Đầu tháng 7, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã kết thúc 2 tháng diễn tri ân khán giả với 10 vở diễn tiêu biểu. Như vậy, sân khấu sẽ không diễn định kỳ hằng tuần nữa mà chuyển sang dựng kịch diễn theo mùa.
Đầu tháng 7, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã kết thúc 2 tháng diễn tri ân khán giả với 10 vở diễn tiêu biểu. Như vậy, sân khấu sẽ không diễn định kỳ hằng tuần nữa mà chuyển sang dựng kịch diễn theo mùa.
Suất diễn cuối cùng vở Nửa đời ngơ ngác để sân khấu Hoàng Thái Thanh khép lại 2 tháng tri ân khán giả, chấm dứt diễn kịch định kỳ hàng tuần, chuyển sang mùa diễn |
Dấu ấn của một sân khấu với những bi kịch
Qua 12 năm hình thành và hoạt động, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã nỗ lực để tạo nên một thương hiệu kịch tử tế, nghiêm túc với người làm nghề, với khán giả. Trong tình hình sân khấu đang bị tác động nặng nề bởi sự cạnh tranh của quá nhiều loại hình giải trí hấp dẫn trên mạng hiện nay, hoạt động biểu diễn ngày càng khó khăn. Một suất diễn thường phải trên 100 vé mới có thể cầm cự nổi, là cầm cự chứ chưa đủ chi nhưng đã lâu lắm rồi sân khấu phải diễn trong tình trạng chỉ có 50 vé trở lên.
Và trên tất cả, nỗi ám ảnh của họ còn là khó khăn về kịch bản. Tìm ra kịch bản hay khó kinh khủng, mà chuyện đó là hiện trạng mấy chục năm nay rồi. |
“Càng ngày mình càng mệt mỏi. Để đưa ra quyết định diễn kịch theo mùa chúng tôi suy nghĩ rất lâu. Phải tính làm sao để mình vẫn có thể còn tiếp tục” - Ái Như nói. Còn nghệ sĩ Thành Hội cho rằng sân khấu đang đi tìm “cửa sinh”. Ông cho rằng nếu không thể tiếp tục tồn tại được thì cũng không hối tiếc vì “chúng tôi đã làm hết sức mình!”.
Với sự thay đổi phương thức biểu diễn này, sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ gom gọn lại mỗi năm chỉ diễn 2 mùa. Mùa Tết kéo dài từ 3-5 tháng diễn 1, 2 vở. Và mùa kịch giữa năm từ 2-3 tháng diễn 1 vở. Ái Như cho biết thêm nếu có đơn vị, trường học hợp đồng suất diễn sân khấu vẫn sẽ diễn phục vụ.
Đó cũng là lựa chọn của sân khấu Hồng Vân khi không thể trụ nổi các suất diễn định kỳ hằng tuần cũng đành nói lời chia tay vào tháng 5. Sân khấu cũng sẽ chuyển sang diễn kịch theo mùa và dựng vở lưu diễn.
Muốn theo chính kịch phải trả giá
NSND Hoàng Yến kể rằng năm 2004 khi về diễn tại sân khấu 5B, chị đã được tiếp xúc và ngưỡng mộ Thành Hội, Ái Như vì họ tài năng và cực kỳ yêu nghề. Với chị, những nghệ sĩ như Thành Hội, Thành Lộc, Ái Như… luôn là anh chị lớn để chị nhìn vào đó mà học tập, phấn đấu với nghề. Chị cùng từng dẫn bạn đến xem kịch ở Hoàng Thái Thanh. “Những vở diễn của Hoàng Thái Thanh luôn gợi nhiều suy ngẫm, khiến người ta hướng thiện, hướng tới cái đẹp. Thật sự là có tính giáo dục quá tốt. Nhưng cứ mỗi lần đến, thấy chỉ bán được vài chục vé tôi xót lắm không biết anh chị gồng gánh được tới chừng nào nữa” - Hoàng Yến tâm sự.
