Báo Đồng Nai điện tử
En

Lan tỏa giá trị gia đình…

08:06, 25/06/2022

Một trong những bí quyết giữ lửa gia đình được nhiều cặp vợ chồng đúc kết sau nhiều năm chung sống đó là luôn tôn trọng, cùng sẻ chia vui buồn để hạn chế xảy ra mâu thuẫn, hiểu lầm đáng tiếc.

“Bát đũa còn có lúc xô”, huống chi trong đời sống gia đình.

Chính vì vậy, một trong những bí quyết giữ lửa gia đình được nhiều cặp vợ chồng đúc kết sau nhiều năm chung sống đó là luôn tôn trọng, cùng sẻ chia vui buồn để hạn chế xảy ra mâu thuẫn, hiểu lầm đáng tiếc.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dương, TP.Long Khánh nhiều năm liền giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, giữ lửa hạnh phúc Ảnh: Phòng VH-TT TP.Long Khánh
Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dương, TP.Long Khánh nhiều năm liền giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, giữ lửa hạnh phúc Ảnh: Phòng VH-TT TP.Long Khánh

Thực tế trong đời sống xã hội hiện nay cho thấy, tỷ lệ ly hôn, nhất là ở các cặp vợ chồng trẻ ngày càng gia tăng. Không ít gia đình tan vỡ vì không chia sẻ được với nhau, ai cũng cố giữ cái tôi của mình. Thiếu đi sự lắng nghe và thấu hiểu dẫn đến khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình bị kéo ra xa, thiếu sự gắn kết. Chính vì vậy, không chỉ là ly hôn mà về lâu dài, hậu quả từ mối quan hệ gia đình rời rạc dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm, khiến cho mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững bị ảnh hưởng.

Do đó, nhiều năm nay, ngày 28-6 hằng năm được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam với mục đích tôn vinh những giá trị tốt đẹp, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống, hướng đến sự bền vững và phát triển của gia đình trong thời đại mới. Đồng thời, nâng cao nhận thức, khơi dậy yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đây cũng là dịp các thành viên trong gia đình dành nhiều thời gian hơn để quan tâm và chia sẻ, thấu hiểu nhau hơn.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tiêu chí: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Với vợ - chồng, nguyên tắc là chung thủy, nghĩa tình để cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng; yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con cái, đóng góp tài chính. Bên cạnh đó, cùng lắng nghe, thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề của gia đình. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu; trao truyền những giá trị truyền thống, giáo dục con cháu thực hiện lối sống có văn hóa, gìn giữ nề nếp, gia phong. Anh chị em trong gia đình hòa thuận, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn…

Xã hội ngày càng phát triển, tiêu chí trong xây dựng gia đình hạnh phúc cũng có thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt vẫn luôn chứng tỏ sức sống mãnh liệt, không bao giờ là lạc hậu, lỗi thời. Do đó, hơn lúc nào hết, những giá trị tốt đẹp đó phải càng được phát huy, tạo sự lan tỏa sâu rộng để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, hình thành cộng đồng hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển phồn thịnh, hạnh phúc của quốc gia, dân tộc.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích