Rất nhiều nhà báo đồng thời cũng là những tác giả trên những tác phẩm sách xuất bản và được độc giả đón nhận. Các nhà báo Lưu Đình Triều, Lê Minh Quốc và Đoàn Phương Huyền bật mí với bạn đọc những thuận lợi lẫn thử thách của họ khi viết sách.
Rất nhiều nhà báo đồng thời cũng là những tác giả trên những tác phẩm sách xuất bản và được độc giả đón nhận. Các nhà báo Lưu Đình Triều, Lê Minh Quốc và Đoàn Phương Huyền bật mí với bạn đọc những thuận lợi lẫn thử thách của họ khi viết sách.
Nhà báo Lưu Đình Triều (đứng bìa trái), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (đứng bìa phải), gia đình nhà báo/nhà thơ Lê Minh Quốc (bìa trái) và gia đình nhà thơ Trương Nam Hương trong một buổi họp mặt |
Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), các nhà báo từng ra nhiều cuốn sách trong sự nghiệp đã tham gia bàn tròn trả lời câu hỏi của Đồng Nai cuối tuần: “Theo kinh nghiệm cá nhân của các anh chị, nhà báo viết sách thì có thuận lợi hoặc bất lợi gì?”.
* Nhà báo LƯU ĐÌNH TRIỀU (nguyên Tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi Trẻ)
Nhiều quyển sách vừa ra mắt đã nổi đình nổi đám, nhưng tác giả lại chưa viết báo bao giờ. Nhiều nhà báo gần như cả đời cày sâu cuốc bẫm cùng nghề, song chưa từng ra một quyển sách nào... So sánh thế để nói rằng khó có một kết luận chung về sự tương tác thuận lợi hay bất lợi giữa nhà báo và chuyện viết sách. Sự tương tác này chỉ có với một số nhà báo muốn, thích hoặc đã viết sách. Ngay cả ở các trường hợp này, cũng có những nét chung và riêng trong thuận lợi cùng bất lợi.
“Ông cha ta có câu nói vui: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Nhà báo vốn quen với câu chữ, số liệu cụ thể rõ ràng, nên tôi nghĩ rằng sẽ không thuận tay viết sách thật truyền cảm để thu hút người đọc. Đọc sách gần như là một cuộc hành trình thu nhỏ của người đọc. Dọc đường đi, có nhiều hình ảnh, câu chuyện thu hút cảm xúc thì họ sẽ mê say đi. Còn ngược lại, họ sẽ đi lướt thật nhanh, thậm chí dừng lại giữa đường. Nhà báo vẫn hay bị bất lợi trong dẫn truyền cảm xúc khi viết sách nên khó mà thu hút đông độc giả yêu thích sách mình”. Nhà báo LƯU ĐÌNH TRIỀU |
Thuận lợi chung là các nhà báo vốn thành thạo trong sử dụng bút pháp để thể hiện ngôn từ. Các nhà báo hay có một lĩnh vực để đeo bám và khi viết sách về lĩnh vực đó thì rất thuận lợi. Chẳng hạn các anh, chị làm ở báo Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng thường viết sách về thiếu nhi. Ngòi bút của từng nhà báo cũng có thế mạnh khác nhau về thể loại. Nếu anh giỏi về phóng sự thì rất thuận tay để viết một quyển sách theo thể loại này. Tương tự là sách bút ký, ký chân dung, thậm chí bình luận... đã xuất bản khá nhiều từ những nhà báo chuyên trị các thể loại này. Chưa kể nhà báo cũng có thể tập hợp các bài viết đã in báo cùng thể loại, chung chủ đề, rồi biên tập lại thành một quyển sách. Rất thuận tay.
