Báo Đồng Nai điện tử
En

Thận trọng và tìm hiểu kỹ

10:06, 03/06/2022

Trên thực tế hiện nay công tác quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) trực tuyến, vay vốn qua ứng dựng (app) trên điện thoại thông minh, cho vay trên nền tảng công nghệ vẫn đang gặp khó khăn, chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh.

Trên thực tế hiện nay công tác quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) trực tuyến, vay vốn qua ứng dựng (app) trên điện thoại thông minh, cho vay trên nền tảng công nghệ vẫn đang gặp khó khăn, chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh.

Một mẫu quảng cáo vay tiền nhanh trên mạng xã hội Facebook
Một mẫu quảng cáo vay tiền nhanh trên mạng xã hội Facebook

Người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm kiến thức để khi vay vốn dù thủ tục đơn giản thế nào cũng cần dựa trên những ràng buộc về lãi suất, hình thức vay vốn, phương thức chuyển - nhận tiền… để tránh những hệ lụy khi vay trực tuyến, vay qua app…

* Khó quản lý

Nhiều sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến được nhiều công ty về dịch vụ tài chính vận hành khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không cần tài sản đảm bảo; thời gian vay ngắn, khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay. Bên cạnh những lợi ích xã hội mà hoạt động P2P Lending mang lại cũng đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, cho vay ngang hàng mới xuất hiện trong vài năm qua tại nước ta, xu thế phát triển cho vay ngang hàng và mong muốn được cung cấp các dịch vụ tài chính mới như P2P Lending diễn ra thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng, có thể vay tín chấp mà không cần tài sản đảm bảo…. cũng là những yếu tố khiến nhu cầu vay qua hình thức này tăng lên nhanh chóng.

Trên thực tế cũng đã xuất hiện một số công ty P2P và nhà đầu tư chưa hiểu đúng tính chất của cho vay ngang hàng hoặc hoạt động biến tướng nên dẫn đến nhiều tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy.

Một số quảng cáo, giao diện của các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến. Ảnh chụp màn hình: L.Phương
Một số quảng cáo, giao diện của các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến. Ảnh chụp màn hình: L.Phương

Một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending, lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa đảo, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao. Từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất, phí thực tế cao. Một số thỏa thuận giữa các bên trong mô hình P2P Lending thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, cũng như chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay. Điều này có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.

Theo đại diện NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, hiện nay nước ta chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh hình thức cho vay ngang hàng. NHNN Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng một khuôn khổ pháp lý để phát huy những mặt tích cực của sản phẩm dịch vụ này, đảm bảo phòng ngừa giảm thiểu các rủi ro, hạn chế các hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, an ninh mạng và quyền lợi người tiêu dùng.

* “Không có bữa trưa nào miễn phí”

Ở góc độ người dùng, để hạn chế rủi ro khi tham gia, sử dụng các loại hình, dịch vụ tài chính trực tuyến, người dân cần thực sự cảnh giác với những trào lưu về tiền ảo; tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, lãi suất, các quy định lãi, phí đối với các loại hình huy động trực tuyến, vay vốn ngang hàng… Bởi trên thực tế “không có bữa trưa nào là miễn phí”, không có lợi ích hay cơ hội nào từ các loại hình, ứng dụng nói trên mà lại không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào.

Ông Phạm Quốc Bảo khuyến cáo, người dùng cần thực sự cảnh giác với app cho vay online với điều kiện quá dễ dàng, cần tìm hiểu xem công ty mà mình định vay có nguồn gốc như thế nào. Trước khi xác nhận giao dịch vay, cần tìm hiểu kỹ về lãi suất, các quy định lãi, phí có rõ ràng hay không, mức phí và kỳ hạn thanh toán, số tiền cần phải thanh toán là bao nhiêu; chính sách bảo mật thông tin của khách hàng như thế nào.

Đồng thời, cần kiểm tra và tìm hiểu công ty có được Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh, thành cấp giấy phép đăng ký kinh doanh đúng pháp luật Việt Nam hay không; các hoạt động của công ty có được công bố công khai trên website hay không. Người dân nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, hạn chế bị lừa đảo hoặc sập bẫy tín dụng đen.

Đối với các hoạt động đầu tư tài chính cá nhân trên nền tảng công nghệ như: “đào” tiền ảo, đầu tư Forex (ngoại hối), chứng khoán trực tuyến..., theo nhiều chuyên gia, đây là những kênh đầu tư mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó người dùng cần thận trọng, tìm hiểu kỹ những loại hình đầu tư trên mạng ảo này.

Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, mạng xã hội nói chung và sự đa dạng của các loại hình, dịch vụ tài chính trực tuyến nói riêng đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh, cụ thể để quản lý, điều chỉnh một cách phù hợp, nhất là các biện pháp chế tài, xử lý những vi phạm, biến tướng liên quan…

Lam Phương

Tin xem nhiều