Xác định rõ giá trị cốt lõi cho công ty và liên tục cải tiến, đổi mới công nghệ là điều mà Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) Mai Khanh thực hiện trong những năm qua. Khởi nghiệp lĩnh vực công nghiệp (CN) hỗ trợ ngành nhựa, sau 10 năm từ 1 doanh nghiệp (DN) quy mô siêu nhỏ ban đầu, đến nay Vinastar đang bước mạnh mẽ lên hàng ngũ DN vừa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Xác định rõ giá trị cốt lõi cho công ty và liên tục cải tiến, đổi mới công nghệ là điều mà Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) Mai Khanh thực hiện trong những năm qua. Khởi nghiệp lĩnh vực công nghiệp (CN) hỗ trợ ngành nhựa, sau 10 năm từ 1 doanh nghiệp (DN) quy mô siêu nhỏ ban đầu, đến nay Vinastar đang bước mạnh mẽ lên hàng ngũ DN vừa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Anh Mai Khanh (giữa) giới thiệu sản phẩm do doanh nghiệp mình sản xuất với đoàn tham quan của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai |
Để tạo dựng thương hiệu và giá trị cho ngành CN hỗ trợ, theo ông Khanh, Nhà nước cần ban hành các chính sách hợp lý, tập hợp, liên kết sức mạnh của cộng đồng DN cùng ngành nghề với nhau.
* Chiến lược phù hợp đưa DN phát triển đúng hướng
Trước khi khởi nghiệp, ông Mai Khanh từng làm cho 1 DN của Nhật Bản trong lĩnh vực CN hỗ trợ về các sản phẩm ngành nhựa. Trong quá trình làm việc, ông luôn ấp ủ ý tưởng phải xây dựng một DN của riêng mình để khẳng định người Việt có thể ứng dụng được các kinh nghiệm thực tế, sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Tích lũy đủ kinh nghiệm và nguồn lực, năm 2012, ông cùng cộng sự thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar.
“Đồng Nai lâu nay được coi là một trong những địa bàn trọng điểm về phát triển CN của cả nước với hàng chục khu CN hiện hữu. Nhu cầu lớn về hàng CN hỗ trợ cho sản xuất từ các nhà máy, xí nghiệp là cơ hội để khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trong lĩnh vực này” - ông Mai Khanh chia sẻ.
Mô hình nâng cao năng suất, chất lượng tổng thể của Vinastar về cơ bản dựa trên các nền tảng và trụ cột là xây dựng mục tiêu chiến lược nâng cao năng suất chất lượng theo từng giai đoạn; nền tảng về quản trị nguồn nhân lực và khuyến khích người lao động; sử dụng hiệu quả công nghệ và thiết bị; quản lý hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh; phát triển tổ chức định hướng khách hàng; xây dựng văn hóa không ngừng giảm thiểu lãng phí. |
Là DN sản xuất CN hỗ trợ ngành nhựa, Vinastar cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm thuộc các lĩnh vực gia công khác nhau như: các loại khuôn mẫu chính xác trên máy phay CNC; thiết kế - chế tạo các loại khuôn mẫu định hình; sản xuất, các sản phẩm về nhựa CN... Đối với các sản phẩm CN về nhựa, hiện công ty đã sản xuất ra được hàng trăm mẫu đặt hàng theo yêu cầu của các nhà máy, ứng dụng trong nhiều ngành sản xuất điện máy, điện tử, đồ gia dụng... Không dừng ở đó, sản phẩm của DN đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...
Để tạo dựng uy tín và thương hiệu công ty, theo ông Mai Khanh, DN đặt ra những giá trị cốt lõi của mình bao gồm: chất lượng, nhân lực, đổi mới công nghệ và chú trọng vào nhu cầu của khách hàng, đồng thời bám sát các giá trị ấy để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, phát triển công ty. Trong đó, chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu để thiết lập và duy trì sự hợp tác lâu dài với khách hàng; nhân viên là tài sản quý nhất nên phải tạo dựng một môi trường làm khuyến khích nhân viên phát huy hết khả năng của mỗi người. Đổi mới là động lực thúc đẩy sự phát triển và khách hàng là đối tác. Vì vậy phải luôn nâng cao khả năng phục vụ bằng chất lượng, giao hàng đúng hạn, giá cả cạnh tranh và dịch vụ hậu mãi.
