Báo Đồng Nai điện tử
En

"Làm cha/mẹ khó đấy, phải đâu chuyện đùa"

10:06, 24/06/2022

Bàn về vai trò, chức trách làm cha, làm mẹ không phải là câu chuyện thời sự vì thời nào xã hội cũng bàn và đặc biệt quan tâm đến gia đình - cái nôi đầu tiên hình thành nhân cách đầu tiên của mỗi người.

Bàn về vai trò, chức trách làm cha, làm mẹ không phải là câu chuyện thời sự vì thời nào xã hội cũng bàn và đặc biệt quan tâm đến gia đình - cái nôi đầu tiên hình thành nhân cách đầu tiên của mỗi người. Tuy nhiên trong bối cảnh ngày nay, khi mà cuộc cách mạng 4.0 với ảnh hưởng sâu sắc của mạng xã hội len lỏi vào trong từng gia đình và mỗi người, thì câu chuyện làm cha mẹ được xem là ngày càng khó!

Vợ chồng chị Bùi Thị Nghĩa (ngụ xã Ngọc Định, H.Định Quán) cùng nhau nuôi dạy 2 con
Vợ chồng chị Bùi Thị Nghĩa (ngụ xã Ngọc Định, H.Định Quán) cùng nhau nuôi dạy 2 con

Để thế hệ 7X, 8X thấu hiểu thế hệ Gen Z

Mới đây, đề thi môn Ngữ văn Học sinh giỏi cấp tỉnh THCS năm học 2021-2022 của Sở GD-ĐT Quảng Nam tạo được chú ý của dư luận khi có câu hỏi đặt vấn đề:

“Trong bộ phim Reply 1988, sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên là Duk Sun, người bố giãi bày;

Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố

Trong bài viết Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ:

Tuy mẹ nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng, con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa”.

Đề thi dạng nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ. Dư luận quan tâm, chia sẻ đề thi này do nội dung cập nhật vấn đề thực tế cuộc sống.

Quả thực, ngày nay vấn đề thấu hiểu, kết nối giữa cha mẹ và con cái ngày càng được quan tâm. Bàn về vấn đề nuôi dạy con thời nay, chị Bùi Thị Nghĩa (ngụ xã Ngọc Định, H.Định Quán) vốn là giáo viên tổng phụ trách Đội ở một trường THCS, chị cũng đang nuôi dạy 2 con. Trong đó, có 1 bé đang ở tuổi mới lớn, chị quan niệm rằng: nuôi dạy con ngày nay khó nhất là sự thấu hiểu, nắm bắt tâm lý lứa tuổi của con.

“Mình thuộc thế hệ 8X (sinh những năm 1980-1989) hay thế hệ 9X đời đầu, muốn hiểu được thế hệ Gen Z (lứa tuổi sinh sau năm 2000) thì buộc phải theo đuổi công nghệ. Tôi muốn nhấn mạnh ở từ “theo đuổi”, vì bọn trẻ ngày nay nắm bắt công nghệ rất nhanh chóng, nhiều trẻ tiếp xúc với môi trường mạng nhiều hơn môi trường thực tế. Nếu cha mẹ không nắm bắt tâm lý của con thì mối quan hệ của cha mẹ và con ngày càng xa rời, và trẻ tìm đến các mối quan hệ bạn bè và môi trường mạng xã hội nhiều hơn. Công nghệ thì dĩ nhiên có mặt tích cực nhưng đồng thời cũng có những tiêu cực và hệ lụy đi kèm, trẻ chưa đủ nhận thức, nếu bị cha mẹ cản trở, thì dễ đưa con xa vòng tay cha mẹ, dễ có những hành động sốc nổi, mâu thuẫn gia tăng” - chị Bùi Thị Nghĩa chia sẻ.

