Phát triển kinh tế đêm có thể được coi là đòn bẩy cho du lịch, dịch vụ, nhất là sau những tác động dịch Covid-19 thời gian qua.
Phát triển kinh tế đêm có thể được coi là đòn bẩy cho du lịch, dịch vụ, nhất là sau những tác động dịch Covid-19 thời gian qua.
Kinh tế ban đêm bước đầu phát triển ở các thành phố, trung tâm du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang..., góp phần tăng nguồn thu cho hoạt động du lịch, dịch vụ và phát triển kinh tế tại các địa phương. Bên cạnh nguồn lợi kinh tế đêm mang lại, vẫn còn tồn tại những hạn chế đòi hỏi các nhà quản lý tính toán, cân nhắc để phát triển một cách cân bằng, hài hòa.
Với vị trí địa lý thuận lợi, gần với TP.HCM và dân số đông, tốc độ phát triển kinh tế khá năng động, Đồng Nai được các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế ban đêm ở Đồng Nai cũng mới chỉ khai thác ở một vài góc độ nhỏ. Còn về chiến lược, định hướng phát triển lâu dài để hoạt động kinh tế đêm thực sự “thắp sáng” thì cần có lộ trình phù hợp.
Trong đó, vấn đề đầu tiên là cần xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế ban đêm, qua đó vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế nhưng cũng kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, tránh các hành vi vi phạm pháp luật; những biến tướng, lợi dụng hoạt động kinh tế về đêm để kinh doanh các loại hình dịch vụ “chui”, lệch chuẩn gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục…
Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế đêm đòi hỏi các địa phương có giải pháp tổng thể phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ từ hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú đến các loại hình dịch vụ, địa điểm kinh doanh ẩm thực, giới thiệu những đặc sản đặc trưng của địa phương; cơ sở biểu diễn âm nhạc, giải trí, vui chơi… để phục vụ người dân trong tỉnh, du khách và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại địa phương.
Ngoài ra, đi kèm với những mặt sáng, triển vọng của phát triển kinh tế về đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội.
Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý; lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh. Cùng với đó, vận hành hiệu quả hệ thống camera an ninh, các tổ an ninh tự quản tại các tuyến đường, khu phố, khu vực phát triển nhiều loại hình dịch vụ kinh tế về đêm nhằm phòng ngừa việc xuất hiện các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho người dân, du khách…
Trước mắt, cần có thêm nhiều hoạt động thí điểm trong phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch về đêm, qua đó, rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ đó, xây dựng lộ trình, bộ khung phù hợp về pháp lý, hạ tầng, loại hình dịch vụ để kinh tế có thể thực sự phát huy các tiềm năng và hạn chế những bất cập, mặt tối trong quá trình phát triển các loại hình kinh tế, dịch vụ về đêm.
Lam Phương