Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo sư Chung Hoàng Chương: Cần hành động để bảo vệ và phát triển bền vững sông Mê Kông

02:06, 04/06/2022

Sông Mê Kông là con sông chính ở Đông Nam Á chảy qua 6 quốc gia. Đối với Việt Nam, dòng sông này đặc biệt quan trọng khi kiến tạo nên vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, sinh kế cho hàng chục triệu dân cư.

Giáo sư Chung Hoàng Chương
Giáo sư Chung Hoàng Chương

Sông Mê Kông là con sông chính ở Đông Nam Á chảy qua 6 quốc gia. Đối với Việt Nam, dòng sông này đặc biệt quan trọng khi kiến tạo nên vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, sinh kế cho hàng chục triệu dân cư. Tuy nhiên, sự phát triển bền vững của dòng sông đang chịu nhiều tác động từ vấn đề thủy điện ở thượng nguồn tới xâm nhập mặn ở ven biển

Giáo sư (GS) Chung Hoàng Chương, nhà nghiên cứu về sông Mê Kông đã có những chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần xung quanh vấn đề này.

Sông Mê Kông  và vùng đồng bằng Việt Nam đang bị ảnh hưởng

* Thưa GS, đang làm việc ở nước ngoài, vì sao cách đây nhiều năm ông đã trở về nước để làm việc, dành tâm huyết để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến dòng sông Mê Kông?

- Tôi sinh ra tại Tiền Giang, nhưng từ thời trẻ đã qua Mỹ làm việc, nghiên cứu và giảng dạy. Quê hương vẫn luôn là niềm khắc khoải, đau đáu với tôi.  Năm 2008, khi đang giảng dạy tại Mỹ, tôi nhận chương trình nghiên cứu giảng viên. Tôi được tài trợ nghiên cứu về văn hóa lưu vực Mê Kông và những vấn đề liên quan đến địa chính trị của vùng Đông Nam Á, do vậy việc trở về Việt Nam được thường xuyên hơn.

* Sông Mê Kông là con sông chảy qua nước ta và một số nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia, GS đã có những trải nghiệm như thế nào trên dòng sông này?

- Chúng tôi đã có những chuyến thực địa dọc theo dòng Mê Kông từ nơi khởi nguồn cho tới khi đổ ra vịnh biển trên địa phận Việt Nam. Tôi cùng các cộng sự đã đi qua Vân Nam, châu tự trị Tây Song Bản Nạp, Lào, vùng Tam giác vàng, Thái Lan, Campuchia, những phụ lưu của Mê Kông như Serepok, Sekong và Sesan, quan sát nhiều nhánh sông xuyên ngang đồng bằng sông Cửu Long. Những chuyến đi đã cho tôi cái nhìn xác thực về dòng sông cũng như người bản xứ.

Đây là con sông lớn nhất chảy qua nhiều nước Đông Nam Á, có đa dạng sinh học rất phong phú với những lát cắt về sinh thái, văn hóa của cư dân bản địa dọc theo tuyến sông. Nó là con sông của sự sống, của văn hóa, ở đây chủ yếu là văn hóa Phật giáo. Việc nghiên cứu dòng sông đã mang lại cho tôi và những cộng sự, học trò của mình những trải nghiệm bổ ích và thêm yêu quý con sông này.

* Đẹp, chứa đầy giá trị văn hóa, sinh thái, là nguồn sống cho hàng chục triệu người ven sông nhưng hiện nay, dòng sông đang bị lạm dụng và có biến động lớn, ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

- Chính xác, dòng sông đang bị lạm dụng, nguồn nước bị chặn ở thượng nguồn. Những con đập khổng lồ đã biến Mê Kông thành một chuỗi những hồ nước khổng lồ ở Trung Quốc rồi Lào, Thái Lan xây thêm những đập nước trên dòng chính để sản xuất điện. Điều này ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái ven sông, cuộc sống của cư dân xung quanh lưu vực. Việt Nam là quốc gia cuối cùng, nơi hạ nguồn con sông đổ ra vì thế tác động có thể được coi là lớn nhất.

Cần chung sức để bảo vệ dòng sông

GS Chung Hoàng Chương hiện tại sinh sống chủ yếu ở Q.7, TP.HCM. Ông có kinh nghiệm học thuật lâu năm trong lĩnh vực giảng dạy tại các trường UC Berkeley, Đại học tiểu bang San Francisco, nơi ông đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu người Mỹ gốc Việt đầu tiên và sau đó trong hơn 15 năm điều phối một chương trình trao đổi giữa Trường cao đẳng TP.San Francisco và nhiều tổ chức giáo dục cao cấp ở khu vực Đông Nam Á mà trong đó trọng tâm là Việt Nam.

