Áp lực giá xăng tăng, vật giá leo thang khiến đời sống công nhân viên ngày càng eo hẹp. Nhất là những gia đình có con nhỏ phải thắt chặt chi tiêu hoặc làm thêm nghề tay trái, tăng ca kiếm thêm tiền nuôi con trong thời bão giá này.
Áp lực giá xăng tăng, vật giá leo thang khiến đời sống công nhân viên ngày càng eo hẹp. Nhất là những gia đình có con nhỏ phải thắt chặt chi tiêu hoặc làm thêm nghề tay trái, tăng ca kiếm thêm tiền nuôi con trong thời bão giá này.
“Bão giá” khiến gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) phải cắt nhiều khoản chi không cần thiết để đảm bảo cân đối chi tiêu trong nhà |
* “Đau đầu” vì phí sinh hoạt tăng cao
Nhiều tháng nay, chị Hoàng Thị Phượng (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) “đau đầu” vì các khoản chi tiêu cho 4 người trong gia đình, gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ.
Bài toán chi tiêu trong gia đình luôn là vấn đề khiến nhiều phụ nữ “đau đầu nhức óc”, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ. Nhiều người đùa rằng, sau khi có con tiền của mình cứ như bị “mất trộm” vì quá tốn kém. |
Chồng chị làm ở một cơ quan nhà nước, còn chị làm công nhân với tổng thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng nhưng vẫn khá chật vật trong cơn “bão giá”. Tất cả các loại thực phẩm từ đồ ăn, thức uống hay bỉm, sữa cho con… đều lên giá. Chị Phượng lấy dẫn chứng, trước đây 1 chai dầu ăn 2 lít chỉ hơn 80 ngàn đồng, giờ đã tăng lên hơn 120 ngàn đồng. Hiện tại, tiền học cho 2 bé ở trường vẫn chưa tăng do đóng từ đầu năm. Nhưng tiền gửi con ở nhà cô giáo ngoài giờ đã tăng vài trăm ngàn đồng so với trước.
“Bé thứ 2 mới 4 tuổi gửi ở trường tư mỗi tháng 3,4 triệu đồng. Nếu nhà trường thông báo tăng học phí lên nữa chắc vợ chồng tôi phải cho con chuyển sang học ở trường công để giảm chi phí” - chị Phượng nói.
“Thiếu trước, hụt sau” là tình cảnh của gia đình chị Lê Thị Kim (ngụ P.Trảng Dài, TP,Biên Hòa) khi nuôi 3 con nhỏ. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân nên chuyện chi tiêu trong thời vật giá leo thang này không hề dễ dàng.
Hằng tháng, chị Kim ghi rất rõ các khoản chi tiêu của 5 người để “cân đo đong đếm” vì tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng là 18 triệu đồng. Cụ thể, học phí là 6 triệu đồng, điện nước là 1,2 triệu đồng, tiền ăn khoảng 9 triệu đồng, tiền xăng xe, con bệnh…
“Tiền ăn chủ yếu là mua sữa, đồ ăn cho con là chính. Hai vợ chồng tôi chịu khó ăn uống đạm bạc thôi. Bởi cái gì cũng tăng, còn tiền lương vẫn vậy. Tháng nào con không ốm, tôi cố gắng lắm mới xoay xở đủ với số tiền trên. Nhưng đa phần là vẫn phải vay chỗ nọ, bù chỗ kia. Một vòng luẩn quẩn tiếp diễn khi mà mớ rau xưa chỉ mua 5 ngàn đồng giờ cũng đã tăng gần gấp đôi” - chị Kim buồn nói.
Vấn đề chi phí nuôi con và áp lực kinh tế khi có con, luôn nhận được khá nhiều sự quan tâm của mọi người, từ người đã có gia đình cho đến những người còn đang độc thân. Lẽ dĩ nhiên, không nhà nào giống nhà nào, có gia đình nuôi con chỉ hết đôi ba triệu nhưng cũng có những người chi trên 10 triệu đồng, hết cả lương của một người.
Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thuấn (ngụ P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) thuộc diện thu nhập cao, khoảng gần 40 triệu đồng/tháng nhưng vẫn “choáng” với mức chi tiêu hiện nay. Con trai anh Thuấn hơn 17 tháng tuổi nên nhu cầu sử dụng bỉm, sữa, đồ ăn vặt... của bé tăng cao. “Nhiều lúc tôi cũng sốt ruột vì chi phí tăng cao quá. Nhưng cả 2 vợ chồng tôi lại nghĩ, cần dành điều tốt nhất cho con nên mạnh tay chi tiêu” - anh Thuấn tâm sự.
* Tăng ca, làm thêm nghề tay trái… để nuôi con
Áp lực nuôi 3 con nhỏ không hề nhỏ đối với vợ chồng chị Kim. Do đó, vợ chồng chị Kim đã quyết định làm thêm để tăng thu nhập. “May mắn là trước đây, chồng tôi có “nghề tay trái” là vệ sinh máy lạnh, máy giặt. Những ngày cuối tuần được nghỉ ở công ty, anh ấy làm thêm công việc này để kiếm thêm tiền trang trải cho các nhu cầu chi tiêu cho các con ngày càng tăng cao, từ tiền học đến ăn uống… Nhờ công việc này, thu nhập mỗi tháng cũng tăng lên kha khá” - chị Kim chia sẻ.
Bão giá khiến nhiều gia đình trẻ cũng đau đầu vì chi phí nuôi con |
Từ đó, họ cho con trai lớn đang học lớp 4 học thêm tiếng Anh ở trung tâm vào kỳ nghỉ hè năm nay. Vợ chồng chị hy vọng con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn nhờ vào việc học hành.
Còn chị Phượng, dù con nhỏ nhưng vài tháng nay, chị đã đăng ký làm tăng ca, đi làm sớm hơn và về muộn hơn. Phần vì công ty nhiều hàng cần làm gấp, phần vì chị muốn kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày tăng ca, chị cũng được trả khoảng 200 ngàn đồng.
Chị Phượng tâm sự: “Hầu như ngày nào, thậm chí cuối tuần tôi cũng tăng ca để có thêm thu nhập lo cho con. Mình có thể ăn uống kham khổ nhưng 2 con đang ở tuổi lớn, cần dinh dưỡng và không thể không uống sữa trong khẩu phần hằng ngày được”. Tính sơ sơ, hầu hết các bé đều phải dùng: bỉm, sữa; sữa chua, váng sữa; thức ăn nấu cháo; thuốc bổ... Ngoài ra, các khoản tiền mua quần áo, đồ dùng lặt vặt, tiền tiêm dịch vụ hoặc không may con bị bệnh cũng không hề nhỏ.
Những bảng chi tiêu với con số không nhỏ đã khiến “hội độc thân” hoang mang bởi nếu nuôi một đứa trẻ thực sự tốn kém như vậy thì họ không dám nghĩ đến ý định kết hôn hay sinh con. Do vậy, dù ở tuổi 31, anh Nguyễn Văn Minh, nhân viên văn phòng tại TP.Biên Hòa vẫn chưa có ý định kết hôn, sinh con. “Thú thật, tiền lương hiện tại của mình chưa cao, chỉ mới đủ lo cho bản thân. Ngoài tiền cơ bản cho nhà trọ, ăn tiêu hằng ngày và thỉnh thoảng đi chơi với bạn bè là không còn dư nên chuyện lấy vợ, sinh con lúc này là chưa thể” - anh Minh nói.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã có khảo sát về thu nhập và chi tiêu của người lao động (NLĐ). Kết quả cho thấy, nếu NLĐ không làm tăng ca thì thu nhập trung bình của 2 vợ chồng NLĐ chỉ đủ được các khoản chi tiêu trong tháng, dư ra một ít để chi các khoản phải chi khác trong năm và chỉ có một số ít có thể có tiết kiệm, dư dật. Cụ thể, khi tìm hiểu về tương quan giữa thu nhập và chi tiêu của NLĐ tham gia khảo sát cho thấy, trong số 540 người trả lời bảng hỏi chỉ có 12,5% NLĐ cho biết họ có dư dật, tích lũy; 60,7% NLĐ cho biết thu nhập của họ vừa đủ trang trải, chi tiêu cho cuộc sống; 15,2% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm và 11,6% cho biết thu nhập của họ không đủ chi tiêu cho cuộc sống. |
Bích Nhàn