Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất và tăng cường tuyển dụng lao động để phục vụ mục tiêu sản xuất các đơn hàng trong năm.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất và tăng cường tuyển dụng lao động để phục vụ mục tiêu sản xuất các đơn hàng trong năm.
Các doanh nghiệp tăng cường tham gia phỏng vấn tại các sàn việc làm. Ảnh: L.Mai |
Nhu cầu tuyển dụng tăng cao, song việc tuyển dụng lao động gặp không ít khó khăn do thiếu hụt nguồn cung dù DN đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
* “Đỏ mắt” tìm lao động
Tại các sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức gần đây cho thấy, mặc dù các DN tham gia tuyển dụng rất đông nhưng số lao động đến tìm việc, phỏng vấn rất hạn chế. Một số DN chỉ nhận được vài bộ hồ sơ của người lao động (NLĐ) đăng ký thông tin phỏng vấn nhưng khó đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Do đều là lao động lớn tuổi và tìm các vị trí việc làm không phù hợp so với nhu cầu của các DN.
Tham gia sàn việc làm mới đây, chị Nguyễn Thị Vân, nhân viên nhân sự Công ty Rentokil Initial (chi nhánh Đồng Nai) cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng các vị trí nhân viên kinh doanh, nhân viên kỹ thuật dịch vụ kiểm soát với mức lương từ 8-12 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ phụ cấp và thưởng khác. Dù bắt đầu tuyển dụng từ đầu tháng nhưng đến nay chưa có nhiều hồ sơ ứng tuyển, đặc biệt khó tiếp cận nhất là vị trí nhân viên kỹ thuật.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tổ chức 12 phiên sàn việc làm với 322 lượt DN đăng ký tham gia, trên 2 ngàn lao động được tuyển dụng. Trung tâm đã tư vấn việc làm cho trên 40 ngàn NLĐ và giới thiệu việc làm cho trên 5,5 ngàn người. |
Trong khi đó, Công ty TNHH Sơn Hà (TP.Biên Hòa) tham gia sàn và có nhu cầu tuyển dụng 500 công nhân may, đào tạo may và lao động phổ thông với thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Công ty đưa ra chính sách ưu đãi thu nhập lao động như: phụ cấp hằng tháng 500 ngàn đồng/người, thưởng sản phẩm, tặng quà trong các dịp lễ. Song DN cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 5 bộ hồ sơ trong ngày.
Bên cạnh việc thiếu lao động do mở rộng sản xuất và việc ký kết nhiều đơn hàng mới, tại nhiều DN lượng NLĐ có tay nghề nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần cũng quá nhiều. Đây là một trong những thực trạng phổ biến hiện nay mà các DN đều gặp phải. Do đó, nhiều DN dệt may, giày da đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để thu hút lao động. Trong đó, quan tâm tăng lương tối thiểu vùng ngay đầu tháng 7 từ 3-6%; tăng cao hơn mức quy định để giữ chân NLĐ, tránh tình trạng lao động lành nghề nghỉ việc sớm.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Quadrille Việt Nam (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Hoa cho hay, từ sau đợt dịch đến nay, công ty giảm gần 1 ngàn lao động phổ thông ở lĩnh vực may mặc. Do đó, các xưởng đều thiếu lao động và phải hợp đồng các công ty cung ứng lao động để đảm bảo sản xuất.
“Việc tuyển dụng hiện nay là thách thức với các DN, chưa kể khi tuyển lao động trẻ thường không có xu hướng gắn bó lâu dài với DN, mức độ chín về tay nghề gần như rất ít, tiếp nữa lại hay “nhảy việc” khiến DN rất mất thời gian cho việc phải tuyển dụng và đào tạo lại” - bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.
* Tìm giải pháp thu hút lao động
Ngoài tham gia các sàn việc giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động, rất nhiều DN đã treo bảng thông báo tuyển dụng ở các khu công nghiệp. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần tuyển nhiều như: may mặc, giày da, điện tử, cơ khí, bất động sản, thực phẩm... Trong đó, lĩnh vực dệt may, giày da vẫn là ngành được các DN tuyển dụng nhiều nhất, từ 1-4 ngàn lao động.
Công ty TNHH Cibao (TP.Long Khánh) là một trong những DN đang có nhu cầu tuyển lao động phổ thông số lượng lớn với 3,2 ngàn lao động. Liên tục đăng tuyển ở nhiều kênh với các chế độ đãi ngộ nhưng vẫn khó tìm được lao động nhằm đáp ứng việc sản xuất các đơn hàng mới trong năm.
