Tìm cho mình một vị trí đủ mạnh, đủ vững chắc trong nhiều chuỗi cung ứng, đảm nhận được cả 2 vai trò: là sản phẩm tiêu dùng hoặc sản phẩm đầu vào (bán được hàng mình sản xuất ra) cho người tiêu dùng/doanh nghiệp (DN) hoặc là "người mua" sản phẩm, linh kiện (để sản xuất) từ các DN khác một cách tự tin - luôn là mục tiêu của nhiều DN Việt Nam lâu nay.
Tìm cho mình một vị trí đủ mạnh, đủ vững chắc trong nhiều chuỗi cung ứng, đảm nhận được cả 2 vai trò: là sản phẩm tiêu dùng hoặc sản phẩm đầu vào (bán được hàng mình sản xuất ra) cho người tiêu dùng/doanh nghiệp (DN) hoặc là “người mua” sản phẩm, linh kiện (để sản xuất) từ các DN khác một cách tự tin - luôn là mục tiêu của nhiều DN Việt Nam lâu nay.
Một DN có thể vừa là người mua, vừa là người bán, vừa tham gia khâu này vừa tham gia khâu khác của một hoặc nhiều chuỗi cung ứng. DN đó có thể vừa là đơn vị cung ứng nguyên liệu sản xuất uy tín cho các DN khác trong ngành, vừa tự sản xuất ra hàng hóa cuối cùng (với một hoặc nhiều) thương hiệu riêng và bán chúng.
Dù ở vai trò nào, thì suy cho cùng, hành trang lớn nhất mà một DN cần chuẩn bị để bước chân vào được các chuỗi cung ứng (cả trong nước lẫn các chuỗi cung ứng toàn cầu) chính là nội lực và uy tín. Thực tế sau nhiều năm nỗ lực, rất nhiều DN Việt Nam đã trở thành đối tác tiêu thụ/cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu, sản phẩm đầu vào cho nhiều tập đoàn, đối tác lớn trên thế giới. Hàng hóa Việt Nam tham gia sâu vào thị trường thế giới.
Tuy vậy, “ngắm nghía” và so sánh, thì không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đã và đang làm tốt điều này. Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia… đều đã có rất nhiều DN uy tín tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu từ lâu và họ vẫn đang tự làm mới mình để tiếp tục tiến lên.
Vậy nên, áp lực cạnh tranh đối với các DN Việt Nam vẫn luôn tồn tại. Theo Bộ Công thương, áp lực cạnh tranh và nguy cơ mất thị trường, thậm chí mất ngay trên sân nhà của các DN Việt sẽ càng lớn hơn, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… và chính thức bước vào những sân chơi chung dưới áp lực cạnh tranh không nhân nhượng.
Nhìn lại, việc tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới không phải đơn giản, cần sự nỗ lực rất lớn từ phía DN, cùng với sự trợ giúp của chính sách. Những điểm yếu cố hữu của DN Việt lâu nay vẫn là quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp và sức cạnh tranh không cao.
Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực DN nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số DN đăng ký, tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động (theo Sách trắng DN 2020). Muốn thay đổi, không gì khác hơn là phải nhìn thẳng và cải thiện từ những điểm yếu này.
Tự rà soát, tái cơ cấu, đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực nội tại, chịu tìm tòi, nắm thông tin, chịu kiến nghị và ứng dụng các chính sách ưu đãi và đặc biệt tăng tính liên kết lẫn nhau để tạo thành một cộng đồng DN mạnh - chính là những điều DN Việt Nam cần làm để tăng nội lực, tự tin tham gia các chuỗi cung ứng.
Ở một góc nhìn chung, sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lại sẽ phụ thuộc vào khả năng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN Việt Nam. Vậy nên, bên cạnh sự nỗ lực của DN, Chính phủ cũng cần sát cánh cùng DN để kịp thời kiến tạo những chính sách có tính nền tảng, những chính sách có thể thực sự trở thành điểm tựa cho DN lâu dài.
Vi Lâm