Từng mặn mà dựng nhiều vở chính kịch, kịch lịch sử gây tiếng vang như Âm binh, Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thưở ấy…, Hoàng Yến hiểu rằng muốn theo dòng chính kịch trong thời buổi hiện giờ đều phải chịu thiệt thòi, trả giá. Các vở diễn của chị kéo dài được suất diễn nhờ vào hợp đồng với các trường, đơn vị. Khi bán vé phục vụ khán giả, mỗi đêm lỗ chừng 5 triệu đồng là đã mừng. Khi các trường mời lưu diễn, mỗi suất họ trả 10 triệu đồng. Sân khấu trả cát-sê 10 diễn viên với chi phí tượng trưng đã hết 5 triệu đồng, thêm vài người phụ hậu trường rồi vận chuyển âm thanh, ánh sáng, đạo cụ các thứ… cầm chắc tiền thu không đủ chi.
Những vở kịch lịch sử của sân khấu Idecaf như Vua Thánh triều Lê, Ngàn năm tình sử… đều lỗ. Ngay cả vở nhạc kịch Tiên Nga đoạt giải nhất giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM năm 2019, được xem là tác phẩm đỉnh cao, thành công về chất lượng nghệ thuật lẫn khán giả (phục vụ khoảng 37 ngàn khán giả) nhưng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết đến giờ vẫn lỗ 2,2 tỷ đồng. Và dù có nhiều lời yêu cầu tái diễn ông vẫn không tiếp tục vì càng diễn càng lỗ.
Sân khấu cải lương mới Đại Việt ban đầu đã hướng tới mỗi năm dựng 2-3 vở. Tuy nhiên, trước tình hình ngày càng khó khăn, đặc biệt là qua trận đại dịch đã tính tới chuyển hướng. Riêng vở Chuyện tình Khau Vai của sân khấu lỗ hơn 300 triệu đồng. Vở Nàng Xê Đa lỗ khoảng 200 triệu đồng trong tổng số tiền đầu tư 700 triệu đồng.
Dòng chính kịch sẽ về đâu?
Nghệ sĩ Hoàng Yến dù biết không thể sống nếu cứ theo dòng chính kịch nhưng vì mê nên chị chấp nhận vay tiền ngân hàng để theo đuổi đam mê. Hiện chị, tác giả Minh Nguyệt, nhà thiết kế Sĩ Hoàng… và một số người nữa vẫn đang tìm kiếm để có thể duy trì một sân khấu chính kịch và tự bảo nhau sẽ kiếm tiền mà bù mỗi suất diễn. Chị nhấn mạnh nếu chúng ta không có những giải pháp thì chính kịch sẽ rất khó có đất sống, những nghệ sĩ tài năng sẽ mệt mỏi, buông xuôi. Chị mong Nhà nước có thể cho một mặt bằng hỗ trợ nghệ sĩ dựng những tác phẩm tốt. Các sân khấu sẽ cố gắng dựng vở, có một hội đồng thẩm định nếu đủ chất lượng sẽ cho vào rạp biểu diễn mà chỉ tốn tiền điện nước. Chị đề nghị sân khấu của Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM cũng là địa điểm tốt. Nếu nơi đó được chọn sẽ là nơi nuôi dưỡng dòng kịch nghệ thuật, không chỉ các sân khấu mà còn có những nhóm kịch trẻ với nhiều sáng tạo.
Ông Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ: “Làm sân khấu bây giờ giống như lướt qua được khúc nào hay khúc ấy và thật sự rất nguy hiểm. Nếu chúng ta không có những đổi mới về kịch bản, diễn viên, thủ pháp dàn dựng của đạo diễn, cải thiện cơ sở vật chất cũ kỹ lạc hậu thì sân khấu sẽ chết dần chết mòn. Tôi cũng mong Nhà nước có những hỗ trợ như đặt hàng các tác phẩm chất lượng từ những đơn vị có khả năng. Có thể cho vay vốn không lãi suất để đầu tư vào sản phẩm văn hóa. Coi như sự tiếp sức thiết thực cho các sân khấu đang bươn chải trong điều kiện quá khắc nghiệt hiện nay”.
Trí Trọng