Ngày 21-6-2022, kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày này có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Như là ngày hội để người đọc giao lưu, tri ân các chiến sĩ báo chí cách mạng.
Ngày 21-6-2022, kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày này có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Như là ngày hội để người đọc giao lưu, tri ân các chiến sĩ báo chí cách mạng. Đây cũng là dịp để các nhà báo, tờ báo, cơ quan báo chí ngẫm lại mình, phát huy để phục vụ công chúng tốt hơn. Rất nhiều hoạt động thiết thực diễn ra, có tình cảm chân thành, có hoạt động hào hứng hướng về dự kiến tương lai, có cảm xúc lắng lòng về các nhà báo đáng kính đã ra đi.
Nhà báo Hoàng Thơ (trái) và tác giả Huỳnh Văn Tới (ảnh tư liệu năm 1997) |
Chợt nhớ và nghĩ về một nhà báo “ba không”: Không hội viên nên không thẻ, không biên chế nên không lương, đặc biệt là bản thảo thường không dấu. Đó là nhà báo Hoàng Thơ. Ông tên là Trần Hiếu Thuận, sinh năm 1927 tại làng Vĩnh Thị, nay thuộc P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa.
Hoàng Thơ được xem là một trong những nhà báo lão làng gắn với sự nghiệp báo chí cách mạng ở Đồng Nai. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hoàng Thơ tham gia Ban Tuyên truyền đầu tiên do Tỉnh ủy Biên Hòa thành lập với nhiệm vụ phát hành báo chí từ Sài Gòn, cổ vũ nhân dân tham gia kháng chiến và xây dựng chiến khu. Đầu năm 1946, giặc đánh phá, tìm diệt Việt Minh, Ban Tuyên truyền ôm máy chữ, radio và phương tiện in thô sơ di dời nhiều nơi, từ Gò Mọi, Đồng Lách, Hốc Bà Thức đến Tân Uyên; vừa di động vừa phát thanh, in ấn, không gián đoạn lúc nào. Từ giữa năm 1946, Ty thông tin Biên Hòa ra tờ Báo Đồng Nai, Ban Chỉ huy Chi đội 10 ra Báo Tiếng Rừng, Hoàng Thơ cùng Dương Minh Cưu, Nguyễn Trạc, Tiêu Như Thủy… là những cây bút chính. Hoàng Thơ đảm nhận nhiều việc bếp núc của “tòa soạn”, kết nối các cộng tác viên gạo cội như: Phạm Thiều, Huỳnh Văn Nghệ, Bùi Cát Vũ, Lý Văn Sâm; có hoa tay tạo măng sét báo, minh họa các bài báo. Trong tài liệu lưu niệm của nhà báo Hoàng Thơ, có một tờ Báo Tiếng Rừng đăng bài Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ và minh họa hình nai rừng của Hoàng Thơ. Từ đó, các tờ báo cách mạng: Biên Hòa, Thông tin Biên Hòa, Thông tin Thủ Biên… đều có dấu ấn đóng góp của Hoàng Thơ.
Sau Hiệp định Genève 1954, Hoàng Thơ không đi tập kết, lặng lẽ trong căn chòi lá vườn nhà ở Vĩnh Thị làm công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hoàng Thơ trở thành cộng tác viên đắc lực của báo chí cách mạng ở Đồng Nai, đóng góp nhiều bài viết có chiều sâu văn hóa. Hoàng Thơ đọc nhiều, biết nhiều, viết nhiều; đem lại nhiều tri thức, kinh nghiệm về văn hóa và đời sống mà lớp trẻ ít có dịp tiến cận. Ông có thói quen viết tay rất nhanh, chữ liền chữ, không bỏ dấu, vì theo ông, bỏ dấu sẽ làm chậm dòng chảy con chữ trong đầu tuôn ra. Bởi vậy, nhân viên đánh máy rất sợ bản thảo của ông, nhưng cũng thích biên tập bài của Hoàng Thơ vì học được ở đó nhiều điều thú vị. Hoàng Thơ rất thích tranh luận về các vấn đề lịch sử văn hóa, thường tranh luận với Yên Tri, Đỗ Bá Nghiệp sôi nổi đến mức gay gắt. Phải thực hiện kế “khổ lao”, giao nhiều việc sưu tầm, biên soạn tư liệu góp phần cho các công trình văn hóa để mà tận lực với công việc viết lách, không có thời gian “cãi lộn”. Nhờ vậy, khối tư liệu dày trang của Hoàng Thơ đã góp phần quan trọng trong các công trình Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm, Địa chí Đồng Nai, Chuyện Thủ Huồng, Làng nghề Đồng Nai…
Hoàng Thơ được kết nạp hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1995. Lần dự Đại hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lần III tại Hà Nội, ông vui lắm, vinh dự lắm. Lúc về lại Biên Hòa, ông khệ nệ mang một túi nặng trịch lên tàu, tưởng là mua quà gì tặng vợ con, hóa ra trong đó là mấy cục gạch lượm ở công trình trùng tu Văn miếu Quốc Tử Giám và Hỏa Lò Hà Nội. Ông nói, đây là hiện vật lịch sử, làm lưu niệm, sau này không thể tìm được nữa. Và ông giữ nó ở căn chòi của mình cho đến cuối đời...
Về cuộc sống của ông, một mình trong căn nhà lá, đèn dầu leo lét, đường vào rậm rịt, có lúc nửa đêm ông lạc đường về, ngồi ở đầu đường chờ sáng. Trong căn nhà đó, chỉ một con chó làm bạn, một chiếc xe đạp, một ít nồi niêu, còn lại là sách vở, hiện vật. Ông cặm cụi, kiên trì, lặng lẽ với công việc mình yêu thích cho đến cuối đời, không thẻ nhà báo, không ăn lương báo, nhưng trái tim tràn đầy nhiệt huyết với nghiệp báo.
Nhà báo Hoàng Thơ mất vào đêm cận rằm tháng 8-1999. Bài điếu văn tại lễ tang ông đọng lại hình ảnh một nhà báo đáng kính trong lòng bạn bè, đồng nghiệp:
Bác Hoàng Thơ ơi! Bác Năm Thuận ơi!
Trăng thu còn sáng, thế kỷ mới gần sang;
Ngòi bút dân gian bỗng khô lệ khóc người tâm huyết.
Dẫu biết rằng!
Tuổi hạc qui thiên, lá vàng về đất,
Mà sao thảng thốt, tin thật bất ngờ!
Nhớ hôm nao!
Chiếc xe đạp trành mòn đường bè bạn,
Vườn xa, chòi vắng, đèn dầu thui thủi thâu đêm.
Lối cỏ vào chòi có khi nhớ khi quên,
Nhưng tích cổ chuyện xưa thường ngày trăn trở.
Viên gạch Hỏa Lò, mảnh sành cù lao Phố,
Trang văn không dấu, nét vẽ không màu,
Góp nhặt từng dòng chiu chắt để đời sau,
Điều ấp ủ giàu hơn điều đã viết.
Những “Địa chí”, “Thủ Huồng”, “300 năm làng nghề...” còn lưu bút tích
Đường làng Vĩnh Thị gập ghềnh nhớ bóng ai qua!
Thôi vậy!
Bác cứ yên lòng về với tổ tiên
Trang viết dở dang có người xin nối bút.
Nhớ Hoàng Thơ, càng hiểu thêm một điều không mới: Người đời nhớ thương nhà báo không phải ở tấm thẻ, mức sống, chức vụ mà là tâm huyết, cách sống và nét riêng đóng góp cho sự nghiệp báo chí.
Huỳnh Văn Tới