Một trong những lý do khiến cho nhiều chợ truyền thống ở đô thị sụt giảm về sức mua là do nhiều điểm, chợ tự phát mọc lên, khiến cho người dân "tiện đâu mua đó" góp phần làm cho chợ truyền thống mất khách.
Một trong những lý do khiến cho nhiều chợ truyền thống ở đô thị sụt giảm về sức mua là do nhiều điểm, chợ tự phát mọc lên, khiến cho người dân “tiện đâu mua đó” góp phần làm cho chợ truyền thống mất khách.
Hoạt động buôn bán, hàng rong tự phát diễn ra xung quanh khu vực chợ Biên Hòa. Ảnh: L.Phương |
Trong thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực để xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng lề đường, nhưng cần có biện pháp căn cơ hơn để tránh hiện tượng “dẹp rồi lại mở” của chợ tự phát…
* Tác động trực tiếp tới hoạt động của chợ truyền thống
Trên thực tế, tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở các đô thị, các mô hình chợ truyền thống đang gặp những khó khăn khác nhau. Trong đó, tình trạng các điểm kinh doanh tự phát có tính chất như chợ gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị… vẫn còn xảy ra.
TP.Biên Hòa có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu dân cư nên dễ phát sinh hình thành các tụ điểm kinh doanh tự phát. Ngoài ra, do thói quen của nhiều người dân tiện đâu mua đó, ít chú trọng, quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm… dẫn đến tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường vẫn còn xảy ra tại các tuyến đường xung quanh chợ, các ngã ba, ngã tư trong khu dân cư.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng ban Quản lý chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) chia sẻ, do chợ nằm ở gần khu vực có đông công nhân, người lao động sinh sống nên các tụ điểm bán hàng rong tự phát mọc lên xung quanh khu vực chợ đã ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất tới sức mua tại chợ.
Tương tự, ông Võ Văn Phi, Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa cho hay, việc kiểm tra, xử lý điểm tự phát, hàng rong lấn chiếm lòng lề đường ở khu vực bên hông chợ được chính quyền địa phương tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tái diễn do nhiều khách hàng chuộng mua ở khu vực bên ngoài vì chỉ cần tấp xe là mua được, nhanh lẹ mà giá cả thì trong hay ngoài chợ cũng tương đương. Điều này ảnh hưởng đến sức mua chung ở trong khu vực chợ chính.
* Tăng cường kiểm tra, xử lý
Trong buổi làm việc với Sở Công thương về tình hình thương mại, công nghiệp vào cuối tháng 4-2022, lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa cho biết, trên thực tế, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các tụ điểm kinh doanh tự phát được xử lý khá tốt. Thế nhưng sau khi hết giãn cách xã hội, bước vào trạng thái bình thường mới, nhiều điểm kinh doanh tự phát đã hoạt động trở lại dù địa phương nỗ lực kiểm tra, xử lý. Về vấn đề này, trong thời gian tới, TP.Biên Hòa sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các tụ điểm kinh doanh tự phát; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân mua sắm tại các điểm bán hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có kế hoạch mở rộng, phát triển các chợ văn hóa, văn minh… đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.
Trong tháng 4-2022, đoàn công tác của Sở Công thương do Giám đốc Sở Trương Thị Mỹ Dung dẫn đầu đã về làm việc với các địa phương trong tỉnh về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Đối với lĩnh vực chợ, lãnh đạo Sở Công thương lắng nghe, trao đổi các phương án gỡ khó đối với từng địa phương trong việc triển khai quy hoạch và phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại. Đồng thời, Sở đề nghị các địa phương, nhất các thành phố, đô thị lớn đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp hình thành các cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch để đảm bảo văn minh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ và giải quyết các tụ điểm kinh doanh tự phát…
Lam Phương