Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ và phát huy "sức mạnh mềm"

08:07, 01/07/2022

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện để các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới phát triển và lan tỏa rộng rãi ở nước ta, nhất là trong giới trẻ.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện để các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới phát triển và lan tỏa rộng rãi ở nước ta, nhất là trong giới trẻ.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX-2022. Ảnh H.Anh
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX-2022. Ảnh H.Anh

Điều này đặt ra yâu cầu cấp thiết về bảo vệ biên cương văn hóa từ sớm, từ xa trên không gian mạng để góp phần củng cố “sức mạnh mềm”, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

* Coi trọng yếu tố văn hóa

Xác định văn hóa là một trong những trụ cột không thể thiếu để phát triển bền vững đất nước, Đảng rất quan tâm, đề ra các chiến lược bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Có thể kể đến các văn kiện quan trọng chuyên đề về văn hóa như: Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bảo vệ nền văn hóa cũng được xác định là nội dung quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có các chiến lược như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; triển khai đồng bộ Nghị quyết số 29 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” và Nghị quyết số 30 về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, chú trọng hơn nữa giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, muốn bảo vệ được giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc thì phải phân định thật tường minh giữa giá trị văn hóa và phản văn hóa. Theo đó, văn hóa chỉ được dùng để nói về các giá trị chân thiện mỹ, những gì xa lạ với chân thiện mỹ thì phải định danh là phản văn hóa và phải chống lại, khước từ. Điều này rất quan trọng trong giáo dục lý tưởng, lối sống, hành vi ứng xử của chúng ta, nhất là giới trẻ.

Đặc biệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tháng 11-2021 đã cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa là rất coi trọng lĩnh vực này, đặt ngang hàng với lĩnh vực kinh tế, chính trị.

Bên cạnh sự đầu tư mang tầm chiến lược, có sự gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc với hội nhập quốc tế sâu rộng thì việc ứng dụng công nghệ số cũng rất quan trọng.

Phát biểu tại hội thảo Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần tận dụng tối đa các ưu thế của không gian mạng và quá trình chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của dân tộc, những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc, về vị trí, vai trò của văn hóa đối với quá trình phát triển của đất nước. Tổ chức Đoàn thanh niên phải tạo môi trường để cổ vũ, thúc đẩy sáng tạo trong thanh thiếu nhi và xem đây là yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát triển văn hóa…

* Và sứ mệnh của tuổi trẻ

Không chỉ là người sáng tạo văn hóa, thanh niên chính là đối tượng thụ hưởng và lan tỏa các giá trị văn hóa. Do đó rất cần những định hướng, giáo dục văn hóa để những người trẻ có sức đề kháng trong môi trường mạng. Phó bí thư phụ trách Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho biết, trong công tác giáo dục, định hướng thanh thiếu nhi về bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa luôn có hai mặt  xây và chống. Theo đó, cùng với tổ chức các phong trào, hoạt động nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường để thanh thiếu nhi phát huy sức sáng tạo, phát triển các sản phẩm mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc còn chú trọng đấu tranh chống các quan điểm sai trái, các sản phẩm văn hóa độc hại, nhất là trên không gian mạng.

Thanh niên cũng chính là đối tượng chính trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa - được ví như những “con gà đẻ trứng vàng”. Bởi nó không những tạo ra doanh thu mà còn là niềm tự hào dân tộc, khơi dậy hoài bão và sức sáng tạo cho thế hệ trẻ. Sự kiện nhóm nhạc thần tượng BTS của Hàn Quốc phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ vào năm 2021 đã đưa niềm yêu thích văn hóa nhạc nhẹ Hàn Quốc lên một sân khấu thế giới mới. Đây cũng là niềm tự hào của xứ sở Kim chi với 4 video âm nhạc đạt được thành tích “một tỷ lượt xem”.

Để thanh niên có ý thức bảo vệ giá trị văn hóa cùng với dùng sức mạnh của đạo đức, khoa học thì rất cần đến tác dụng truyền cảm hứng của nghệ thuật. Nhiều quốc gia đã thành công “xuất khẩu” văn hóa như làn sóng Hallyu của Hàn Quốc, “Cool Japan” của Nhật Bản hay gần đây là ẩm thực Thái Lan…

Sự bùng nổ và lan tỏa mạnh mẽ của các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới cũng tác động rõ nét đến tư tưởng, tình cảm của giới trẻ. Không khó để tìm thấy những người trẻ Việt là các fan hâm mộ cuồng nhiệt của các ngôi sao Hàn Quốc, Trung Quốc… Từ yêu mến thần tượng họ chuyển sang tìm hiểu và yêu thích cả ẩm thực, ngôn ngữ và các nét văn hóa đặc trưng của đất nước thần tượng.

Tại nước ta, nền công nghiệp văn hóa đã có bước phát triển song thực tế vẫn còn rất khiêm tốn. Do đó rất cần những sản phẩm văn hóa có  thể vươn ra “biển lớn”. Đi đối với đó là các giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa như xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, du lịch…

 Là người trẻ có niềm yêu thích, triển khai các dự án bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tham gia cố vấn cho các tác phẩm điện ảnh, các thương hiệu cổ phục, anh Tôn Thất Minh Khôi (ngụ TP.HCM) cho rằng, hiện không nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất quan tâm thực hiện các dự án về lịch sử, văn hóa truyền thống do đó chúng ta nên đón nhận, cổ vũ những dự án như vậy. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư nghiêm túc và tôn trọng lịch sử, có sự nghiên cứu, ứng dụng phù hợp. Đây là con đường không dễ đi nhưng rất ý nghĩa, nên được khuyến khích, nhất là với các dự án do giới trẻ khởi xướng bởi họ là nguồn lực chính để lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống ra thế giới.

Nhật Hạ

Tin xem nhiều