Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại tướng Mai Chí Thọ một thời lừng lẫy miền đông

09:07, 16/07/2022

Ngày 15-7-2022 tròn 100 năm ngày sinh của Đại tướng Mai Chí Thọ, một danh nhân gắn liền với các sự kiện lịch sử cách mạng của đất nước. Nhân ngày kỷ niệm này, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức để tri ân và tưởng niệm ông.

Ngày 15-7-2022 tròn 100 năm ngày sinh của Đại tướng Mai Chí Thọ, một danh nhân gắn liền với các sự kiện lịch sử cách mạng của đất nước. Nhân ngày kỷ niệm này, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức để tri ân và tưởng niệm ông.

Đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Bí thư Khu ủy miền Đông châm lửa truyền thống tại lễ kỷ niệm 51 năm thành lập Chiến khu Đ. Ảnh: Phan Dẫu
Đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Bí thư Khu ủy miền Đông châm lửa truyền thống tại lễ kỷ niệm 51 năm thành lập Chiến khu Đ. Ảnh: Phan Dẫu

Hội thảo khoa học về Đại tưởng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ - nhân dân TP.HCM được tổ chức tại TP.HCM ngày 12-7, thêm nhiều bài tham luận, báo chí, tư liệu được công bố. Một bộ phim tư liệu dày công được công chiếu để rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Các địa phương có dấu ấn tâm sức của ông đều tổ chức hoạt động kỷ niệm theo cách của mình.

Ở Đồng Nai, người Đồng Nai tưởng nhớ Đại tướng Mai Chí Thọ gắn với lịch sử văn hóa của Khu ủy miền Đông một thời lừng lẫy.

Trong bối cảnh cách mạng miền Nam, Chỉ thị 15 của Trung ương Đảng, tháng 2-1961, Trung ương Cục miền Nam (vừa hình thành ngày 23-1-1961 thay Xứ ủy Nam bộ) quyết định thành lập Khu ủy miền Đông Nam bộ, đặt căn cứ trong vùng Chiến khu Đ, nay thuộc địa bàn Phân trường 6, Lâm trường Hiếu Liêm,  H.Vĩnh Cửu. Bí thư Khu ủy đầu tiên là Mai Chí Thọ, kiêm Chính ủy Quân khu.

Mai Chí Thọ tên khai sinh là Phan Đình Đống, sinh ngày 15-7-1922 tại thôn Địch Lễ, P.Nam Vân, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định, trong một gia đình yêu nước truyền thống, có nhiều người góp công lớn cho cách mạng (như Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện). Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, 17 tuổi được kết nạp Đảng, 18 tuổi bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, đày đọa qua các nhà tù ở Nam Định, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo. Năm 1945, ra tù, ông được phân công làm nhiều nhiệm vụ ở nhiều nơi. Nơi nào, nhiệm vụ nào ông cũng vượt khó, hoàn thành, được đồng chí và nhân dân tin yêu.

Trước khi làm nhiệm vụ Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, Mai Chí Thọ là Xứ Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ (1958-1960), Trưởng ban địch tình. Sau khi rời nhiệm vụ Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ (năm 1965), ông nhận nhiệm vụ Phó bí thư, rồi Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Mai Chí Thọ tiếp tục đảm nhận nhiều trọng trách ở TP.HCM và Bộ Công an, được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; được phong Đại tướng (tháng 5-1989), là Đại tướng đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam.

Theo hồi ức của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Tâm, lần đầu tiên được gặp đồng chí Mai Chí Thọ vào cuối tháng 12-1959, tại căn cứ ở đồi Bằng Lăng, Chiến khu Đ. Lúc đó, Mai Chí Thọ được gọi là Tám Cao đang cùng đồng chí Nguyễn Văn Linh và các đồng chí trong Xứ ủy Nam bộ họp bàn việc triển khai Chỉ thị 15 của Trung ương. Tám Cao nhận ra ngay người vừa có thành tích lãnh đạo phá khám Nhà lao Tân Hiệp, vui vẻ chào đón người đồng hương, trầm ngâm lắng nghe báo cáo về tình hình liên quan đến cuộc phá khám Nhà lao Tân Hiệp, sau đó có những nhận định, đánh giá, chỉ đạo bằng tấm lòng rộng mở và trí tuệ tầm cao khiến Bảy Tâm xua tan nỗi lo lắng bị phê bình vì bạo động và tin cậy vào người chỉ huy biết cảm thông, chia sẻ.

