Cuối tuần, cảm thấy lòng buồn rười rượi, bất an, lo lắng. Thằng cháu nội ở trường về, rút phăng cuốn sách Lịch sử nhét vào góc tủ, nói như reo: Từ nay, ngủ yên nhé! Hỏi nó vì sao vậy, nó trả lời: Cô giáo nói, Lịch sử sẽ không còn là môn học bắt buộc nữa.
Cuối tuần, cảm thấy lòng buồn rười rượi, bất an, lo lắng. Thằng cháu nội ở trường về, rút phăng cuốn sách Lịch sử nhét vào góc tủ, nói như reo: Từ nay, ngủ yên nhé! Hỏi nó vì sao vậy, nó trả lời: Cô giáo nói, Lịch sử sẽ không còn là môn học bắt buộc nữa.
Một tiết học lịch sử của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa |
Việc này, đã biết qua báo chí, giờ thấy thái độ đoạn tuyệt của cháu nội mới sợ. Tương lai sẽ ra sao nếu lớp trẻ quay lưng với môn học Lịch sử? Bèn tìm cách vỗ về, giải thích, thuyết phục cháu, rằng: Dân tộc nào cũng có lịch sử, quan trọng lắm, đó là quốc hồn, quốc túy, bản sắc của mình, cần phải học để hiểu cội nguồn, để hình thành nhân cách và lý tưởng phụng sự Tổ quốc. Thằng cháu phụng phịu: Lịch sử thời ông nội học ngắn hơn bây giờ. Môn Sử giờ chán ngắt, con số, sự kiện lằng nhằng, phải học thuộc lòng, đau đầu, nhức óc, bài thi thường điểm thấp. Sao không dạy thế nào cho hấp dẫn như phim? Nói đoạn, nó trùm kín mền, hát khe khẽ “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...”. Đó là thông điệp “xưa rồi Diễm”, không muốn nghe nữa.
Thiệt là buồn cho môn Lịch sử: Trẻ chán học, trường giảm dạy, nhiều hiện tượng xét lại, xuyên tạc. Dường như đâu đây có lời than vãn thì thầm của bộ môn Lịch sử thời mạt sử.
Nói đến lời than vãn, chợt nhớ bài báo Lời than vãn của Bà Trưng Trắc do Nguyễn Ái Quốc viết, đăng Báo L’Humanité ngày 24-6-1922. Đến nay, bài báo trăm tuổi, vẫn nguyên giá trị lịch sử. Hồi đó, vua Khải Định sang Pháp. Nguyễn Ái Quốc tìm cách cảnh tỉnh, cảm hóa, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc ở vua Khải Định. Tốt nhất là dùng lịch sử, mượn lời của bà Trưng Trắc.
Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng lịch sử, dịch sử, viết sử, gắn việc truyền dạy lịch sử với quá trình giáo dục đạo đức cách mạng. Chính Người đã biên soạn Lịch sử nước ta (tháng 2-1942, nay tròn 80 năm) bằng 208 câu thơ lục bát dễ thuộc, dễ nhớ, và khẳng định: Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…
Rõ là, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem trọng việc truyền dạy lịch sử, tận dụng mọi cơ hội, mọi hình thức để thổi hồn lịch sử vào lòng người; trên cơ sở đó giáo dục nhân cách, đạo đức, lý tưởng cho mọi lớp người Việt Nam. Vô vàn những mẩu chuyện giáo dục lịch sử hấp dẫn, thú vị của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm say lòng người, và chính Người cũng làm nên những bài học lịch sử luôn được học tập và làm theo.
Nghĩ về cách dạy sử của Bác Hồ, nhớ lại lời của cháu nội: Sao không dạy thế nào cho hấp dẫn? Đúng rồi, vấn đề cốt lõi của môn Sử không phải là giảm tải, mà là đổi mới cách dạy sao cho thu hút, hấp dẫn học sinh. Ở thời @, những con số, sự kiện có thể tích hợp, lưu trữ, chia sẻ bằng công nghệ. Dạy sử, học sử là học và dạy về đặc điểm giá trị lịch sử, ý nghĩa lịch sử, bài học lịch sử, nhân cách lịch sử; nội dung môn học Lịch sử có thể tích hợp, liên thông, lồng ghép, phân bổ hợp lý trong các chương trình giáo dục xã hội, nhân văn ở gia đình, nhà trường, đoàn thể.
May quá, xã hội và Quốc hội đã có ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT xem trọng việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường. Ý này cùng với câu chuyện của Bác Hồ về lịch sử, ắt là có thể thuyết phục được cháu tui. Nghĩ vậy, tui nhẹ lòng, cảm thấy lời than vãn của bộ môn Lịch sử dường như đã bốc hơi.
Mong trời mau sáng để tiếp tục câu chuyện, cháu ơi!
Ong Mật