Nhờ chiến lược phù hợp, hiện nay công ty đã xây dựng 2 nhà máy với quy mô khá cơ bản, đội ngũ nhân lực vào khoảng 300 người. Từ một DN nhỏ, công ty đã từng bước khắc phục các khó khăn, nương theo nhu cầu của khách hàng để phát triển, hướng tới DN có quy mô vừa. Để tiếp tục phát triển thêm công ty còn rất nhiều việc phải làm.
“Đến hiện tại, DN đã có thể bước vào hàng ngũ những công ty vừa, tích lũy đủ năng lực và công nghệ, thiết bị có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao cho các đối tác. Tuy vậy, trong thời buổi khó khăn và các biến động trên thị trường thế giới, giữ vững được thành quả và tiếp tục phát triển nó cũng đòi hỏi rất nhiều tâm huyết” - ông Khanh chia sẻ thêm.
* Liên tục cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất
CN hỗ trợ nhiều tiềm năng để phát triển nhưng nhìn trên bình diện chung, các DN hầu hết ở quy mô nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế khó đáp ứng các đơn hàng lớn. Đổi mới, liên tục cải tiến công nghệ là yêu cầu bắt buộc để các DN lớn lên và Vinastar cũng không ngoài cuộc.
“Chúng ta cần có cụm CN cho CN hỗ trợ để các DN nhỏ và vừa tập trung lại. Khi đó, đối tác nước ngoài tới làm việc họ sẽ dễ hình dung ra chuỗi liên kết và cũng cho họ thấy năng lực thực sự của DN Việt Nam” - ông Mai Khanh kỳ vọng. |
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nâng cao năng lực sản xuất, ông Mai Khanh đã đưa công ty tham gia dự án Áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng của Bộ Công thương do Viện Năng suất Việt Nam triển khai. Từ đó, công ty đã xây dựng được một chiến lược chuyển đổi năng suất rất cụ thể và hiệu quả.
Thông qua sự hỗ trợ từ dự án, công ty áp dụng các giải pháp cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng và đạt được kết quả quan trọng. Thời gian sử dụng máy móc liên tục hơn, tránh hư hỏng. Công ty cũng nghiên cứu tự động hóa, đầu tư robot, cải tiến khâu đổ nguyên liệu vào máy… đặc biệt, lên kế hoạch cho mọi khâu liên quan đến khuôn để bộ phận khuôn có thể chủ động thay vì bị động.
Công nhân lao động trong giờ sản xuất |
Đầu tư vào công nghệ giúp mỗi công nhân sẽ phụ trách 2 máy thay vì 1 máy như trước kia. Việc đào tạo nhân sự cũng được công ty thực hiện liên tục, vừa đào tạo vừa định hướng và phát huy được những khả năng sáng tạo của đội ngũ nhân viên trong sản xuất, giúp DN liên tục phát triển dù có những lúc đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Cùng với sự phát triển của DN, ông Mai Khanh cũng trăn trở và mong muốn các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho cộng đồng DN nhỏ và vừa, nhất là ngành CN hỗ trợ được triển khai một cách thiết thực hơn. Bởi vì CN hỗ trợ là ngành sản xuất có giá trị cao và có thể tận dụng được các lợi thế kinh tế khi hội nhập. Việc liên kết, tập hợp các DN cùng ngành nghề vào một tổ chức hoặc một khu vực sẽ nâng cao được sức cạnh tranh, tận dụng các lợi thế và có thể hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên ở Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung các chính sách này vẫn chưa thực sự cụ thể.
Vương Thế