Tên tuổi Tám Cao - Mai Chí Thọ gắn liền với các chiến công và thành quả cách mạng ở miền Đông Nam bộ. Trận đánh Tua Hai ngày 26-1-1960 mở đầu cao trào đồng khởi ở Nam bộ in đậm dấu ấn của chính trị viên Tám Cao. Trận đánh ấy do Tám Kiến Quốc (Nguyễn Hữu Xuyến) làm chỉ huy trưởng quân sự. Nhiệm vụ là phải đánh thắng để mở màn đồng khởi. Tình thế đặt ra muôn vàn khó khăn, địch quân đông, hỏa lực mạnh, phòng thủ kiên cố; ta ít người, vũ khí thô sơ, chưa giáp trận nên tinh thần chiến sĩ chưa tự tin, chưa kinh nghiệm trực chiến. Lại nữa, tinh thần Nghị quyết 15 chỉ mới nói đến võ trang tuyên truyền và võ trang tự vệ, nếu vũ trang đánh tập kích vào cứ điểm Tua Hai không biết có vi phạm nghị quyết không? Bài toán về công tác tư tưởng đặt ra khiến chính trị viên Tám Cao cùng Ban Chỉ huy trằn trọc, trăn trở nhiều đêm, cuối cùng quyết tâm báo cáo Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Linh xin lệnh đánh. Lối đánh kết hợp võ trang tập kích và tuyên truyền chính trị. Vậy mới có trận thắng Tua Hai vang dội. Như vậy, Tám Cao đi vào lòng tin yêu của quân dân miền Đông.

Thời gian Mai Chí Thọ làm Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ không dài (từ năm 1961-1965) nhưng là một thời gian khó, oanh liệt, nhiều chiến công cũng nhiều mất mát hy sinh; nhiều việc đáng nhớ nằm lòng.

Hồi đó, Quân khu miền Đông và Khu ủy miền Đông có mật danh là T1, đặt cơ quan lãnh đạo tại Căn cứ 820 khu vực suối Linh, Chiến khu Đ. T1 ở trong rừng nguyên sinh, được đồng bào dân tộc Lý Lịch che chở, cán bộ phải lao động trồng khoai sắn, đào củ mài, củ chụp, hái trái rừng. Nhiều lúc thiếu gạo muối, lót dạ bằng lá bép, lá bướm, lá tam lang, đọt lụa, rau tàu bay. Việc bắn thú lấy thịt không khó khăn nhưng Bí thư Khu ủy ra lệnh hết sức tránh vì thương các con vật vô tội. Sau này, xem bộ phim Con khỉ mồ côi do HTV sản xuất năm 2003 (Nguyễn Quang Đại đạo diễn; Cao Minh, Tuyết Thu đóng vai chính), lấy cốt truyện chân thực ở Khu ủy miền Đông, người đời mới hiểu tính nhân văn của người kháng chiến một thời gian khổ. Rồi chất độc hóa học của Mỹ gieo rắc muông thú, chim cá, cây trái cũng bị tàn hại, cuộc sống của lãnh đạo Khu ủy cùng cán bộ, chiến sĩ càng thêm khó khăn, cơ cực.

 Hình ảnh của vị Bí thư Khu ủy cao to với bộ bà ba đen bình dị, tiếng nói âm vang, miệng cười nhân hậu, cùng bữa ăn củ chụp, muối đậu lá rừng với chiến sĩ, cùng xắn quần lội suối băng rừng, cùng quần đùi áo cộc lao động, thể thao với đồng chí, đồng bào… làm người ta thương nhớ, gần gũi, kính yêu, tin phục. Người miền Đông thương nhớ đồng chí Tám Cao - Mai Chí Thọ, lập đền thờ tưởng niệm ông cùng các đồng chí Khu ủy miền Đông Nam bộ tại di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ đời đời nồng ấm tâm hương.

Trong ký ức của mình, Đại tướng Mai Chí Thọ xem giai đoạn ở miền Đông Nam bộ là thời kỳ đáng sống, đáng nhớ trong hành trình cách mạng của mình. Ông đã kể trong hồi ký cũng như tâm tình với nhiều người thân, chính ở căn cứ miền Đông, Chiến khu Đ, lần đầu tiên ông được sống và làm việc trong căn cứ an toàn của cách mạng, trong sự bảo bọc của đồng bào, trong vòng tay của các lực lượng vũ trang nhân dân.

Ở di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ hiện nay, bên cạnh nhà làm việc của đồng chí Bí thư Khu ủy Mai Chí Thọ là một hố bom to. Hôm về thăm lại di tích, nhân chứng lịch sử Tám Cao đứng bên cạnh hố bom cười nói: “Rủi cho thằng Mỹ, lúc đó tôi không có ở đây, quả bom không có duyên gặp gỡ!”.

Đúng vậy, Đại tướng Mai Chí Thọ không có duyên gặp gỡ bom đạn Mỹ, ông chỉ có duyên lành trong lòng dân ở đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc do chính ông góp công xây dựng.

Ong Mật

Tin xem nhiều