Báo Đồng Nai điện tử
En

Gạn đục khơi trong sản phẩm văn hóa trên không gian mạng

08:07, 01/07/2022

So với các sản phẩm văn hóa ngoài đời thực, các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng cũng vô cùng đa dạng và phong phú, với ưu điểm là dễ dàng tiếp cận dù bạn ở bất cứ đâu, chỉ cần có internet là có thể trải nghiệm.

So với các sản phẩm văn hóa ngoài đời thực, các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng cũng vô cùng đa dạng và phong phú, với ưu điểm là dễ dàng tiếp cận dù bạn ở bất cứ đâu, chỉ cần có internet là có thể trải nghiệm.

Một số bạn trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ để phục vụ việc học tập, làm việc. Ảnh: TTXVN
Một số bạn trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ để phục vụ việc học tập, làm việc. Ảnh: TTXVN

Dù vậy, các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng cũng trong tình trạng “thượng vàng hạ cám”, về lâu dài có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, nhân cách của người tiếp nhận nên rất cần cơ chế quản lý cũng như ý thức tiếp nhận của mỗi người.

* Tiếp cận kho tri thức nhân loại

Không phải đến những năm 2020, khi mà dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát mạnh mẽ, học sinh và giáo viên mới tiếp cận kho tri thức khổng lồ trên mạng. Nhiều học sinh và giáo viên đã biết tận dụng lợi ích của “big data” (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo), liên kết không giới hạn để phục vụ cho việc học tập và giảng dạy của mình.

Chẳng hạn như em Trần Huy Bảo Trân (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, năm nay em vừa học xong lớp 12 nhưng ngay từ những ngày là học sinh THCS, em đã lên mạng tìm kiếm tài liệu phục vụ cho các buổi thuyết trình cũng như trao đổi với thầy cô. Em Bảo Trân chia sẻ: “Ngày nay, thầy cô giảng dạy theo phương pháp gợi mở vấn đề để học sinh tư duy, tìm hiểu kiến thức và trao đổi, bàn luận với bạn và thầy cô để nắm vững bài học. Do đó, em đã tự mày mò, nâng cao khả năng tìm kiếm các học liệu trên mạng để phục vụ cho việc học trên lớp của mình”.

Trong thời kỳ giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nhờ có không gian mạng mà mọi người kết nối với nhau, chia sẻ và giúp đỡ với nhau nhiều hơn - tạo ra một không gian văn hóa rất nhân văn từ thế giới ảo sang thế giới thực.

Thói quen tận dụng những ưu điểm trên mạng phục vụ cho việc học được Bảo Trân duy trì và nâng cao hơn trong những năm học THPT, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. Qua internet, ngoài kết nối với bạn bè và thầy cô để có thể trao đổi kiến thức, bài học, Bảo Trân chia sẻ em có cơ hội tìm kiếm, chọn lựa các lớp học thêm phù hợp với học lực và khả năng của mình do của thầy cô uy tín trong nước phụ trách. “Những  khóa học này có số lượng người học từ vài ngàn đến vài chục ngàn lượt là chuyện rất bình thường và hiệu quả của mỗi khóa học chỉ dành cho những thành viên có ý thức tự giác học tập tốt” - em Bảo Trân cho biết.

Thông qua những tiện ích của mạng, nhiều người không chỉ tìm đến các thông tin về việc học, việc làm mà còn tìm kiếm kiến thức, thông tin phục vụ cuộc sống, công việc. Theo đó, với vô vàn các clip dạy kỹ năng trên mạng, mỗi người đều có thể dễ dàng lựa chọn cho mình cách tiếp cận các sản phẩm văn hóa theo nhu cầu một cách miễn phí hoặc thu phí bằng phương thức đơn giản là thanh toán không dùng tiền mặt.

Chẳng hạn, nói tới sản phẩm văn hóa trên không gian mạng, không thể bỏ qua các sản phẩm giải trí vốn vô cùng phong phú. Từ đọc sách, nghe nhạc, xem phim… “mới ra lò”, chỉ cần một cú nhấp chuột, một cái lướt tay trên điện thoại, mỗi người dù ở bất kỳ đâu, đều có thể bình đẳng tiếp cận trong thời gian nhanh nhất các sản phẩm đó. 

Tận dụng lợi thế kết nối của không gian mạng, nhiều người mở rộng cơ hội tiếp cận các sản phẩm văn hóa ngoài đời thực. Những thông tin về triển lãm, du lịch, cũng như các sự kiện văn hóa… đều được thông tin phổ biến trên mạng xã hội, báo trực tuyến, website của các đơn vị… từ đó mỗi người có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các sản phẩm văn hóa ngoài đời thực.

Tiêu biểu như MV siêu phẩm Alone pt.II của Alan Walker và ca sĩ Ava Max với phần lớn cảnh quay hoành tráng, đặc sắc ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và hang Sơn Đoòng đã góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Sau 2 năm ra mắt, MV này đã có 257 triệu lượt xem trên Youtube.

* Góc khuất với những mảng tối

Trong một lần đưa con đi nhà sách ở một trung tâm mua sắm lớn ở TP.Biên Hòa, anh T. (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) khá hốt hoảng khi con trai 5 tuổi của anh cầm trên tay hộp đồ chơi với bao bì in hình một nhân vật kỳ quái, tay cầm dao đang rỉ máu và nằn nặc đòi anh mua cho để chơi với lý do: “Con biết con này. Nó đang xắn… Bạn con cũng chơi”.

Thắc mắc vì trong gia đình không ai biết và truyền tải thông tin về hình ảnh “kinh dị” như vậy cho con, khi hỏi cặn kẽ con thì anh mới hay nhiều bạn trên lớp mầm non của con biết nhân vật này và các bé rất thích.

