Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6): Chỉ một trái đất

09:06, 03/06/2022

"Chỉ một trái đất" là chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn nhằm truyền tải thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh, sạch hơn.

“Chỉ một trái đất” là chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn nhằm truyền tải thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh, sạch hơn.

Học sinh tham quan các gian hàng triển lãm dự án Tiếng nói của rừng. Ảnh: Ly Na
Học sinh tham quan các gian hàng triển lãm dự án Tiếng nói của rừng. Ảnh: Ly Na

Xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên đã được nhắc đến nhiều trong các thông điệp bảo vệ môi trường, song trên thực tế với sự phát triển kinh tế, nhịp sống hiện đại, hối hả hiện nay thì việc hiện thực hóa thông điệp này không dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có một trái đất để sống, để bảo vệ do đó phải hành động ngay từ hôm nay, bắt đầu từ việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là cho giới trẻ… 

* Mối nguy rác thải nhựa

Trong một quán cà phê giữa phố xá đông đúc, một người mẹ thuyết phục đứa con trai 8 tuổi của mình không dùng ống hút thay vào đó là tập uống trực tiếp từ ly, tách. Người con trai tỏ ra không thích thú trước sự “hà khắc” của người mẹ vì đã quen dùng ống hút, hơn nữa ống hút này đã làm bằng giấy thay cho ống hút nhựa trước đây. Cuối cùng, cậu cũng nghe theo lời mẹ bởi theo bà, dù làm bằng vật liệu gì thì cũng có những tác động nhất định tới môi trường và suy cho cùng bảo vệ môi trường chính là tiết giảm tối đa sử dụng vật liệu. Thế nhưng thực tế những bà mẹ như vậy trong đời sống xã hội hiện nay không nhiều, thậm chí là hiếm. Tại vô số các nhà hàng, quán cà phê vẫn hằng ngày thải ra một số lượng khổng lồ ly, ống hút nhựa, những bà nội trợ vẫn tay xách nách mang cả chục túi ny-lông mỗi lần đi chợ hay siêu thị. Trong khi đó, những sáng kiến sử dụng vật liệu thay thế cho túi ny-lông như lạt tre buộc, lá chuối, bã mía… lại sớm nở tối tàn.

Bộ trưởng TN-MT TRẦN HỒNG HÀ thông tin, theo tính toán, đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người thì nhân loại sẽ cần tới 3 trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống, nhưng chúng ta chỉ có một trái đất mà thôi.

Khi số lượng rác thải, đặc biệt là các loại nhựa vẫn được thải ra môi trường một cách khó kiểm soát thì những tác động của nó đến môi trường và sức khỏe con người cũng được báo động. Vào tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học đã phát hiện hạt vi nhựa nằm sâu trong phổi của người sống. Các vi hạt phổ biến nhất là loại nhựa thường được sử dụng trong bao bì thực phẩm, ống nhựa hay trong chai nước uống. Trước đó các nhà khoa học cũng lần đầu phát hiện vi nhựa trong máu người.

Trong khi đó, những thống kê về khối lượng rác thải nhựa đang ngày một nhiều lên và trở thành “gánh nặng” cho môi trường khi phải mất hàng trăm đến hàng ngàn năm mới có thể phân hủy được nhựa và các thành phần vi nhựa. Theo thống kê trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố vào tháng 2 vừa qua cho biết, năm 2021 thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Cùng với đó, lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, lên 353 triệu tấn. Thế nhưng, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%…

