Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Cần hình thành thói quen

10:06, 25/06/2022

Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết rất mong chờ khi biết từ ngày 1-7, TP.Biên Hòa sẽ triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn đồng loạt trên toàn địa bàn thành phố.

Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết rất mong chờ khi biết từ ngày 1-7, TP.Biên Hòa sẽ triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn đồng loạt trên toàn địa bàn thành phố.

Ngày hội Phân loại chất thải và đổi chất thải lấy quà tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) được nhiều người dân tham gia. Ảnh: Khắc Thiết
Ngày hội Phân loại chất thải và đổi chất thải lấy quà tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) được nhiều người dân tham gia. Ảnh: Khắc Thiết

Vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại thành phố luôn là đề tài “nóng” thu hút sự quan tâm của người dân bởi công tác này liên quan trực tiếp đến môi trường sống và mỹ quan của thành phố. Việc phân loại rác tại nguồn không khó, hành động nhỏ này ai cũng làm được nhưng lại mang một ý nghĩa lớn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố văn minh.

* Giải quyết triệt để các bất cập hiện hữu

Ông Trần Văn Lâm (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện nay tình trạng đổ rác thải sinh hoạt bừa bãi tại nhiều nơi ở TP.Biên Hòa khá phổ biến. Một số người thiếu ý thức tận dụng các khu vực đất trống, nơi công cộng, lề đường… để bỏ rác. Bên cạnh đó, việc thu gom, vận chuyển rác cũng còn không ít hạn chế như: thu rác không đúng giờ, để rác ứ đọng, vương vãi tại nơi tập kết, thiếu phương tiện vận chuyển dẫn đến tình trạng rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường.

“Những hạn chế này nếu không được giải quyết sớm sẽ là yếu tố cản trở hiệu quả của công tác phân loại rác tại nguồn. Bởi với một số người ngay cả việc đơn giản là bỏ rác đúng nơi quy định mà chưa thực hiện tốt nữa thì sẽ không mặn mà phân loại rác tại nguồn” - ông Lâm nói.

Đồng quan điểm, bà Mai Thị Thanh Loan (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho rằng, thời gian qua thành phố đã triển khai các giải pháp liên quan đến việc xử lý tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt ra nơi công cộng là rất tốt. Việc lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra bắt quả tang và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trên không chỉ có tác dụng răn đe mà còn giúp những người vi phạm ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.

Bà Loan đề xuất: “Tới đây khi triển khai phân loại rác tại nguồn song song với việc chuẩn bị tốt các cơ sở hạ tầng như: phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải, phân loại rác. Cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng để xây dựng được thói quen phân loại rác cho người dân, sau đó là áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành”.

Thực tế, việc phân loại CTRSH tại nguồn đã được triển khai thí điểm tại nhiều địa phương tỉnh trong những năm qua nhưng hiệu quả chưa cao. Có nhiều nguyên nhân khiến cho chương trình này chưa đạt mục đích đề ra, trong đó một phần do người dân chưa xây dựng được thói quen phân loại rác và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.

* Xây dựng kế hoạch đồng bộ, bài bản

Để chương trình phân loại CTRSH tại nguồn của thành phố mang lại hiệu quả thiết thực, theo ý kiến của nhiều BĐ thì ngoài điều kiện là phương tiện thu gom phải đồng bộ thì yếu tố con người là quan trọng quyết định hiệu quả việc phân loại rác.

Cán bộ P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) tới tận nhà dân phát tờ rơi và hướng dẫn quy trình phân loại chất thải rắn tại nguồn. Ảnh: Khắc Thiết
Cán bộ P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) tới tận nhà dân phát tờ rơi và hướng dẫn quy trình phân loại chất thải rắn tại nguồn. Ảnh: Khắc Thiết

“Nhà tôi trước đây chấp hành rất tốt việc phân loại rác, vỏ rau củ, thức ăn thừa tôi để ở một thùng rác riêng, các chai nhựa, túi ny-lông… để riêng chứ không tập trung vào một thùng. Ý thức của người dân là vậy, song đôi lúc nhân viên chuyên chở rác lại gom chung dẫn tới nỗ lực phân loại rác tại nguồn của tôi cũng bằng không” - bà Nguyễn Thị Thu (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Về vấn đề này, BĐ Phan Thị Thanh (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) kiến nghị, đơn vị thu gom cần có xe chuyên dụng để cùng lúc thu gom 2 loại rác. Vì hiện có tình trạng do không có thùng rác riêng nên sau khi phân loại rác, người dân sẽ bỏ rác thải thông thường vào thùng và để rác thải rắn ở bên cạnh. Nhiều khi ít rác thải rắn nên loại rác này thường không được thu gom kịp thời, để tồn tại lại nơi thu gom gây mất mỹ quan.

Việc phân loại CTRSH tại nguồn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, tuy nhiên để mang lại kết quả như mong đợi đòi hỏi sự hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện khách quan và chủ quan. Một số BĐ cho rằng, đây là công việc “dài hơi” thành phố nên xây dựng kế hoạch cụ thể, quan tâm hơn để triển khai đồng bộ thu gom, xử lý rác một cách bài bản, đúng quy trình. Bên cạnh đó, vấn đề cơ bản nhất vẫn là ý thức, thói quen hằng ngày của người dân.

“Phân loại rác không khó, không tốn kém về tiền bạc, không mất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên muốn người dân thay đổi thói quen bỏ chung các loại rác vào một thùng bằng việc phân chia từng loại vào những thùng chứa khác nhau thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phải thực hiện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả ở các địa bàn dân cư” - BĐ Nguyễn Văn Dũng (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đề xuất.

BĐ PHAN THỊ THANH (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) nói: “Người dân phân loại đâu ra đó nhưng công ty thu gom rác dồn chung thì phân loại không hiệu quả”.

Kim Liễu

Tin xem nhiều