Ít có một tiểu thuyết nào được tặng giải khi còn ở dạng bản thảo, tất nhiên có điều lệ của ban tổ chức nhận bản thảo, nhưng thường thì các tác giả chỉ gửi dự thi tác phẩm đã in.
Ít có một tiểu thuyết nào được tặng giải khi còn ở dạng bản thảo, tất nhiên có điều lệ của ban tổ chức nhận bản thảo, nhưng thường thì các tác giả chỉ gửi dự thi tác phẩm đã in.
Bản thảo cuốn Sông Luộc ở phương Nam của nhà văn Khôi Vũ - còn có bút danh khác là Nguyễn Thái Hải (Biên Hòa, Đồng Nai) khi viết cho thiếu nhi, là một trong những trường hợp ít ỏi ấy. Tác phẩm được trao giải ba trong cuộc thi Tiểu thuyết 2016-2019 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức và mới đây, NXB Dân Trí xuất bản. Sách dày hơn 400 trang, tác giả nói, đây là công trình tim óc của ông trong sự nghiệp cầm bút.
Tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, nói chung là văn học hư cấu, thường dựa vào một nguyên mẫu nào đó trong đời thường. Thế nhưng nói như cố GS-NGND Lê Đình Kỵ “bê nguyên xi nguyên mẫu vào tác phẩm thì hỏng”.
Đọc Sông Luộc ở phương Nam, người đọc dễ dàng nhận là các nhân vật trong tác phẩm có dáng dấp tác giả và những người ruột thịt, quen thân xung quanh nhưng tuyệt nhiên ấy không phải là tác giả vì đầu sách ghi rõ: tiểu thuyết. Thế nhưng đọc Sông Luộc ở phương Nam, từ các tiểu truyện đến vĩ thanh, với bối cảnh lịch đại của Biên Hòa từ năm 1954-1975 và đến năm 2000 khi Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam, khi đọc tiểu thuyết, dễ dàng có cảm nhận như là một tự truyện. Biết về tác giả để hiểu thêm tác phẩm, có thêm phần thú vị khi đọc tác phẩm văn chương.
Sách có nhiều tiểu truyện, không có các tuyến nhân vật chính diện, phản diện mà xoay quanh nhân vật Thái từ khi là một học sinh tiểu học trong một gia đình quê vùng sông Luộc, Thái Bình vì hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đã vào Nam và định cư ở Biên Hòa đến khi trưởng thành và trải qua sự kiện 30-4-1975.
Một phần tư cuốn sách gần như tập trung xung quanh nhân vật này và qua nhân vật Thái, người đọc có thêm những tri thức về Biên Hòa qua khát vọng học hỏi, tìm tòi, làm giàu kiến thức và nỗ lục phấn đấu trong học tập.
Trước 1975, ở miền Nam, thi đậu vào đệ thất (lớp 6) trường công chắc chắn là khó hơn thi đậu đại học trường công bây giờ. Thái đã làm được điều đó nhưng những năm đầu trung học đệ nhất cấp, tức THCS sức học của Thái chưa dẫn đầu lớp, phải đến khi vào đệ nhị cấp, tức THPT với quyết tâm và phương pháp khoa học trong tự học, Thái vào tốp dẫn đầu để có kết quả đậu hạng bình trong kỳ thi tú tài 2, còn gọi là tú tài toàn phần. Lúc này, đậu tú tài là đã được đọc tên trên Đài Phát thanh quốc gia.
Thế nhưng điều thú vị về nhân vật Thái thời thiếu niên là những khám phá về Biên Hòa. Chẳng hạn như Thái biết lý do người Biên Hòa không “ăn” tân gia vì ảnh hưởng quan niệm của người Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên vào lập nghiệp ở Biên Hòa, họ coi chỉ là nơi ở tạm. Hoặc như người Hoa nói với nhau khi giao tiếp không nói bên phải, bên trái mà nói phía Đông, phía Tây vì phải, trái còn tùy thuộc người đứng quay ra hoặc quay vô, còn Đông, Tây, Bắc, Nam thì đứng vị trí nào cũng vậy.
Biên Hòa có nhiều ngôi chùa nổi tiếng, nhân vật ông Quản là thân sinh của Thái, được bầu là Chánh đại diện phật tử ngôi chùa, nhà chùa và ông vận động quyên góp đúc chuông (đại hồng chung), trước lễ đổ đồng, gia đình ông ăn chay 1 tuần, lòng thành khiến “tiếng chuông vang ngân, nghe mà mát lòng, mát dạ” (trang 112).
Trong sách có những cồn Gáo, cồn Cỏ, cù lao Rùa, cù lao Phố, chợ Đồn... Nay cồn Gáo trên sông Đồng Nai ở Biên Hòa mất hẳn, cồn Cỏ còn gọi là cù lao Cỏ còn đó nhưng món gỏi cá cuốn bánh tráng bằng cá còn sống bơi trong thau thì nay không thấy có.
Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải có truyện ngắn dành cho thiếu nhi được chọn in trong sách 56 truyện ngắn hay của NXB Kim Đồng, Sông Luộc ở phương Nam có những chi tiết tình cảm nhẹ nhàng tuổi nhỏ. “Dẫu vậy suốt trên đường về, cậu cứ tiếc là không nhìn rõ mặt cô bé tên Yên. Ừ nhỉ! Thế thì lần sau có gặp mình cũng chẳng nhận ra…”. (trang 109). Sách cũng có chuyện tình ly kỳ nhưng là của người lớn khi Thái còn rất nhỏ.
Đọc Sông Luộc ở phương Nam sẽ được cung cấp thêm nhiều tri thức tin cậy về con người và cuộc sống Biên Hòa tầm nửa thế kỷ, chưa kể kiến văn qua lời kể nhân vật, nhất là nhân vật người gốc Biên Hòa...
Phi Châu