Sau hàng chục năm mở cửa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, những thành tựu của Việt Nam trên "mặt trận" kinh tế là rất rõ ràng: xuất nhập khẩu tăng hàng trăm lần, GDP tăng hàng chục lần, thu hút đầu tư trong nước lẫn ngoài nước cũng tăng rất mạnh, thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao chưa từng có…
Sau hàng chục năm mở cửa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, những thành tựu của Việt Nam trên “mặt trận” kinh tế là rất rõ ràng: xuất nhập khẩu tăng hàng trăm lần, GDP tăng hàng chục lần, thu hút đầu tư trong nước lẫn ngoài nước cũng tăng rất mạnh, thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao chưa từng có… Và Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có sự phát triển kinh tế năng động nhất khu vực, cũng là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất khi tham gia gần 20 hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương.
Tuy nhiên, quá trình phát triển đó đã gây tác động không nhỏ đến môi trường. Tại nhiều địa phương, diện tích rừng thu hẹp lại để “nhường” đất cho các dự án, các khu công nghiệp. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ cũng khiến các mảng xanh giảm mạnh, sông suối thu hẹp dòng chảy, môi trường sống bị tổn hại…
Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà quốc gia nào trong quá trình phát triển kinh tế, thay đổi cơ cấu sản xuất cũng đều có một cái giá nhất định nào đó phải trả, kể cả những quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay. Và như một “vòng tròn tri ân”, các quốc gia sau một thời gian phát triển kinh tế mạnh mẽ thì đều phải dành nguồn lực nào đó để “trả lại” cho môi trường sống sự trong lành. Nhiều nước châu Âu và một số nước châu Á phát triển đã thiết kế các chính sách để có nguồn lực phát triển rừng, phát triển mảng xanh như “thu phí xả carbon” hoặc đánh đổi việc xả thải, xả khí thải bằng cách buộc doanh nghiệp phải trồng rừng, trồng cây xanh với số lượng và quy mô tương ứng tại một địa bàn nào đó do Chính phủ quy định.
Có lẽ nhìn ở góc độ nào đó, đây cũng là sự “tri ân” với trái đất, với môi trường sống của tất cả các quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tháng 11-2020, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm, từ 2021-2025. Ngày 31-12-2020, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 45 về tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021 và đến tháng 4-2021, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký Quyết dịnh số 524 về Phê duyệt đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Đề án này nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân cả nước. Mục đích của đề án là cùng với các chương trình hành động của ngành Nông nghiệp và các địa phương trong nỗ lực bảo tồn và nâng cao độ che phủ rừng, góp phần làm phủ xanh đất trống, đồi trọc và xanh hóa đô thị và nông thôn Việt Nam.
Với đề án này, Việt Nam khẳng định mong muốn “sánh vai các cường quốc năm châu” không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ mà còn về môi trường xanh - sạch - đẹp mà còn có ý nghĩa lớn lao hơn: bày tỏ sự tri ân với môi trường sống.
Vi Lâm