Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ: "Chuyển đổi số không xa rời giá trị nghề báo"

10:06, 18/06/2022

Chuyển đổi số báo chí là hành trình thay đổi tổng thể hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số bằng công nghệ số. Tờ báo nào muốn đầu tư đổi mới, phát triển trên không gian mạng thì sẽ cần sử dụng công cụ chuyển đổi số.

Chuyển đổi số báo chí là hành trình thay đổi tổng thể hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số bằng công nghệ số. Tờ báo nào muốn đầu tư đổi mới, phát triển trên không gian mạng thì sẽ cần sử dụng công cụ chuyển đổi số.

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ
Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ

Công nghệ ngày nay vô cùng phát triển và là công cụ đắc lực cho báo chí thời đại số. Vì vậy muốn chiếm lĩnh không gian mạng, báo chí phải đầu tư vào nội dung và công nghệ, đó là hai mặt của một đồng xu, tất yếu phải gắn liền với nhau mới phát triển được.

Nhà báo LÊ XUÂN TRUNG, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, người đã có nhiều năm kinh nghiệm về phát triển báo điện tử và chuyển đổi số trong báo chí đã có những chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần xung quanh vấn đề này.

* “Một khi người lãnh đạo thực sự quyết tâm chuyển đổi số thì tiền bạc hay công nghệ không phải là vấn đề lớn”

* Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam. Vậy vị trí của báo chí trong xu thế này ra sao?

- Thực tế những năm qua cho thấy báo chí là lĩnh vực có tốc độ chuyển đổi số ở mức trung bình vì quán tính làm báo giấy vẫn còn, đặc biệt là ở những tờ báo địa phương.

Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng phát triển, chuyển đổi số là chuyện đương nhiên của bất kỳ cơ quan báo chí nào muốn có bạn đọc mới, nguồn thu mới. Nhiều cơ quan báo chí đã tự đầu tư chuyển đổi số tùy theo nhu cầu phát triển. Đặc biệt, những báo điện tử mà không có báo giấy đã phát triển lột xác vì ngay từ khi hoạt động là họ đã “sống” trên môi trường số.

“Để phát triển tờ báo trong xu thế chuyển đổi số rất cần một đội ngũ quản lý, điều hành, nhất là người cầm trịch phải thật sự yêu và giỏi nghề, am hiểu ở mức độ tương đối về công nghệ để biết nên sử dụng giải pháp công nghệ nào phù hợp với mục tiêu của mình. Và người đó phải biết phát huy sức mạnh của đội ngũ nhân sự, cầm trịch để định hướng và phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất nội dung, nguồn lực về công nghệ và thậm chí là kết nối với đối tác cùng với mình tham gia phát triển tờ báo…”.

* Những yếu tố liên quan tới nguồn lực như: kinh phí, công nghệ, con người… có phải là lực cản lớn nhất của việc chuyển đổi số báo chí hiện nay hay không? Những tờ báo địa phương, báo ngành vốn còn nhiều hạn chế về nguồn lực và công nghệ thì nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, thưa ông?

- Báo Tuổi Trẻ cách đây 10 năm là tờ báo giấy có nguồn thu lớn nhưng vì chưa xác định phát triển mạnh báo điện tử, đầu tư chừng mực nên chưa phải là tờ báo điện tử thành công vào thời điểm đó. Bây giờ, sau gần 5 năm đầu tư phát triển báo điện tử, Tuổi Trẻ online đã trở thành một trong những tờ báo điện tử có tốc độ phát triển nhanh và ngày càng thu hút nhiều bạn đọc, tăng nguồn thu từ báo điện tử…

Hay Báo điện tử Dân Trí, khi phát hành báo giấy bão hòa, họ sẵn sàng đầu tư nội dung, kết nối với các công ty công nghệ… để phát triển mạnh báo điện tử. Đến nay, Dân Trí trở thành một trong những tờ báo điện tử khá thành công ở Việt Nam.

Do đó, các cơ quan báo chí địa phương vẫn có cách phát triển nếu quyết tâm đầu tư cho báo điện tử và các sản phẩm báo chí trên các nền tảng số. Nếu không có nguồn lực thì hợp tác, không có công nghệ thì tìm kiếm công ty công nghệ để phối hợp, chứ chính các cơ quan báo chí địa phương khó mà tự đầu tư công nghệ hay có nguồn vốn đủ lớn để trang bị toàn bộ máy móc thiết bị làm báo điện tử được.

