Đó là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Hành trình mang đậm ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ và tự hào này lần lượt đi qua các tỉnh, thành Bến Tre, Long An, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế.
Đó là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Hành trình mang đậm ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ và tự hào này lần lượt đi qua các tỉnh, thành Bến Tre, Long An, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế.
Ông Lê Ngọc Sự cùng con gái Lê Kim Ngân (quê H.Cần Giuộc, tỉnh Long An) đến xem triển lãm Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - cuộc đời và sự nghiệp tại Bảo tàng TP.HCM ngày 11-6. Ảnh: L.V |
Tại TP.HCM, hành trình này chính là triển lãm Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - cuộc đời và sự nghiệp, do UBND TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức từ ngày 7 đến 17-6 tại Bảo tàng TP.HCM.
* Nguyễn Đình Chiểu - một tấm gương sáng
Không phải ngẫu nhiên mà chương trình Hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu lần lượt đi qua các tỉnh, thành Bến Tre, Long An, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế. Đây là những nơi để lại các dấu ấn quan trọng trong cuộc đời - sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, người thầy giáo đặc biệt, người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, một nhà thơ lớn tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX của dân tộc.
|
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1-7-1822 tại quê mẹ là làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là TP.HCM. Được sinh ra ở miền Nam nhưng quê cha đất tổ của ông là ở làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây cũng là nơi ghi dấu bước chân của ông trong khoảng thời gian ông sinh sống, học tập. Còn Long An quê vợ, cũng là nơi ông gắn bó, dạy học, sáng tác thơ văn, mà tiêu biểu là tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, do không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi về huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để tiếp tục dạy học, bốc thuốc và sáng tác nhiều áng thơ văn bi tráng nhất cho đến cuối cuộc đời vào năm 1888.
Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương tiêu biểu của nghị lực và tinh thần vượt lên khó khăn để theo đuổi học tập và cống hiến đến suốt đời. Ông xuất thân trong gia đình nhà Nho nghèo, ngay từ thuở nhỏ, ông đã phải trải qua những biến cố lớn: ông ra Huế học, chờ khoa thi, lúc sắp thi thì nhận được tin mẹ mất nên ông bỏ thi về Nam chịu tang. Trên đường về, vì khóc nhớ thương mẹ, ông lâm vào cảnh mù lòa, công danh dang dở, hôn thê bội ước. Dù vậy, ông vẫn không nản chí, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học, làm thuốc giúp người dân nghèo và sáng tác thơ văn.
Cũng như nhiều người đến tham quan triển lãm, ông Lê Ngọc Sự cùng con gái Lê Kim Ngân (sinh viên năm 4, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) đến xem triển lãm xuất phát từ tấm lòng kính trọng và mến mộ cụ Đồ Chiểu.
Trầm ngâm rất lâu bên những hình ảnh được trưng bày, ông Lê Ngọc Sự chia sẻ: “Quê tôi ở H.Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nhân dịp tôi lên thăm con gái đang học tại TP.HCM, hai cha con đến xem triển lãm để hiểu biết hơn về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Đồ Chiểu. Tôi rất tự hào vì vùng đất Cần Giuộc mà tôi đang sinh sống – một thời là nơi gắn bó, để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời - sự nghiệp của cụ Đồ Chiểu - một danh nhân văn hóa lớn”.
* Một con người khí tiết, sắc son, nghĩa khí
Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với một giai đoạn bi tráng của lịch sử dân tộc, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng một số tác phẩm: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều Y thuật vấn đáp, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…
Tranh vẽ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ, bà Sương Nguyệt Anh ghi chép của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh năm 1973. Ảnh: L.V |
Các tác phẩm văn chương của ông, mà tiêu biểu là truyện thơ chữ nôm Lục Vân Tiên chứa đựng ý nghĩa về đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng đều tìm thấy sự đồng điệu, ngưỡng mộ các nhân vật trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Vẻ đẹp nhân cách của các nhân vật, nổi bật hơn cả là Lục Vân Tiên “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”, “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”… đã đi vào tâm thức của người dân nhiều thế hệ một cách bình dị mà cũng rất sâu lắng.
Một số bản in tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được trưng bày tại triển lãm |
Trong những áng văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, thấm đẫm trong từ câu chữ là tinh thần yêu nước nồng nàn, cháy bỏng. Sống trong cảnh nước mất nhà tang, dù đôi mắt không sáng tỏ nhưng trái tim ông vẫn luôn đau đáu, xót xa với cảnh “Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” (Chạy giặc). Nguyễn Đình Chiểu đã dùng ngòi bút sắc bén của mình, thể hiện ý chí chiến đấu quyết liệt, mạnh mẽ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” với những vần thơ sục sôi, căm hờn, giàu nghĩa khí: “Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có… Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó...” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).
Triển lãm Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - cuộc đời và sự nghiệp trưng bày 95 hình ảnh và tư liệu theo 4 nội dung chính: Quê hương, gia đình; Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu; Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Đình Chiểu sống mãi. |
Lâm Viên