Qua tìm hiểu, anh biết được các nhân vật với hình thù kỳ quái, trên mặt không có mắt, mũi, miệng mà là các hình học như: hình vuông, hình tròn, hình tam giác, với màu sắc sặc sỡ, được trang bị hung khí... là sản phẩm của bộ phim Trò chơi con mực (Squid Game) của Hàn Quốc. Do bộ phim “gây sốt” trên không gian mạng nên những nhà làm đồ chơi đã rất nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, cho ra đời nhiều sản phẩm đồ chơi như: thú nhồi bông, đồ lắp ráp, tranh vẽ, đồ chơi điều khiển… có hình dạng là các nhân vật này.

Một sản phẩm đồ chơi có nhân vật mang tính bạo lực được trẻ em yêu thích, lấy ý tưởng từ game Among Us, đang được bán tại một nhà sách lớn ở TP.Biên Hòa
Một sản phẩm đồ chơi có nhân vật mang tính bạo lực được trẻ em yêu thích, lấy ý tưởng từ game Among Us, đang được bán tại một nhà sách lớn ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Viên

Bộ phim Trò chơi con mực ra mắt vào cuối năm 2021, tràn ngập các phân cảnh bạo lực, giết chóc với xác người và máu me ghê rợn. Đây là bộ phim có lượt xem lên đến hàng trăm triệu lượt, là một trong những bộ phim có lượt xem cao nhất lịch sử của Netflix. Dù có gắn mác 18+ nhưng bằng cách này hay cách khác, nhiều trẻ vẫn tiếp cận được với bộ phim, cũng như các sản phẩm văn hóa bạo lực ghê rợn của bộ phim, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tinh thần của giới trẻ nói riêng và người xem nói chung. 

Thực tế, Trò chơi con mực chỉ là một lát cắt, là đại diện tiêu biểu, mới mẻ của các sản phẩm văn hóa tiêu cực trên không gian mạng. Còn rất nhiều bộ phim, clip âm nhạc, tranh ảnh, truyện đọc... có nội dung mang xu hướng lệch lạc, bạo lực, đồi trụy… tràn lan trên không gian mạng mà bất cứ ai, bất kỳ độ tuổi nào cũng dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm nó.

Một số trò chơi trực tuyến, các ứng dụng kết bạn, các room/ group chat (phòng, nhóm trò chuyện - NV) được lập ra không đơn thuần là mục đích giải trí mà nguy hại hơn là cổ súy bạo lực, khai thác tính dục… Đây là những sản phẩm văn hóa xấu, độc nhưng thu hút rất đông người, nhất là giới trẻ tham gia, bỏ rất nhiều thời gian để chơi, trải nghiệm và một số dẫn đến “nghiện game”, “nghiện sex”, “nghiện mạng xã hội”.

Đó là chưa kể đến các sản phẩm văn hóa mang tính chất phản động, chống phá chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước được “cài”, “cắm” nội dung phản động trong các clip, các status nói về “bài học nhân sinh quan”, các buổi livestream (phát, trò chuyện trực tiếp - NV) của một số cá nhân, tổ chức trên không gian mạng.

Không gian mạng vốn là thế giới ảo nhưng những ảnh hưởng của nó với đời sống con người là có thật. Do đó, ngoài vai trò quản lý nghiêm của cơ quan nhà nước, rất cần sự tỉnh táo, ý thức gạn đục khơi trong của người tiếp nhận.

Lâm Viên


Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh: Tạo hứng khởi để học sinh tìm hiểu văn học Việt Nam

Trong nhà trường phổ thông, mỗi thầy cô giáo ngoài việc dạy học chương trình chính khóa, hãy là một sứ giả, hướng dẫn và giới thiệu các tác phẩm hay cho học sinh của mình. Bên cạnh đó, nhà trường có thể tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như: Ngày hội đọc tác phẩm Việt Nam, thi thuyết trình tác phẩm văn học Việt Nam… để thu hút học sinh. Ngoài xã hội, các nhà xuất bản cần có thêm những hoạt động giới thiệu sách, hướng đến nhu cầu và thị hiếu của giới trẻ. Hơn nữa, cần có sự giao lưu, gắn hết giữa văn hóa đọc với các loại hình nghệ thuật khác để tạo sức hút, ví dụ như thực hiện các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam…

Anh Nguyễn Thiện Bình, Bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc: Tăng cường giáo dục lý tưởng, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi

Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội, bám sát nhu cầu của thanh thiếu nhi, Huyện đoàn và các cơ sở đoàn đã tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên địa bàn, thông qua các hoạt động như: duy trì các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, tổ chức cho thanh thiếu nhi tham gia các hoạt động về nguồn, thăm bảo tàng, các “địa chỉ đỏ”, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tổ chức các sân chơi, hội thi văn hóa văn nghệ…

Hiện Huyện đoàn và 100% đoàn cơ sở xã, thị trấn khối trường học đều có trang facebook nhằm kịp thời chuyển tải các thông tin bổ ích đến với thanh thiếu nhi cũng như đấu tranh với các quan điểm sai trái trên không gian mạng…

Anh Vũ Minh Đức, sinh viên Trường đại học Đồng Nai: Cần có những sản phẩm văn hóa đặc sắc

Giới trẻ hiện nay rất yêu thích phim truyền hình, âm nhạc Hàn Quốc, những bộ phim cổ trang Trung Quốc, phim bom tấn Hollywood… Trong khi điện ảnh, âm nhạc Việt lại ít có tác phẩm, nghệ sĩ nổi tiếng tầm khu vực và quốc tế. Do đó nên đầu tư những dự án nghệ thuật, phim ảnh mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc, có sức hấp dẫn không chỉ khán giả trong nước mà cả quốc tế.

Thảo Nguyên (ghi)


 

Tin xem nhiều