Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch 'căng mình' chuyển đổi số

11:06, 03/06/2022

Kinh doanh du lịch thời 4.0 đã khiến cho các doanh nghiệp (DN), điểm đến, hộ kinh doanh về lĩnh vực du lịch dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, quảng bá, chào bán các sản phẩm du lịch bất chấp mọi giới hạn về không gian và

Kinh doanh du lịch thời 4.0 đã khiến cho các doanh nghiệp (DN), điểm đến, hộ kinh doanh về lĩnh vực du lịch dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, quảng bá, chào bán các sản phẩm du lịch bất chấp mọi giới hạn về không gian và thời gian.

Khu du lịch Suối Mơ (H.Tân Phú) - điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Nai trên mạng xã hội. Ảnh: N.Liên
Khu du lịch Suối Mơ (H.Tân Phú) - điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Nai trên mạng xã hội. Ảnh: N.Liên

Tại Đồng Nai, cùng với sự chuyển động mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch chung, các DN, điểm đến, hộ kinh doanh về du lịch đã bắt đầu có những chuyển đổi trong chiến lược kinh doanh của mình, góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh du lịch khá sôi động trên cả hai không gian trực tiếp và trực tuyến.

* Cú “hích” sau đại dịch

Có thể thấy, cũng như các ngành kinh tế khác, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được ngành du lịch đặc biệt quan tâm và ưu tiên thực hiện. Đặc biệt, kể từ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu số hóa các sản phẩm du lịch, điểm đến để có thể quảng bá rộng rãi trên không gian số đang trở nên cần thiết đối với ngành du lịch, nhằm tạo sự liên kết, quảng bá cũng như thông tin nhanh nhất đến khách hàng các chương trình kích cầu du lịch của mỗi địa phương, điểm đến du lịch. 

Theo Kế hoạch phát triển du lịch của Đồng Nai năm 2022, ngành du lịch Đồng Nai luôn khuyến khích các DN, điểm đến du lịch ứng dụng nghiên cứu khoa học, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Đồng Nai, thương hiệu và xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, phát triển theo hướng du lịch thông minh.

Đồng Nai nổi tiếng với sản phẩm du lịch sinh thái vườn, rừng, thác, hồ… với các điểm đến như Vườn quốc gia Cát Tiên, hồ Trị An, rừng Chiến khu Đ, vườn trái cây Long Khánh, Xuân Lộc, Long Thành… Kể từ sau đại dịch Covid-19, những điểm đến của du lịch Đồng Nai đã tận dụng những ưu thế của công nghệ, nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới qua thông qua việc đầu tư chăm chút về hình ảnh, sản phẩm cũng như các hoạt động quảng bá du lịch thông qua các hội chợ trực tuyến, sàn thương mại điện tử, các ứng dụng du lịch thông minh, góp phần mang mang lại nhiều tiện ích cho cả du khách và DN.

Bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai cho biết, ngành du lịch Đồng Nai đã đẩy mạnh việc liên kết phát triển du lịch, đặc biệt là liên kết hợp tác trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của Đồng Nai đến khách du lịch trong và ngoài tỉnh; thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Các DN, điểm đến du lịch của Đồng Nai thời gian qua cũng có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đưa sản phẩm du lịch đến với mọi đối tượng trong xã hội, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

* Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Hiện nay, thị trường du lịch đang có sự cạnh tranh rất lớn giữa các đơn vị, điểm đến kinh doanh du lịch, các công ty lữ hành và ngày càng có xu hướng phát triển mạnh về thị trường theo hướng kinh doanh du lịch hiện đại và các kênh đại lý du lịch trực tuyến.

Đến nay, Việt Nam có 10 sàn giao dịch điện tử liên quan đến hoạt động dịch vụ du lịch, chiếm khoảng 20% thị phần trong cả nước (gồm Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, GOTADI…). Con số này còn khá ít so với các sàn giao dịch điện tử khác đang hoạt động trong nước.

Đặc biệt, sự bùng nổ của các công ty nước ngoài về xây dựng hệ thống quảng bá, bày bán các sản phẩm du lịch ở khắp nơi không giới hạn về không gian và thời gian trên không gian số, trong các số đó phải kể đến một vài tên tuổi lớn hiện nay về lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm du lịch, vé máy bay trên sàn giao dịch điện tử là Booking, Agoda, Expedia, Traveloka... cho thấy sự cạnh tranh đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Do đó, DN du lịch, lữ hành cần sớm có những thay đổi, ứng dụng công nghệ, bởi trong tương lai không xa chuyển đổi số sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của DN du lịch.

Anh Thân Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure (H,Trảng Bom) chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ đã giúp các DN du lịch truyền tải thông tin của mình đến mọi nơi. Ngoài việc áp dụng thực hiện quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau.

Theo anh Linh, nhờ có sự đầu tư khá mạnh về lĩnh vực du lịch trên không gian số, DN của anh vẫn có sự phát triển trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19 từ sự quảng bá hình ảnh du lịch trên không gian 3D, nhờ đó sau dịch, khách hàng đặt tour tăng khá nhanh. “Năm 2021, DN của tôi tham gia Ngày hội du lịch trực tuyến tại TP.HCM với gian hàng trực tuyến giới thiệu các sản phẩm của công ty đến du khách trên không gian ảo. Với cách thức này, khách du lịch có thể tham quan trước điểm mình dự định sẽ đi, tìm hiểu về đặc điểm, những món ăn, địa danh độc đáo nên đến trải nghiệm. Đối với DN, đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá sản phẩm, hình ảnh đến với du khách mọi nơi trên thế giới” - anh Linh cho biết thêm.           

Ngọc Liên

Tin xem nhiều