* Nhà báo LÊ MINH QUỐC (nguyên phụ trách Ban Văn nghệ Báo Phụ Nữ TP.HCM)
Có thể nói, đối với nền văn học Việt Nam hiện đại, tác phẩm văn học không tách khỏi đời sống báo chí. Cứ nhìn lấy tác phẩm của các ông: Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Ngô Tất Tố, Nhất Linh, Khái Hưng… ắt rõ. Điều này, còn kéo dài đến tận… thế kỷ XXI nữa. Nói gì thì nói, thuận lợi của nó vẫn là “lấy ngắn nuôi dài”, mà, đó cũng chính là một cách quảng bá sách của mình trước khi đến tay bạn đọc. Sỡ dĩ như thế, câu trả lời vẫn là lúc ta so sánh số lượng phát hành giữa tác phẩm văn học và báo chí.
Với tôi, còn có thêm thuận lợi khác là do quy định nghiêm ngặt về thời gian của quy trình báo chí nên nhà văn ngày càng ý thức lao động một cách chuyên nghiệp. Viết như một nỗ lực bắt buộc tự thân, chứ không tùy thuộc vào cảm hứng. Theo tôi, đó là chuyên nghiệp mà chính nghề báo đã “rèn” cho nhà văn. Tuy nhiên, không thuận lợi là do phải viết đúng thời gian, đúng số chữ quy định của báo chí nên có lúc viết nhanh, chưa chín hoặc không thể trình bày hết suy nghĩ của mình. Cách khắc phục vẫn là từ những bài báo đó, nếu tuyển chọn để in thành sách, nhà văn/nhà báo đó phải viết lại lần nữa.
Hiện nay, khi đã “lục thập”, quỹ thời gian không còn nhiều, do đó, tôi tự nhủ không ôm đồm nhiều đề tài như thời trẻ nữa. Dự kiến cuối năm nay tôi có tập tùy bút mới Từng ngày ba mẹ thở theo con ra mắt bạn đọc. Tôi viết như một sự chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc đầu đời của mẹ “bỉm sữa” nuôi con.
* Nhà báo PHƯƠNG HUYỀN (Biên tập viên Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM)
Nhà báo/nhà văn Phương Huyền giao lưu ký tặng sách cho các học trò |
Với tôi, nghề báo đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong việc viết lách. Nhờ làm báo, đặc biệt là làm báo nói (phát thanh), tôi được tiếp cận gần hơn với thính giả của mình. Báo nói có cái hay là gần gũi, thủ thỉ, nên tạo được những mối gắn kết. Tôi được nghe chia sẻ từ thính giả, tôi được gặp những nhân vật muôn hình vạn trạng ngoài đời. Vâng, rất nhiều chuyến đi, những thân phận, những mảnh đời khiến tôi trăn trở. Có những nhân vật trên sóng, trở thành hình mẫu trong tác phẩm của tôi, dưới góc nhìn của văn chương.
“Nghề báo thật sự cho tôi nhiều thứ. Những chuyến đi. Những trải nghiệm. Suy ngẫm. Từ đó, là chất liệu chân thực và sinh động nhất cho tác phẩm” - nhà báo/nhà văn PHƯƠNG HUYỀN chia sẻ. |
Viết văn, nếu chỉ tưởng tượng thôi, khó để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Nên tôi luôn kể từ đời thật, từ những con người thật, họ làm nên tác phẩm của tôi. Đó chính là những thuận lợi. Còn bất lợi là đôi khi công việc làm báo bận quá, ít có thời gian cho việc viết lách.
Mới đây tôi nghe câu chuyện của một người chị cũng là nhà văn, làm báo. Chị kể một lần chị gọi điện cho anh nhà thơ nọ để đặt bài, anh bảo: này, em cứ lo làm báo, làm quản lý rồi không viết lách gì cả. Em phải viết đi. Từ câu nói đó, thức tỉnh chị. Chị bắt đầu dành thời gian để viết. Chị kể, nếu không có lời nhắc ấy, chắc chị chưa quay lại với văn chương được.
Vậy đó, nghề báo là vậy. Quay cuồng với các sự kiện nên đôi khi quên mất mình còn một trách nhiệm khác nữa. Chúng tôi phải biết sắp xếp và dành thời gian cho trang viết thì mới có tác phẩm mới ra mắt phục vụ độc giả được.
Cẩm Điệp (thực hiện)