Voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) là một trong những loài động vật nguy cấp quý hiếm nhóm 1B cần được bảo tồn và phát triển. Thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ đàn voọc.
Voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) là một trong những loài động vật nguy cấp quý hiếm nhóm 1B cần được bảo tồn và phát triển. Thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ đàn voọc.
Voọc chà vá chân đen quý hiếm tại núi Chứa Chan. Ảnh tư liệu |
Theo kết quả của UBND tỉnh mới công bố, hiện quần thể voọc trên núi Chứa Chan có 7 đàn với số lượng từ 159-192 con; trong đó có con đực và con cái trưởng thành, bán trưởng thành, con non. Các con voọc phát triển khá tốt, đang trong thời kỳ gia tăng số lượng.
* “Gia đình voọc”
Một ngày giữa tháng 6-2022, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - TP.Long Khánh, gồm: Phó hạt trưởng Hồ Minh Thế, các kiểm lâm viên: Tôn Hà Quốc Dũng, Nguyễn Công Phúc, Lê Khánh Phương đi kiểm tra trên núi Chứa Chan. Nhiệm vụ của các anh bảo vệ rừng, vừa kết hợp theo dõi diễn biến của đàn voọc.
Khu vực mà đoàn đến kiểm tra là vùng Suối Lạnh (thuộc ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát, H.Xuân Lộc), nơi có đàn voọc đông nhất với khoảng 53 cá thể lớn, nhỏ. Đàn voọc sinh sống ở độ cao khoảng 300m, nơi có nhiều đá lộ thiên và dây leo; địa hình có độ dốc cao; phía dưới đá có nguồn nước chảy ngầm.
Để tiếp cận gần nơi đàn voọc đang ở, các thành viên trong đoàn phải men theo lối mòn nhỏ, ngoằn ngoèo, lắm dốc; còn ở đoạn không có đường, các anh phải xác định hướng rồi trèo vượt qua những tản đá to để tiếp tục cuộc hành trình.
Nhiệm vụ của cơ quan chức năng là phải bảo vệ đàn voọc, nhưng Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - TP.Long Khánh cũng mong ngày càng đông người dân địa phương tham gia góp sức. Chẳng hạn, khi thấy người lạ vô ra rừng thì bà con báo ngay để đơn vị theo dõi và ngăn chặn kịp thời. |
Được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ đàn voọc từ nhiều năm, Kiểm lâm viên Tôn Hà Quốc Dũng có nhiều kinh nghiệm trong việc đi rừng cũng như nắm rõ tập tính của đàn voọc. Anh Dũng chia sẻ, anh có thuận lợi là từ nhà ở TP.Long Khánh đến cơ quan làm việc thì phải đi ngang qua núi Chứa Chan. Do đó, anh cố gắng dành thời gian lên núi mỗi ngày 3 lần để quan sát đàn voọc, đó là vào buổi sáng sớm trên đường đi làm, giờ nghỉ trưa và buổi chiều trên đường đi về nhà.
“Dù trời mưa hay nắng thì tôi vẫn cố gắng lên núi 3 lần/ngày. Nhiệm vụ của tôi là quan sát mọi diễn biến sinh hoạt của đàn voọc và ghi chép, quay phim, chụp ảnh, cập nhật thông tin chi tiết để báo cáo cấp trên. Một ngày làm việc của tôi kết thúc khi đàn voọc trở về nhà an toàn, lúc đó trời cũng tắt nắng thì mình mới rời khỏi núi để về nhà” - anh Dũng bộc bạch.
Theo anh Dũng, voọc chà vá chân đen có tập tính sống theo bầy đàn, con đực đầu đàn có nhiệm vụ đưa cả đàn đi kiếm ăn và cảnh giới để bảo vệ đàn trong suốt quá trình đi kiếm ăn. Đàn voọc đi kiếm ăn 2 buổi/ngày, buổi sáng bắt đầu từ khoảng 7-8 giờ, buổi trưa chúng tìm những nơi mát mẻ trên cây cao hoặc ở dưới tản đá để chơi đùa, ngủ nghỉ và chúng chờ đến chiều thì hoạt động kiếm ăn trở lại. Khi mặt trời sắp lặn, đàn voọc mới trở về “nhà” của chúng.
Mùa mưa, nguồn thức ăn dồi dào, gia đình voọc thường kiếm ăn loanh quanh khu vực sinh sống. Còn mùa khô, khi nguồn thức ăn trở nên khan hiếm thì chúng di chuyển xa hơn để kiếm ăn. “Tôi theo dõi nhiều năm thì thấy gia đình voọc sống rất hạnh phúc, chúng dành tình cảm và thường quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Khi đi kiếm ăn, chúng hay nhường nhịn chứ không tranh giành, thậm chí chúng còn bẻ cành thức ăn để san sẻ cho đồng loại bên cạnh cùng ăn” - anh Dũng kể.
Sau hơn nửa giờ leo núi, đoàn đã đến nơi chỉ cách “lãnh địa” đàn voọc khoảng chừng 100m. Cả đoàn quyết định không đi nữa mà chọn tảng đá to, cao để ngồi quan sát, vì đoạn đường đi đến nơi ở của voọc quá cheo leo, hiểm trở. Đồng hồ lúc này đã điểm 10 giờ trưa và các thành viên quan sát thật lâu trong cái nắng chói chang nhưng không thấy con voọc nào xuất hiện.