Vấn đề là người đứng đầu có đủ quyết tâm và chủ trương trong việc xác định chiến lược phát triển của tờ báo hay không. Nghĩa là nếu người lãnh đạo có quyết tâm, sẽ luôn luôn có giải pháp để xử lý, khi ấy tiền bạc hay công nghệ không phải là vấn đề lớn.

* Phải xem chất lượng nội dung là cốt cán

* Trên thực tế, hiện nay khó khăn đặt ra cho nhiều tờ báo địa phương là chưa thể tổ chức một tòa soạn riêng cho báo điện tử, mà vẫn đang phải sử dụng “kiêm nhiệm” đội ngũ sản xuất nội dung cho báo giấy để sản xuất song song các nội dung cho bản online. Vậy theo ông, có phương án nào để khắc phục khó khăn này?

- Theo kinh nghiệm của tôi, trong định hướng phát triển của báo chi hiện nay phải xác định báo online là chủ lực. Các báo địa phương như Báo Đồng Nai muốn phát triển thì không nên dồn toàn bộ nguồn lực để làm báo giấy nữa bởi dư địa phát triển của báo giấy đã ngày càng thu hẹp.

Các phóng viên Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai tác nghiệp tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: Huy Anh
Các phóng viên Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai tác nghiệp tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: Huy Anh

Trong khi đó, lợi thế của báo điện tử là xuyên biên giới và vẫn còn nhiều cơ hội và điều kiện phát triển. Các báo địa phương nên bố trí nguồn lực hợp lý để vừa đảm bảo thông tin tuyên truyền về địa phương, vừa sử dụng lực lượng sẵn có để khai thác chuyên sâu các đề tài ẩm thực, sức khỏe, giáo dục, việc làm, du lịch địa phương… trên phiên bản điện tử. Đó là điểm mạnh của báo địa phương nên khai thác để thu hút bạn đọc, tìm kiếm nguồn thu mới.

Tóm lại, chúng ta cần thay đổi tư duy, “đảo” nguồn lực từ báo giấy sang báo điện tử và xây dựng quy trình mới: mọi thông tin hay, hấp dẫn phải ưu tiên xử lý kịp thời cho báo điện tử chứ không phải “để dành” cho báo giấy - sản phẩm mà tận hôm sau mới phát hành.

* Theo ông, những công việc đầu tiên mà báo chí địa phương như Báo Đồng Nai cần làm để thực hiện chuyển đổi số là gì?

Thứ nhất, cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí của Bộ TT-TT và của chính quyền địa phương. Trong đó, cần xác định cơ quan báo chí sẽ tham gia như thế nào và được hưởng lợi những gì từ các đề án đó. Thứ hai, đội ngũ nhân sự của báo nên tham gia các khóa đào tạo để thực sự hiểu về chuyển đổi số, qua đó giúp ích cho quá trình đổi mới, phát triển tờ báo.

Tác động lớn nhất đến vấn đề chuyển đổi số trong cơ quan báo chí là nguồn nhân lực và tư duy của người lãnh đạo. Cơ quan báo chí nào muốn đầu tư đổi mới và phát triển thì người lãnh đạo đó phải xác lập chủ trương đó một cách rõ ràng và quyết tâm thực hiện, sau đó mới có thể tính đến những yếu tố khác”.

Thứ ba, nếu nguồn lực hạn chế, các bạn có thể hợp tác với những công ty công nghệ theo các phương án, giai đoạn phù hợp để tiết kiệm chi phí đầu tư về công nghệ nhưng vẫn có nền tảng công nghệ đủ để phát triển trong quá trình chuyển đổi số. Quá trình phát triển báo điện tử, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số, là quá trình hợp tác với nhiều đối tác để cùng nhau phát triển, chứ không thể tự lo mọi chuyện từ A đến Z.

Trong đó, cần xác định thế mạnh của mình vẫn là sản xuất nội dung hay và hấp dẫn. Cốt lõi vẫn là giá trị nội dung mới làm nên chất lượng, thương hiệu của tờ báo. Nghĩa là dù có chuyển đổi số thì vẫn thể không xa rời bản chất của nghề báo là giá trị nội dung. Các cơ quan báo chí vẫn phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao thì mới tồn tại và thu hút được bạn đọc trên không gian mạng.

Còn công nghệ hay hình thức trình bày là yếu tố trợ lực để giúp tờ báo bắt mắt, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu đã “tốt gỗ” rồi thì nên cố gắng “tốt thêm nước sơn” bởi dù có những trang nội dung hay nhưng hình thức kém thì các tờ báo sẽ gặp nhiều bất lợi trong quá trình phát triển lâu dài.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân - Hải Quân (thực hiện)

Tin xem nhiều
Khám phá script trong công việc