Cho rằng không thể áp dụng theo kiểu giáo dục truyền thống, cha mẹ nuôi dạy mình thế nào thì giờ mình sẽ áp dụng nuôi dạy con như vậy, nhiều người cho rằng phải học cách làm cha mẹ trong thời đại 4.0. Theo đó, muốn chỉ bảo cho con điều hay lẽ phải, muốn làm bạn với con, tâm sự, nói chuyện được với con, thì cha mẹ phải có kỹ năng nói chuyện, kỹ năng tâm sự, đồng thời còn phải có kiến thức, hiểu biết xã hội, từ đó định hướng cho con. Điều quan trọng là cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con về lối sống, đạo đức…

Đối mặt với gánh nặn gáo cơm

Sau ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư trong suốt những tháng cuối năm 2021, đến đầu năm 2022, xe mì gõ của vợ chồng chị T. (trọ ở P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) mới bắt đầu đỏ lửa lại. Nhưng nay, trước cơn bão giá ngày càng leo thang, cả gia đình 4 người của chị T. đã phải chuyển từ căn nhà trọ chừng 20m2 có giá thuê là 2,5 triệu đồng/ tháng sang một căn phòng trọ khác nhỏ và cũ hơn nằm gần đó với giá rẻ hơn.

Theo kết quả điều tra từ cuối năm 2019, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng có mức sinh thấp trong cả nước.

Chị T. tâm sự: “Xe mì gõ không kham nổi tiền nhà trọ, điện nước, cũng như nuôi 2 con đang tuổi ăn tuổi học nên vợ chồng tôi mới chuyển đi. Cả gia đình 4 người sinh hoạt trong căn phòng nhỏ chật chội, các con không có chỗ chơi, hầu như chỉ giải trí bằng điện thoại. Ngày hè, 2 con theo cha mẹ ra xe mì gõ để phụ việc… Những ngày mưa gió dù cực đến mấy vợ chồng tôi cũng ráng bán đến khuya, hy vọng nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn”.

Đối với các cha mẹ là lao động tự do khó khăn là vậy, nhưng với những lao động có thu nhập ổn định hơn như công nhân trong các xí nghiệp, công chức nhà nước… cũng không khá hơn. Đa phần cũng phải đối mặt với áp lực chi phí trang trải cuộc sống: chi phí ăn ở, chi phí y tế, chi phí học đường… Ai sinh con ra cũng mong mang đến những điều tốt nhất cho con nhưng gánh nặng chi phí sinh hoạt cùng áp lực công việc đã góp phần khiến nhiều người trẻ đắn đo trong kế hoạch mang thai và sinh con.

Theo kết quả điều tra từ cuối năm 2019, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng có mức sinh thấp trong cả nước.

Ở Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác còn có thực trạng nhiều gia đình, vì hoàn cảnh và công việc nên vợ hoặc chồng phải đi làm ăn xa, hoặc cả hai vợ chồng đều đi làm ăn xa, rồi gửi con về quê cho ông bà ở quê. Những trường hợp này thì việc dạy dỗ, thấu hiểu giữa con và cha mẹ càng khó đi đến đồng thuận.

“Qua nhiều năm phụ trách công tác Đoàn - Đội ở trường học, tôi ghi nhận một thực tế nghịch lý là: con trẻ thiếu thốn về tình cảm nhưng cha mẹ lại bù đắp bằng vật chất. Cụ thể là cha mẹ đi làm ăn xa, cứ nghĩ mình đi làm vất vả kiếm tiền nên khi có tiền thì bù đắp cho con vật chất, từ điện thoại đời mới, quần áo hàng hiệu, tiền tiêu vặt…, nhưng thực tế là trẻ đang không ngoan, cần cha mẹ dành thời gian quan tâm, trò chuyện tâm sự, định hướng. Những điều này trẻ lại không có. Trẻ được đáp ứng về vật chất thì dần dần hướng tới lối sống hưởng thụ, có xu hướng giải quyết mọi việc đều bằng tiền” - chị Bùi Thị Nghĩa chia sẻ.

Có thể thấy, để làm cha mẹ tốt, không chỉ cần trưởng thành về sinh lý, tâm lý, ổn định sự nghiệp mà còn cần nhiều trách nhiệm và kỹ năng, nhất là trong “cơn lốc” ảnh hưởng mạnh mẽ của mạng xã hội. Điều này chỉ có thể đến từ tình yêu thương của cha mẹ dành cho con mình.

Lâm Viên

* Mượn ý của bài thơ Làm anh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Tin xem nhiều