Hiện, công ty đang bố trí phòng nhân sự về các huyện trong tỉnh để tuyển dụng và nhờ các địa phương hỗ trợ việc tuyển dụng lao động nông thôn. Những lao động này vào làm việc sẽ được đào tạo nghề trực tiếp tại xưởng và hưởng mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng nếu nhận vào làm chính thức.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm cho biết, lý do thiếu hụt lao động hiện nay là sau dịch Covid-19, một bộ phận NLĐ trở về quê, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và miền Trung chưa trở lại các tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía Nam để làm việc hoặc đã tìm được việc làm mới ở quê nhà. Trong số đó, một phần e ngại cuộc sống xa quê, giá cả leo thang, nhất là NLĐ đang nuôi con nhỏ và có người thân lớn tuổi.
Cũng theo bà Trâm, do lao động tham gia sàn giao dịch việc làm đáp ứng rất ít so với nhu cầu tuyển của DN nên trung tâm đã kết nối với các tỉnh hỗ trợ tuyên truyền thông tin tuyển dụng và tư vấn cho lao động phổ thông tại các địa phương đến Đồng Nai làm việc.
Với DN và NLĐ không thể tham gia phỏng vấn trực tiếp tại sàn, trung tâm hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng, giúp NLĐ liên hệ DN nộp hồ sơ. Đồng thời, phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tư vấn việc làm cho lao động ngoài tỉnh được biết, đăng ký tham gia và kết nối phỏng vấn trực tuyến.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trung tâm đã hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tuyển dụng được 734 lao động về làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Công ty TNHH Hwaseung Vina tuyển 173 lao động, Công ty CP Taekwang Vina Industrial 408 lao động, Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam 49 lao động…
Để kết nối việc làm cho DN và NLĐ, trong 6 tháng cuối năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai dự kiến tổ chức 9 phiên sàn giao dịch việc làm, tư vấn cho hơn 2,5 ngàn lượt người. Cùng với đó, tư vấn việc làm cho khoảng 30 ngàn lượt lao động và giải quyết việc làm khoảng 2,5 ngàn lao động.
Ngoài ra, tiếp tục kết nối lao động với các tỉnh trung tâm đã ký kết hợp tác như: Đồng Tháp, Ninh Thuận, An Giang, Đắk Lắk, Gia Lai để phối hợp trao đổi thông tin tuyển dụng, cung cấp nguồn lao động, cân bằng cung - cầu lao động về số lượng lẫn chất lượng, nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm trong vùng.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai TRẦN THỊ THÙY TRÂM: Nhu cầu tuyển dụng sẽ còn tăng trong thời gian tới
Từ cuối năm 2021 đến nay, các DN đã khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của đại dịch nên đang tăng cường tuyển dụng để phục vụ nhu cầu sản xuất. Dù nhu cầu tuyển dụng rất nhiều nhưng tỷ lệ lao động tham gia sàn giao dịch việc làm còn hạn chế. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2022, nhu cầu tuyển dụng các DN tiếp tục tăng để phục vụ sản xuất hàng hóa. Trung tâm sẽ nỗ lực kết nối lao động bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất là chính sách tiền lương, bảo hiểm và các phúc lợi và an sinh xã hội dành cho NLĐ của các DN để thu hút lao động.
Nhân viên nhân sự Công ty TNHH Elite Long Thành (H.Long Thành) Văn Thị Hiền: Khó tìm kiếm lao động
Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng trên 2 ngàn lao động với các ưu đãi như: hỗ trợ 1 tháng tiền thuê trọ cho lao động mới, hỗ trợ xe đưa đón cùng nhiều chính sách khác, song lực lượng lao động hiện nay rất ít. Mặt khác, NLĐ nghỉ việc đông cũng khiến cho việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Hiện công ty đang liên tục tham gia các sàn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai để tuyển dụng. Đồng thời tuyển dụng trực tiếp tại cổng công ty và nhiều hình thức khác. Hy vọng từ nay đến cuối năm, thị trường lao động sẽ khởi sắc hơn, giúp các DN nhanh chóng đảm bảo nguồn lực để sản xuất ổn định.
Thảo My (ghi)
Lan Mai