* Với tâm huyết của mình, qua quá trình nghiên cứu nhiều năm nay, ông có đề xuất gì để có thể hạn chế được phần nào những tiêu cực phát sinh do con người gây ra với dòng sông này?

- Tôi cho rằng để có thể “cứu” dòng sông và phát triển bền vững, chúng ta cần có tầm nhìn về vấn đề này.

Trước mắt, trong ngắn hạn nên hướng dẫn người dân có lối canh tác thuận với tự nhiên hơn. Trên khắp vùng đồng bằng hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã khiến cho môi trường bị biến đổi, hệ sinh thái thực, động vật không còn phong phú như ngày xưa. Do vậy, người canh tác cần linh hoạt, uyển chuyển, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự phối hợp, tham gia của dân cư.

Chúng ta cũng có thể phát triển các mô hình kinh tế khác, nhất là du lịch thiên nhiên, kinh tế xanh để bảo tồn những vốn quý còn lại. Về trung hạn chúng ta cần xây dựng trung tâm nghiên cứu về những ảnh hưởng của thiên nhiên, của con người đối với dòng sông, quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia am hiểu để có thể đề xuất các chương trình hành động cho Chính phủ một cách hợp lý nhất. Chúng ta không thể “bê” 20 triệu dân vùng đồng bằng đi các vùng kinh tế khác như Bình Dương, Đồng Nai… được.

Lâu dài hơn, Việt Nam không thể đứng riêng lẻ, cần phải nỗ lực đàm phán, đấu tranh để đi đến một Hiệp định ứng xử cho toàn lưu vực với 6 quốc gia đang chia sẻ nguồn nước của dòng sông này. Điều mà một số quốc gia ở những lưu vực sông lớn trên thế giới đang thực hiện.

Hình ảnh về sông Mê Kông. Ảnh: NVCC
Hình ảnh về sông Mê Kông. Ảnh: NVCC

* Thưa GS, vậy trách nhiệm bảo vệ dòng sông, sự sống và sinh kế của người dân không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn bắt đầu từ chính cư dân bản địa?

- Điều này là rõ ràng! Nguyên nhân quan trọng của khó khăn hiện nay với đồng bằng là do những đập nước thượng nguồn tham lam và ích kỷ. Nó có tác động lớn đến vùng hạ lưu, nhất là đối với Việt Nam. Như đã nói, chúng ta phải có sự lên tiếng mạnh mẽ và cùng hành động để kêu gọi, thúc đẩy ra đời một hiệp định quốc tế được tôn trọng bằng tầm nhìn xa và những kiến thức khoa học. Cần phải tạo một nguyên tắc ứng xử chung văn minh, nhất quán để gìn giữ dòng sông. Điều thứ 2 nữa là mỗi người dân phải có trách nhiệm nơi mình sinh sống, nơi mang lại sinh kế cho gia đình. Phải bảo vệ thiên nhiên trước tiên từ chính mỗi người bởi trong khi chờ nước xa thì điều quan trọng là ý thức của người dân trước hết cần được nâng cao. Giáo dục môi trường cần được đẩy mạnh ở các bậc học để con em chúng ta có trách nhiệm hơn với tương lai.

* Nói về vấn đề thủy điện, không chỉ lưu vực sông Mê Kông mà ở trên nước ta, thời gian qua đã có nhiều vấn nạn đối với những thủy điện nhỏ trên các dòng sông, ý kiến của GS đối với điều này như thế nào?

- Hằng năm, vào mỗi mùa mưa lũ, việc xả trạm của các thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung đã gây ra nhiều hệ lụy, phải mất rất nhiều thời gian khắc phục. Tính mạng, tài sản của người dân đã có những mất mát, nhiều ý kiến cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Thiết nghĩ, chúng ta cần có một đánh giá cụ thể hơn, được và mất của các công trình ấy. Từ đó, hạn chế tối đa việc quy hoạch, cấp phép cho các dự án mà sau này người dân phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy như đã nói. Và truyền thông cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để chúng ta cùng chung tay giữ được sự phát triển bền vững.

* Xin cảm ơn giáo sư!

“Sau khi về hưu, tôi tiếp tục muốn nghiên cứu về lưu vực của dòng sông này. Niềm vui quý giá nhất với tôi là tuần nào cũng được đi một tỉnh, huyện hay xã, học được các khái niệm bản địa, hiểu thêm văn hóa và bề dày lịch sử của nơi tôi sinh ra”.

 Văn Gia (thực hiện)

 

Tin xem nhiều