"Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây…" - tiếng hát Phan Mạnh Quỳnh vang lên giữa không gian ấm áp trong MV Tình nhớ (Trịnh Công Sơn) ra mắt ngày 8-6.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) |
“Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây…” - tiếng hát Phan Mạnh Quỳnh vang lên giữa không gian ấm áp trong MV Tình nhớ (Trịnh Công Sơn) ra mắt ngày 8-6.
Vì sao “ông hoàng nhạc phim” (biệt danh của Phan Mạnh Quỳnh) lại bất ngờ thử sức với một trong những bản tình ca nổi tiếng nhất của cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh?
* Nhạc Trịnh vượt thời gian
Gần nửa thế kỷ trước, ca khúc Tình nhớ từng phát hành lần đầu tiên trong băng nhạc “Khánh Ly và những tình khúc Trịnh Công Sơn”. Danh ca Khánh Ly khi trình bày nhạc phẩm này đã truyền tải nỗi nhớ nhung dường như bất tận làm xao xuyến người nghe.
Phan Mạnh Quỳnh hát Tình nhớ của Trịnh Công Sơn (tháng 6-2022) |
Còn khi ca/nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh thể hiện Tình nhớ giữa năm 2022 này, giọng ca sinh năm 1990 nỗ lực nhấn nhá mạnh mẽ như để miêu tả ký ức vàng son về những mối tình “muốn quên nhưng không thể quên” đã qua của người nhạc sĩ họ Trịnh.
Hát và nghe nhạc Trịnh với sự cách biệt ở 2 thế hệ người trẻ, 2 thời đại cách biệt nhau hơn nửa thế kỷ là thử thách không nhỏ với cả nghệ sĩ thể hiện lẫn người thưởng thức âm nhạc ngày nay. |
Những cảm xúc day dứt về tình yêu mang đậm chất điện ảnh trong Tình nhớ (đơn cử như ca từ: “như bờ cạn chìm vào cơn mưa” hay “từng viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi”) khiến Phan Mạnh Quỳnh quyết định chọn bài hát này để hòa âm, trình làng với sự hợp tác của nhạc sĩ Ngô Minh Hoàng, qua đó trở thành một nhịp cầu mang nhạc Trịnh đến gần hơn với khán giả trẻ ngày nay. “Tôi ngưỡng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và yêu thích gần như mọi nhạc phẩm của ông” - Phan Mạnh Quỳnh tiết lộ.
Trong khi đó, một giọng ca sinh năm 1989 là “nữ hoàng nhạc phim” Bùi Lan Hương gây ấn tượng mạnh khi hóa thân vào vai diễn ca sĩ Khánh Ly trong bộ đôi phim điện ảnh Trịnh Công Sơn và Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) cũng đang được chú ý hơn bao giờ hết với màn trình diễn nhạc phẩm Ta thấy gì đêm nay, qua đó tái hiện phân cảnh cởi guốc và hát chân trần nổi tiếng của danh ca Khánh Ly tại sân khấu tụ điểm ca nhạc Quán Văn những năm 70.
Bùi Lan Hương từng hát những tác phẩm khác của Trịnh Công Sơn như: Hạ trắng, Còn tuổi nào cho em…
* Thế hệ gen Z hát nhạc Trịnh
Juky San hát Tuổi đá buồn |
Dự án âm nhạc Gen Z và Trịnh do Universal Music Vietnam khởi xướng gồm những nghệ sĩ trẻ của thế hệ gen Z hát nhạc Trịnh trong hè 2022 này với tham vọng góp phần mang tới một làn gió mới mẻ cho những bản Trịnh ca bất hủ, đồng thời “đưa hơi thở âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến gần hơn với thế hệ trẻ”.
Dự án đã và đang tung ra những sản phẩm đầu tiên như: ca sĩ Mỹ Anh (con gái út của ca sĩ Mỹ Linh) hát Nhìn những mùa thu đi, Juky San (sinh năm 1998) hát Tuổi đá buồn, Hoàng Duyên hát Mưa hồng.
