tưởng chúng tôi - những người chiến sĩ bảo vệ biển đảo - chúng tôi vừa là lá chắn sống sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, vừa là những người bảo vệ Luật Biển, giúp ngư dân, đồng bào ta sinh sống, phát triển kinh tế và biết sử dụng đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình...

Mỗi chuyến tàu đi đều đong đầy tình cảm của người dân mọi miền đất nước. Điều chúng tôi học tập được là công tác tổ chức của đoàn hết sức chặt chẽ, sự chuẩn bị của các đoàn như Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ VH-TTDL, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương... đều cố gắng mang đến những món quà có ý nghĩa thiết thực nhất đến với biển, đảo. Đó là những đồ dùng thiết yếu, thiết bị, xuồng máy, lương thực... Quỹ học bổng Vừ A Dính (do nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa sáng lập) cam kết hỗ trợ học bổng lâu dài cho con em cán bộ, chiến sĩ hải quân. Một món quà rất có ý nghĩa là những tiêu bản cổ xác lập, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam được TS Phan Văn Hùng - Phó trưởng ban Thi đua - khen thưởng Trung ương luôn nâng niu trong lòng, và trân trọng trao cho người chỉ huy trên các đảo.

Đội xung kích của Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình cũng hết lòng biểu diễn văn nghệ, phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Các nghệ sĩ là những người xuống tàu lên đảo đầu tiên và cũng là những người rời đảo sau cùng.

Nhưng trước sự chuẩn bị, những nỗ lực và tình cảm của những người trong đoàn công tác, thì tinh thần của các chiến sĩ hải quân còn to lớn và có ý nghĩa gấp bội. Họ đưa chúng tôi, từng người một lên đảo, lên nhà giàn và trở về tàu, không nề hà trước bất cứ khó khăn, thậm chí nguy hiểm nào để đảm bảo cho người và hàng được an toàn.

Hàng chữ “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” cũng là lời nhắc nhở chúng tôi về ngôi nhà chung, mà tất cả con dân Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm phải yêu quý, cùng kề vai sát cánh bảo vệ và xây đắp.

Trần Thu Hằng

Tin xem nhiều