Nhiều năm về trước, khi hội đua thuyền vẫn còn duy trì thường xuyên, làng Bến Gỗ (nay là KP.2, P.An Hòa, TP.Biên Hòa) có đến 5 đội, thường đua trên vàm Bến Gỗ.
Nhiều năm về trước, khi hội đua thuyền vẫn còn duy trì thường xuyên, làng Bến Gỗ (nay là KP.2, P.An Hòa, TP.Biên Hòa) có đến 5 đội, thường đua trên vàm Bến Gỗ. Đó là các đội xóm Vườn (An Hòa 1), xóm Chùa Lầu (An Hòa 2), xóm Câu (An Hòa 3), xóm Chài (An Hòa 4) và xóm Cầu Ván (An Hòa 5). Hội đua được tổ chức thường xuyên nên những người yêu thích nét văn hóa này có cơ hội tập luyện, thi tài, người dân cũng được sống trong bầu không khí lễ hội, thắt chặt tình đoàn kết. Mấy năm trở lại đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các lễ hội đua thuyền không còn được tổ chức, người biết chơi cũng ít dần. Hiện P.An Hòa chỉ có 2 đội là An Hòa 2 và đội Trẻ An Hòa vẫn duy trì luyện tập và tham gia một số giải đấu.
Lễ hội đua thuyền trên sông Đồng Nai |
Nhìn chiếc thuyền đua được chất lên cao trên bờ, lỉnh kỉnh đồ đạc, ông Nguyễn Văn Điệp (Hai Điệp) cho biết, nay đã ngoài 70, sức khỏe không cho phép nhưng thỉnh thoảng ông vẫn được giữ vai trò dẫn các đội trẻ đi tham dự các giải đấu ngoại tỉnh để đỡ nhớ không khí của hội đua thuyền. Anh Nguyễn Minh Tròn, con trai ông Hai Điệp cũng theo chân cha tham gia các giải đua lớn. “Sinh ra ở xóm chài lưới, lớn lên cùng với sông nước nên hầu như những thanh niên trong xóm ai cũng biết bơi và thích đua thuyền. Để tham gia các giải đua lớn, anh em dành thời gian luyện tập, cùng góp kinh phí mua sắm dụng cụ, trang phục thi đấu với mong muốn duy trì truyền thống cha ông” - anh Tròn kể.
“Ngày diễn ra lễ hội đua thuyền vui lắm! Cả làng, cả xóm nhà nào cũng đóng cửa cài then lên Sông Phố cổ vũ tinh thần cho đội nhà. Thi đấu xong, tất cả về lại liên hoan tưng bừng lắm!” - anh NGUYỄN MINH TRÒN kể. |
Theo anh Tròn, những người tham gia đội ghe cũng dành rất nhiều tâm huyết. Họ tự sơn phết, trang trí ghe đua tỉ mỉ, toát lên được vẻ đẹp mạnh mẽ, kiên cường. Các loại dầm (mái chèo) được tính toán đặt thợ làm theo ý tưởng của cả đội và cũng là yếu tố quan trọng góp vào thành công của chặng đua. Ngoài đều tay, lực khỏe thì tinh thần đoàn kết của các thành viên vô cùng quan trọng, bởi chỉ cần một người trật nhịp là tốc độ chậm lại. Do đó, quãng thời gian cùng tập luyện thi đấu không chỉ tạo được không khí vui tươi mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm. Anh Tròn cũng như nhiều người dân mong lễ hội đua thuyền tiếp tục được duy trì để có thể gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của vùng đất mang đặc trưng sông nước Nam bộ.
Cũng có đội đua thuyền mạnh, có sức cạnh tranh với các đội P.An Hòa là đội đua thuyền của xã Long Hưng (TP.Biên Hòa). Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây đội đua không có cơ hội tranh tài, người dân trong xã cũng không có dịp được dõi mắt theo những chiếc ghe đua. Chị Phạm Thị Phương Oanh (xã Long Hưng) kể, cách đây mấy năm, cứ dịp Tết Nguyên đán, đội đua của xã tham gia đua thuyền trên sông Đồng Nai đoạn gần cầu Hóa An là người dân trong xã lại nô nức đi cổ vũ, người lớn, trẻ con ai cũng hào hứng. Mong rằng lễ hội đua thuyền truyền thống tiếp tục được duy trì vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc để có thêm không gian văn hóa, tạo không khí tươi vui, phấn khởi.
Qua thời gian, các giải đua thuyền trên sông Đồng Nai đã có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Hiện Long Hưng còn duy trì 2 đội đua tranh tài vào các ngày lễ lớn của đất nước như 30-4, 2-9 và Tết Nguyên đán. Anh Nguyễn Hữu Hào, cán bộ Đài Truyền thanh kiêm văn hóa - thể thao, phụ trách đội thuyền xã Long Hưng cho biết, 3 năm trở lại đây các đội đua của xã không thể luyện tập, thi đấu phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần vì khó khăn khi kêu gọi xã hội hóa kinh phí để duy trì hoạt động của các đội.
Theo anh Hào, thuyền đua làm bằng gỗ, đóng mất nhiều tiền (khoảng 100 triệu đồng) và phải tìm kiếm thợ ở miền Tây nên khó khăn về chi phí. Thuyền không được sử dụng thường xuyên cũng phải mất chi phí sửa chữa. Do đó, để lễ hội đua thuyền truyền thống được duy trì, phong trào đua thuyền trong các đội đua được cổ vũ thì rất cần sự quan tâm đầu tư, xã hội hóa…
Lâm Viên - Nhật Hạ