Tựa như các món ẩm thực được bày biện trên bàn ăn, để có một trang báo hay, đẹp đến tay bạn đọc phải trải qua rất nhiều công đoạn "chế biến". Trong đó, có một công đoạn thầm lặng, ít được biết đến, chỉ người trong các cơ quan báo chí mới hiểu, đó là nghề đọc morat (morasse - sửa bản in, sửa lỗi chính tả).
Tựa như các món ẩm thực được bày biện trên bàn ăn, để có một trang báo hay, đẹp đến tay bạn đọc phải trải qua rất nhiều công đoạn “chế biến”. Trong đó, có một công đoạn thầm lặng, ít được biết đến, chỉ người trong các cơ quan báo chí mới hiểu, đó là nghề đọc morat (morasse - sửa bản in, sửa lỗi chính tả).
Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai Hoàng Thị Bích Phú trao đổi với nhân viên morat Hà Lê (phải). Ảnh: Huy Anh |
Trong quy trình xuất bản, morat thường được xem là khâu “nhặt sạn”, gác cổng cuối cùng trước khi chuyển báo đến nhà in.
* Thầm lặng công việc morat
Đối với những người đọc sách báo nhiều, thường sẽ rất nhập tâm vào thần trí, chỉ cần khi đọc có một chữ chính tả, lỗi kỹ thuật sai sót hẳn sẽ có cảm giác bị sượng, ngờ ngợ, thậm chí hơi… khó chịu như đang ăn cơm mà vướng phải hạt sạn. Do đó, bữa cơm có ngon, khu vườn có đẹp hay không một phần nhờ vào việc “sàng sảy”, nhặt nhạnh lỗi của những người soát morat. Nói vui như ngôn ngữ mạng hiện tại, họ chính là những vị “cảnh sát chính tả”.
Thoạt nghe, tưởng chừng công việc đọc morat thật đơn giản, chỉ việc đọc và rà soát lỗi chính tả. Thế nhưng khi vào nghề, tôi mới thấy yêu cầu công việc cao đến nhường nào khi phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng câu, chữ, thậm chí là từng loại dấu chấm, phẩy, mở ngoặc này hay đóng ngoặc kia... mới có thể đảm bảo cho tin, bài thật chỉn chu, hạn chế sai sót thấp nhất có thể.
Được ví von là bộ phận “bếp núc”, nhưng theo tôi, nếu như các phóng viên là lực lượng tiền phương luôn dấn thân, tác nghiệp nơi tuyến đầu thì các khâu biên tập, trình bày, sửa lỗi chính là hậu phương vững chắc, miệt mài thầm lặng để tạo nên sức mạnh của một tờ báo. |
Công việc hằng ngày của bộ phận morat ngỡ thật đơn điệu và tẻ nhạt khi chỉ có đọc và đọc, sửa lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật (cách dấu, cách dòng, mất đoạn, sót đoạn…) trong từng dòng chữ trên bản bông, rồi rà soát sửa sao cho phù hợp với những quy chuẩn viết hoa, viết tắt của tờ báo nhưng qua việc đọc, có thể thấy những người làm bộ phận morat cũng đang học được rất nhiều. Đó là sự tập trung, tính cẩn thận, tỉ mỉ, chịu khó và có khả năng tìm thấy sự thú vị trong chữ nghĩa…
Bên cạnh đó, dù chỉ là dò lỗi nhưng công việc này cũng cần có vốn kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực thời sự, tên nhân vật, sự kiện, chức danh... mới có thể kịp thời phát hiện những sai sót, tư duy logic trong những câu/đoạn có lối diễn đạt chưa trôi chảy hay còn băn khoăn để tham mưu bộ phận biên tập chỉnh sửa sao cho phù hợp. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu công việc, ngoài những vốn kiến thức và kỹ năng sẵn có, tôi còn phải thường xuyên đọc báo để cập nhật thông tin, tra cứu tư liệu từ sách báo chính thống, từ tác phẩm văn học nghệ thuật đến những kênh mạng trẻ, xu hướng biến chuyển ngôn ngữ theo từng giai đoạn của xã hội…
Có nhiều người hỏi, tôi có chạnh lòng không khi làm một công việc gần như đứng “thứ hạng cuối cùng” trong bảng xếp hạng danh giá của nghề làm báo. Câu trả lời là, sau quá trình làm việc, tôi nhận ra trong nghề báo thì công việc này là một bộ phận vô cùng quan trọng và là phần không thể thiếu trong quy trình xuất bản của một tờ báo có chất lượng tử tế, nghiêm túc. Bởi chỉ khi bữa cơm chín lành, trơn tru không sót sạn mới thể hiện sự tôn trọng, là lời hồi đáp ngọt ngào dành cho những độc giả tận tụy, trung thành với tờ báo.