* Thay đổi từ nhận thức

Mới đây bức thư đoạt giải nhất cuộc thi Viết thư quốc tế UPU 2022 của một học sinh lớp 9 tại Hà Nội đã gây được sự chú ý của dư luận không chỉ bởi văn phong chân thực và mới mẻ mà còn bởi cái nhìn sâu sắc về ý thức bảo vệ môi trường của một người trẻ. Chủ nhân của bức thư lựa chọn hóa thân thành ngọn gió gửi thư cho nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn với hy vọng “ông và nghệ thuật của ông - mang sức mạnh tạo nên thay đổi, cứu vãn thảm họa thiên nhiên mà gió nhỏ đã tận mắt chứng kiến”. Cậu học trò nhỏ đã có được cái nhìn sâu sắc và tinh tế về ranh giới mà con người tạo ra, đó là giữ sự “sạch sẽ riêng mình”, “tiện nghi riêng mình”, “lợi ích cho riêng mình”… Đó là những hình ảnh xấu xí cậu thường chứng kiến trong đời sống hằng ngày như việc “một con mèo chết gục trước cửa ngôi nhà, mươi phút sau, nó được hất gọn sang cửa nhà đối diện”. Thế nhưng cậu học trò cũng nhìn nhận rằng mọi ranh giới đều không tồn tại và trái đất đang nóng lên, gây ra những thảm họa trên toàn cầu chứ không phải của riêng đất nước, quốc gia hay cá nhân nào như cháy rừng, siêu bão, lũ lụt, sóng thần…

Năm 2022 có ý nghĩa to lớn, đánh dấu 50 năm kể từ Hội nghị đầu tiên của LHQ về Môi trường con người - Hội nghị Stockholm năm 1972 dẫn đến việc thành lập Chương trình Môi trường LHQ (UNEP). “Chỉ một trái đất” cũng là chủ đề trọng tâm cho Hội nghị Stockholm cách đây 50 năm, đến nay vẫn luôn mang tính thời sự bởi hành tinh này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta.

Trước tình trạng lạm dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ny-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tác động hằng ngày lên trái đất thì việc thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là với giới trẻ là rất quan trọng. Tại Đồng Nai, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ ngay từ bậc mầm mon và trong mỗi gia đình đã được nhiều nơi chú trọng; nhiều chương trình hành động về bảo vệ môi trường do tổ chức Đoàn thanh niên phát động đã được đoàn viên, thanh niên, giới trẻ hưởng ứng. Bên cạnh đó, nhiều mô hình, ý tưởng bảo vệ môi trường ý nghĩa do người trẻ khởi xướng và thực hiện cũng được ra đời. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là việc lan tỏa rộng rãi, hình thành thói quen, lối sống hài hòa với thiên nhiên một cách bền vững chứ không dừng ở hoạt động phong trào.

Từ phương pháp dạy học tích hợp liên môn kết hợp giáo dục môi trường và di sản thiên nhiên, các giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) đã biến “Tiếng nói của rừng” thành một dự án mang lại hiệu quả xã hội, lan tỏa ra các trường THPT trong và ngoài tỉnh. Nhìn lại 2 năm dự án hoạt động, cô Nguyễn Thị Thu Hà (Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) - người sáng lập và điều hành dự án cho biết, đã có nhiều đơn vị, cá nhân chú trọng đưa giáo dục môi trường vào chương trình dạy học nhưng thực tế là chưa đủ, chúng ta cần đưa giáo dục môi trường vào trường học một cách sâu sắc, bền bỉ và hiệu quả hơn nữa.

Ngày Môi trường thế giới 5-6-2022 có chủ đề “Chỉ một trái đất” (Only One Earth)
Ngày Môi trường thế giới 5-6-2022 có chủ đề “Chỉ một trái đất” (Only One Earth)

“Điều đặc biệt của dự án Tiếng nói của rừng là dạy học tích hợp, chính khóa, không gian học tập mở và là dự án dài hơi, tác động đến ý thức của học sinh trong một thời gian dài. Qua dự án cũng hình thành các sản phẩm học tập đạt mục tiêu, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Dự án cũng đã hình thành được kênh truyền thông, tổ chức các hoạt động thực nghiệm góp phần vào công cuộc bảo vệ rừng, hệ sinh thái và nhân lên những màu xanh” - cô Hà chia sẻ.

Nhật Hạ

Tin xem nhiều