Anh Dũng giải thích, đàn voọc thường xuất hiện vào buổi sáng sớm khi tủa ra đi ăn và chiều tối tập trung trở về “nhà”. Còn đi vào buổi trưa thì hên - xui, vì loài này có thói quen đi kiếm ăn rất “êm”, chứ không tranh giành như các loài khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta kiên trì đợi thì sẽ nhìn thấy voọc, vì trong lúc kiếm ăn chúng sẽ di chuyển từ cây này sang cây khác hoặc leo lên những tản đá để quan sát mọi thứ xung quanh.
Anh Dũng tiếp tục dẫn các thành viên trong đoàn đi đến một vị trí thuận lợi hơn để có thể hướng tầm mắt ra xa theo dõi đàn voọc. Sự kiên trì cuối cùng cũng mang lại kết quả như mong đợi. Anh Dũng hô lên: “Voọc kìa…”. Lần nhìn theo hướng tay chỉ của anh, chúng tôi đã thấy được đàn voọc đang di chuyển chậm rãi trong lùm cây để tìm thức ăn với khoảng cách chừng hơn 150m. Khi tận mắt thấy được đàn voọc vẫn an toàn đi kiếm ăn, các thành viên trong đoàn mới yên tâm xuống núi để trở về.
* Chung sức bảo vệ loài động vật quý hiếm
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - TP.Long Khánh Dương Văn Tài cho biết, năm 2016, từ thông tin người dân cung cấp, Hạt đã phối hợp với các đơn vị đi khảo sát tại khu vực đường mòn Láng Da trên núi Chứa Chan (thuộc địa bàn 2 xã: Suối Cát và Xuân Hiệp). Qua khảo sát, đoàn đã phát hiện 1 đàn voọc khoảng 10 con lớn nhỏ đang sinh sống ở khu vực có độ cao 600m. Đến tháng 6-2017, đơn vị tiếp tục đi khảo sát và phát hiện thêm 1 đàn voọc với số lượng khoảng 20 cá thể xuất hiện tại khu vực Suối Lạnh (ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát).
Khi đã có cơ sở khẳng định trên núi Chứa Chan có voọc, Hạt Kiểm lâm đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo các cấp. UBND H.Xuân Lộc ngay sau đó đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác phối hợp bảo vệ loài động vật quý hiếm này. Cụ thể, Công an H.Xuân Lộc phối hợp với công an cấp xã vận động người dân tự nguyện giao nộp các loại dụng cụ, vũ khí tự chế dùng để gây sát hại đến đàn voọc. Chính quyền cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ý thức người dân trong việc bảo vệ loài động vật quý hiếm. Hạt Kiểm lâm phối hợp cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp săn, bắn, bẫy đàn voọc.
Đàn voọc ngày càng dạn dĩ với con người Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc -TP.Long Khánh Tôn HÀ QUỐC DŨNG cho hay: “Nhờ thực hiện tốt công tác bảo vệ, đàn voọc ngày càng trở nên dạn dĩ và gần gũi với con người. Khi gặp người, chúng thường dừng lại ngắm một lúc rồi mới di chuyển; thậm chí cả đàn còn men theo lối mòn xuống gần rẫy của dân để tìm kiếm thức ăn”. |
“Nhờ công tác phối hợp tuyên truyền, tuần tra giữa các cơ quan, đơn vị diễn ra nhịp nhàng, chặt chẽ, nên công tác bảo vệ đàn voọc trên núi Chứa Chan luôn đảm bảo tốt” - ông Tài cho hay.
Trong năm 2020-2021, Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng và chuyên gia cùng thực hiện dự án Điều tra, phân bổ tình trạng, cấu trúc đàn, đặc điểm sinh thái, chương trình giám sát loài chà vá chân đen ở núi Chứa Chan. Qua kết quả nghiên cứu khảo sát, đoàn đã phát hiện 7 đàn voọc chà vá chân đen từ 159-192 con trên núi Chứa Chan. Các con voọc phát triển khá tốt, trong thời kỳ gia tăng số lượng. Mỗi đàn gồm cả con đực và cái đã trưởng thành, con nhỏ và con mới sinh. Quá trình nghiên cứu ghi nhận hiện tượng tách, nhập đàn.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng xác định 154 loài thực vật là thức ăn của chà vá chân đen và không ghi nhận voọc ăn vỏ cây, động vật, côn trùng. Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả thực hiện dự án, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ để công tác bảo tồn đàn voọc ngày càng đảm bảo, hiệu quả.
Lực lượng kiểm lâm Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - TP.Long Khánh đi kiểm tra, giám sát đàn voọc trên núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc). Ảnh: T.Nhân |
Ông Dương Văn Tài cho biết thêm, việc đàn voọc phát triển tốt, số lượng ngày càng tăng là tín hiệu vui, những cũng là trách nhiệm nặng nề cho đơn vị. Do vậy, đơn vị sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thành Nhân