Vậy nên, dù không có những vinh quang về giải thưởng hay danh dự như các nhà báo tuyến đầu nhưng với tôi, niềm vui trong công việc là mỗi ngày báo ra, trên tay lần giở từng trang mới tinh tươm, “sạch” lỗi, trong đó có sự đóng góp của bản thân mình cùng những thành viên trong ca trực. Chỉ thế thôi nhưng trong lòng tôi cũng len lỏi một niềm vui đến lạ…
* Phấn đấu để hôm nay tốt hơn hôm qua
Như một cơ duyên, công việc này thật sự phù hợp với ngành học ngôn ngữ học của tôi. Do đó, chỉ mất một thời gian đầu làm quen và tự học, còn lại với những kiến thức chuyên sâu về ngữ nghĩa mà thắm thoắt tôi và nghề đã trở thành bạn với nhau được hơn 4 năm mà không gặp trở ngại nào.
Mặc dù chỉ mới hơn 4 năm công tác ở Báo Đồng Nai và là một trong những người thuộc bộ phận “bếp núc” của tòa soạn nhưng tôi đã chắt chiu cho mình những trải nghiệm khó quên, nhất là khi trực những số báo phục vụ các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương, vào dịp lễ tết, đặc biệt hơn cả là cao điểm thực hiện báo Xuân. Khi ấy, mọi người gần như “cắm chốt” ở tòa soạn, bất kể khi nào được gọi cũng phải có mặt ngay và luôn để vừa đảm bảo việc xuất bản các số báo hằng ngày, vừa thực hiện ấn phẩm báo Xuân theo đúng tiến độ. Ngoài ra, đó còn là những buổi tối muộn mọi người cùng nhau chờ đợi một tin, bài nóng từ phóng viên gửi về, sau đó tập trung cao độ và dồn hết sức lực, trí tuệ để số báo đảm bảo về nội dung, đẹp về hình thức.
Quãng thời gian gắn bó chưa quá dài và đảm nhận một công việc tuy chỉ hết sức khiêm tốn và thầm lặng trong quy trình của một tờ báo nhưng tôi nghĩ mình nhận được rất nhiều. Đó là niềm vui, sự yêu thích từ công việc về chữ nghĩa. Bởi làm báo, hay đọc sách báo nói chung là một trong những cách tự học rất tốt, nhất là đọc tờ báo mình gắn bó.
Càng trải nghiệm công việc này mới thấy, nó mang lại sự nhạy bén, cẩn thận và một thói quen đọc tốt, đọc chậm và đọc sâu. Thông qua những thông tin, sự kiện phản ánh hằng ngày trên mặt báo đã làm giàu hơn vốn sống, sự hiểu biết, cần mẫn như những chú “kiến tha lâu” để “đầy tổ” kiến thức của riêng mình. Đồng thời, tôi có thể tự học và đúc rút kinh nghiệm từ cách viết của các phóng viên, cộng tác viên… và học từ cách biên tập của những người trực duyệt biên tập để có thêm kỹ năng trau dồi chữ nghĩa, nâng cao trình độ hằng ngày.
Với riêng tôi, từ vị trí công việc của mình, dù niềm vui hay trăn trở, thu nhập cao hay thấp, vẫn tự nhủ rằng mình cần phải học, phải đọc, phải chú tâm nỗ lực hơn trong công việc để có thể đứng thẳng, ngẩng cao và ngày càng làm tốt hơn mình của ngày hôm qua...
Hà Lê