Hoàng Dũng (sinh năm 1995, Á quân cuộc thi Giọng Hát Việt năm 2015), rapper trẻ Obito (sinh năm 2001) và Kiên (tên đầy đủ Trịnh Trung Kiên, là giọng ca nổi bật trên các nền tảng nhạc số) cũng sẽ hát nhạc Trịnh bằng sức trẻ, góc nhìn và trải nghiệm của bản thân họ. Tất cả đều hát với những bản phối mới và sẵn sàng chấp nhận sự khen, chê của khán giả.
Có thể nói, hát và nghe nhạc Trịnh với sự cách biệt ở hai thế hệ người trẻ, hai thời đại cách biệt nhau hơn nửa thế kỷ là thử thách không nhỏ. Làm sao tiếng lòng đồng cảm được vang lên với cảm xúc trong sáng, lãng mạn trước đây chan hòa vào tinh thần và cảm xúc mới mẻ hôm nay là một dấu hỏi lớn. Dù gì đi nữa, nhạc Trịnh là di sản văn hóa vốn đi sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ công chúng Việt Nam. Việc giữ gìn, tiếp nối là điều tất yếu và những đổi mới, sáng tạo cần có sự nhìn nhận cởi mở, cũng như cho thời gian trả lời.
Long Khánh
Nhạc Trịnh dễ hát mà... hát không dễ Từ thế hệ ca sĩ hát thời kỳ đầu thập niên 60, 70 như: Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu đến thế hệ Ánh Tuyết, Cẩm Vân, Trịnh Vĩnh Trinh (em gái Trịnh Công Sơn), Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh sau năm 1975 và những năm gần nhất nổi lên vài “hiện tượng” thi vị nơi cộng đồng mạng như: Nguyễn Thị Hoàng Trang (sinh năm 1997), Nguyễn Tuyết Phượng (sinh viên Nhạc viện TP.HCM)… - nhạc phẩm Trịnh Công Sơn chứng tỏ sức sống bền bỉ theo năm tháng và được công chúng yêu nhạc nhiều thế hệ say mê thưởng thức và chiêm nghiệm.
Đối với lớp trẻ ngày nay, việc thể hiện ca khúc Trịnh Công Sơn có thể mang đến sự mới mẻ, cấp tiến thời đại. Họ có thể gây tranh luận về mặt được, cũng như điểm hạn chế, đồng thời có khán giả thích lẫn có người nghe không chấp nhận, âu cũng là điều bình thường. Nhạc Trịnh cho dù được lan tỏa phổ biến rộng rãi “từ đồng quê hay lên thành phố” song kỳ thực, không phải ai cũng dễ dàng hát hay, hát lột tả hết được chất vị nhân sinh trong ca từ, giai điệu vừa rất thơ vừa sâu lắng của cố nhạc sĩ tài hoa. Đã có một thời gian những người yêu nhạc Trịnh cảm thấy hụt hẫng khi nghe nhiều ca sĩ trẻ cố hát nhạc Trịnh với phong cách mới nhưng không hề thành công. Thậm chí bất bình khi phải nghe những phiên bản “xa lạ”, chói tai. Cho dù vậy, một tín hiệu vui là các bạn trẻ 8X, 9X, Gen Z… nghe nhạc ngày nay có thể tiếp cận ca khúc Trịnh Công Sơn thông qua những gương mặt, giọng ca mới như một sự phát triển tất yếu. Tiếng hát du ca cao vút của Hoàng Trang hay hình ảnh mật thiết, thân thương của Tuyết Phượng mặc áo dài hát nhạc Trịnh với sự đệm đàn của người cha ruột đã thu hút, chinh phục không ít người nghe qua lượt xem lớn lẫn bình phẩm tích cực trên các nền tảng mạng. Điều này cũng giúp cho nhạc Trịnh qua bao thăng trầm lịch sử, thời cuộc, không gian và thời gian vẫn được nối dài đời sống trong lòng công chúng. Hãy cứ chào đón những hiện tượng mới, nỗ lực mới trong thể hiện nhạc Trịnh và để sự sàng lọc tự nhiên từ chính chất lượng sản phẩm lên tiếng. Như chính Trịnh Công Sơn lúc sinh thời đã bày tỏ quan điểm của ông rằng: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. Trung Nghĩa |