Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiếc áo thiên nga: Đưa hát bội gần hơn với người trẻ

10:06, 11/06/2022

Sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đã giới thiệu đến công chúng vở diễn Chiếc áo thiên nga (chuyển thể hát bội: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: Đông Hồ, cố vấn nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu).

Sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đã giới thiệu đến công chúng vở diễn Chiếc áo thiên nga (chuyển thể hát bội: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: Đông Hồ, cố vấn nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu).

Một cảnh trong vở Chiếc áo thiên nga. Ảnh: Trí Trọng
Một cảnh trong vở Chiếc áo thiên nga. Ảnh: Trí Trọng

* Từ kịch nói đến cải lương, hát bội

Chiếc áo thiên nga vốn là kịch bản rất nổi tiếng của tác giả Lê Duy Hạnh. Vở từng được đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng thành vở cải lương hoành tráng biểu diễn tại Sân vận động Quân khu 7, Sân khấu Hồng Vân từng dựng thành vở kịch Nỏ thần rất được yêu thích. Vở còn liên tục ra Bắc vào Nam, được các Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng. Từ kịch đến cải lương vở đều đoạt huy chương vàng tại các kỳ liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Tác giả Hữu Danh vốn là người thầy giỏi nghề được nhà hát tín nhiệm trao truyền trọng trách đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ nhiều năm nay ở Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM. Ông xuất thân là diễn viên, rồi đảm nhiệm những vị trí quan trọng của nhà hát, rồi tập tành viết kịch bản.

Tác giả Lê Duy Hạnh cũng là một trong những tác giả mà Hữu Danh có điều kiện tiếp xúc và học hỏi nhiều. Khi Hữu Danh chuyển thể tác phẩm Chiếc áo thiên nga sang hát bội, ông cũng đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với tác giả Lê Duy Hạnh và được vị soạn giả tên tuổi này tư vấn nhiều điều bổ ích. Với khả năng am hiểu về hát bội, cùng với sự yểm trợ của tác giả Lê Duy Hạnh, ông Hữu Danh đã có bản chuyển thể hát bội tạo được ấn tượng.

Từ kịch bản chuyển thể đó, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đã khoác thêm chiếc áo mới cho Chiếc áo thiên nga. Vở vẫn giữ những nét đặc trưng, đặc thù của hát bội nhưng kết hợp nhiều yếu tố hiện đại với mong muốn hướng tới người trẻ, để hát bội tiếp cận với cuộc sống hôm nay.

* Câu chuyện về sự cảnh giác và tình yêu chung thủy

Vẫn là câu chuyện Trọng Thủy - Mị Châu quá quen thuộc với người dân Việt Nam, nhưng Chiếc áo thiên nga của hát bội lần này tăng cường những lớp diễn để khai thác tối đa diễn xuất của diễn viên. Có thể nói là có những lớp rất nặng mà khi diễn người xem thấy mồ hôi tuôn rơi trên gương mặt nghệ sĩ. Những lớp diễn đó ứng dụng nhiều hình thức vũ đạo khó và khó hơn khi mỗi động tác phải chuyển tải được nội tâm của nhân vật. Và có vẻ đó như thử thách không dễ nhằn để nghệ sĩ có thể hóa thân vào vai diễn, ca trong diễn thật nhuần nhuyễn.

Bên cạnh việc nhấn mạnh bài học về sự cả tin, chủ quan, lơ là dẫn đến mất nước, Chiếc áo thiên nga còn tạo ấn tượng đẹp với màu sắc lãng mạn, bay bổng khắc họa mối tình đẹp của Trọng Thủy - Mị Châu. Và khi kết thúc vở diễn, người xem vẫn còn vương vấn những lớp diễn khi Trọng Thủy gặp Mị Châu, Triệu Đà trừng phạt Trọng Thủy, Hoàng Dung ngậm ngùi để Trọng Thủy xuôi về phương Nam với Mị Châu, Trọng Thủy khóc thương Mị Châu…

Nghệ sĩ Bảo Châu có vóc dáng cao ráo, sáng sủa, tạo nên hình ảnh đẹp của Trọng Thủy. Có thể nói, đây là vai diễn nặng ký nhất của vở diễn khi xuất hiện nhiều cảnh nhất. Và gần như toàn là cảnh nặng về cả tâm lý lẫn vũ đạo. Đó là chàng Trọng Thủy say đắm yêu nàng Mị Châu. Chàng mong hướng đến cuộc sống hòa bình, ấm no cho dân chúng ở cả hai đất nước. Thế nhưng, bên tình bên hiếu, chàng phải giằng xé không biết chọn ngả nào.

Có những lớp diễn mà người xem cảm giác Bảo Châu phải dốc hết lực để thực hiện. Cảnh Trọng Thủy bị Triệu Đà trừng phạt, những cú xoay người, chạy gối, liên tục không nghỉ. Rồi cảnh Trọng Thủy trốn đi để chặn đường quân Triệu Đà tấn công Âu Lạc, những động tác ước lệ thể hiện cảnh rong ngựa, phi nước đại, len lỏi qua trùng trùng núi non…

Cô đào trẻ Ngọc Giàu vào vai Mị Châu khá duyên dáng. Nhưng có lẽ, tạo dấu ấn ở dàn đào phải kể đến nhân vật Hoàng Dung của Kiều My.

Hoàng Dung là người vợ mà Triệu Đà định sẵn cho Trọng Thủy. Hoàng Dung yêu Trọng Thủy nhưng cô hiểu rằng trái tim chàng đã dành trọn cho Mị Châu. Khi Trọng Thủy tìm cách trốn về Âu Lạc với Mị Châu, Hoàng Dung đau đớn nhưng vẫn giúp chồng. Để rồi khi vó ngựa người yêu khuất sau những dãy núi, nàng ôm nỗi đau chết lặng với bào thai đang tượng hình. Kiều My đã phát huy được nội tâm nhân vật đầy xa xót rất dễ chạm vào tâm khảm người xem khiến vai diễn của cô dù là đào nhì nhưng gây được ấn tượng hơn cả đào chính.

Chiếc áo thiên nga còn có sự tham gia của các nghệ sĩ: Đông Hồ, Linh Hiền, Minh Khang, Hoàng Hà… Sau khi tham gia Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2022 tại Nghệ An vào tháng 5 vừa qua, ông Hoàng Vũ, Giám đốc nhà hát cho biết nhà hát đang lên kế hoạch đưa Chiếc áo thiên nga biểu diễn phục vụ học sinh - sinh viên và một số địa phương khi có hợp đồng.

Toàn bộ trang phục vở diễn được may mới. Họa sĩ Hồng Vân không chỉ thiết kế cảnh trí mà còn thiết kế cả đạo cụ và trang phục. Trên cơ sở đó nghệ sĩ Công Minh - Yến Phương đã thực hiện những bộ trang phục thật đẹp và thẩm mỹ.

Trí Trọng

Tin xem nhiều