Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm lợi thế giữa khó khăn

08:05, 21/05/2022

Sức ép của mô hình bán lẻ hiện đại "đè nặng" lên mô hình bán lẻ truyền thống không phải là câu chuyện mới. Từ 10-15 năm trước, thậm chí 20 năm trước, khi những thương hiệu "đời đầu" như Cora (Big C hiện nay), Co.opmart, Metro Cash & Carry (MM Mega Market ngày nay) mở những siêu thị đầu tiên tại TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội, nhiều người đã băn khoăn về tương lai của bán lẻ truyền thống...

Sức ép của mô hình bán lẻ hiện đại “đè nặng” lên mô hình bán lẻ truyền thống không phải là câu chuyện mới. Từ 10-15 năm trước, thậm chí 20 năm trước, khi những thương hiệu “đời đầu” như Cora (Big C hiện nay), Co.opmart, Metro Cash & Carry (MM Mega Market ngày nay) mở những siêu thị đầu tiên tại TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội, nhiều người đã băn khoăn về tương lai của bán lẻ truyền thống, mà những đại diện tiêu biểu ở đây là chợ truyền thống, chợ tự phát và các cửa hàng tạp hóa.

Tuy nhiên, bán lẻ truyền thống, các chợ truyền thống vẫn “sống khỏe” cho đến cách đây khoảng 5-7 năm, khi các “đại bàng” trong làng bán lẻ tham gia vào thị trường này bằng cách mở ra những chuỗi cửa hàng cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa. Từ những tên tuổi đầu tiên xuất hiện trên thị trường Việt Nam như: G7 (đã biến mất khỏi thị trường), 7-Eleven, Family Mart, Circle K, Co.opfood cho đến những chuỗi cửa hàng bách hóa quy mô như một siêu thị nhưng cung cách gần gũi như chợ truyền thống (Bách hóa Xanh, Satrafoods, Winmart (tiền thân là Vinmart)... Chiến lược kinh doanh của từng chuỗi có thể khác nhau, nhưng cùng một mục đích là làm sao chiếm thật nhiều chỗ trong giỏ hàng các bà nội trợ.

Chẳng hạn, chuỗi Bách hóa Xanh thường chọn các mặt bằng đối diện hoặc ngay bên cạnh các chợ truyền thống, bày bán rau thịt cá trứng và có nhân viên sơ chế phục vụ tại chỗ như các sạp hàng trong chợ. Còn một số thương hiệu từ nước ngoài sẽ chọn mô hình hiện đại hơn để “lấy lòng” người tiêu dùng trẻ bằng cách tích hợp nhiều tiện ích hiện đại trong cùng một cửa hàng (cà phê, internet, sạc pin xe điện...).

Tất cả những yếu tố cạnh tranh đó, cùng với sự “bùng nổ” về số lượng, thực sự đang dần tạo áp lực quá lớn lên bán lẻ truyền thống. Từ sau đại dịch Covid-19, chợ truyền thống đã vắng lại càng vắng hơn do nhiều người tiêu dùng đã quen với việc mua sắm qua mạng và sử dụng các app (ứng dụng) thanh toán, giao hàng. Họ không còn muốn trực tiếp đi các chợ truyền thống để mua sắm nữa. Nhiều tiểu thương chợ truyền thống hay chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ ở đô thị đã khó, nay lại càng khó hơn trong việc xoay trở tìm cách giữ khách hàng.

Song, câu chuyện cạnh tranh khốc liệt này nhìn chung vẫn chỉ mới phổ biến ở đô thị, còn các vùng nông thôn, dù vẫn xuất hiện một vài cửa hàng tiện lợi, nhưng chợ truyền thống, chợ tự phát, cửa hàng tạp hóa... vẫn chiếm thế thượng phong.

Có nhiều “lời khuyên” cho bán lẻ truyền thống ở khu vực đô thị trong việc làm sao giữ chân được khách hàng, và điều này không dễ. Nhưng có một điều là chợ truyền thống hay chợ hẻm vẫn có chỗ đứng riêng (kể cả ở các quốc gia lớn như Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản...). Vấn đề lớn nhất vẫn là học cách đáp ứng nhu cầu của người mua (thái độ giao tiếp buôn bán, vệ sinh sạp hàng, dịch vụ sơ chế, chọn các mặt hàng đặc thù mà bán lẻ hiện đại khó bán... hay thậm chí là những giao lưu có tính văn hóa trao đổi gần gũi, tận tình giữa người bán với người mua). Bán lẻ truyền thống cũng có thể “học” cách tham gia vào các nền tảng mua bán hiện đại như tham gia các app giao hàng, các mạng xã hội, hội nhóm mua - bán... và nhiều thứ khác để tiếp tục tồn tại được trong giỏ hàng bà nội trợ.      

Vi Lâm

Tin xem nhiều