Anh là Lê Nguyễn, Phó chủ tịch Hội, kiêm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam. Ngoài đời anh là một người rất bình dị, một chiến sĩ biển đảo tận tụy và quả cảm.
Anh là Lê Nguyễn, Phó chủ tịch Hội, kiêm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam. Ngoài đời anh là một người rất bình dị, một chiến sĩ biển đảo tận tụy và quả cảm.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn (thứ hai từ phải sang) gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Triển lãm ảnh quốc tế tại Việt Nam tháng 6-2022 |
* Ước mơ ấp ủ
Cùng có mặt trong Đoàn công tác số 7 trên con tàu KN491, NSNA Lê Nguyễn nhanh chóng trở thành một người anh của cả nhóm văn nghệ sĩ, nhà báo chúng tôi với “bề dày kinh nghiệm” đến quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1… lần thứ 7. Đoàn công tác nhanh chóng gắn kết với nhau như đồng đội, như anh em một nhà. Khi đó chúng tôi mới biết lý do NSNA Lê Nguyễn đi Trường Sa nhiều lần như thế, đó là để thực hiện 2 tập sách ảnh về biển, đảo và nhà giàn mà anh ấp ủ nhiều năm qua.
Quá trình tác nghiệp của người NSNA gian nan, vất vả không kém gì cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nên Lê Nguyễn quý từng khoảnh khắc, thậm chí từng tia nắng, từng con sóng quanh mình giúp anh sáng tạo nên tác phẩm ưng ý. |
Sinh năm 1961, quê quán tại Cà Mau, có lẽ Lê Nguyễn sinh ra là để chụp ảnh khi cầm máy ảnh kiếm sống từ năm 18 tuổi. Anh có 10 năm làm Tổng biên tập Báo ảnh Đất Mũi, là một nhà báo kỳ cựu và là một NSNA xuất sắc với danh hiệu E.VAPA/G (Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc của Việt Nam) và E.FIAP (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc của Liên đoàn NSNA quốc tế). Năm 2021, nhà báo Lê Nguyễn nghỉ hưu và trở lại với việc cầm máy ảnh, với những chuyến đi vốn là niềm hạnh phúc lớn của anh. Dù đã kinh qua nhiều trọng trách nhưng Lê Nguyễn luôn giữ phong cách Nam bộ ở mọi nơi, mọi chỗ. Anh chủ động, tận tình chia sẻ kinh nghiệm đi biển với chúng tôi; hướng dẫn cách chụp ảnh và sẵn sàng chụp ảnh “phục vụ” cho mọi người; không ngại quỳ xuống để chụp được một tấm ảnh ưng ý…
Trong bối cảnh nhiều cuộc thi ảnh về chủ đề biển, đảo được phát động và trao giải, nhiều tác giả ra mắt sách ảnh về Trường Sa sau những chuyến đi, NSNA Lê Nguyễn vẫn hết sức cẩn trọng và tỉ mỉ chuẩn bị. Nói về điều này, nhà báo Nguyễn Trung Trực - Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh chiến sĩ (người vừa nhận giải nhất cuộc thi ảnh Thiêng liêng cờ Tổ quốc) lý giải: “NSNA Lê Nguyễn là một người nghệ sĩ thực thụ trong việc sáng tác ảnh nghệ thuật, nhưng là một nhà báo, anh rất cầu toàn, gương mẫu. Nên tôi nghĩ anh Lê Nguyễn sẽ theo đuổi đến cùng ý tưởng nghệ thuật của mình”.
* Đi biển đảo là về nhà
Thể hiện tinh thần “về nhà” là điều mà Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang - Phó tư lệnh Hải quân, Trưởng đoàn công tác - luôn nhắc chúng tôi cũng như tất cả các chiến sĩ trên đảo. Và điều đó hoàn toàn đúng với NSNA Lê Nguyễn. Anh hòa nhập vào cuộc sống của người lính biển đảo; đến những nơi chốn đã từng đến chụp ảnh để quan sát sự đổi thay; và tìm những điều mới mẻ bằng một tình yêu và sự gắn bó chân thành. Không chỉ là người bạn quen thân của những chiến sĩ hải quân, anh còn là bạn của hàng cây phong ba, của từng gốc bàng vuông, của những cột cờ, gờ đá, những ngọn hải đăng… trên từng hòn đảo nhỏ. Ngồi quây quần với các chiến sĩ giữa hòn đảo An Bang xinh đẹp, Lê Nguyễn đã nghẹn ngào chia sẻ với chúng tôi: “Trong 7 lần được đi quần đảo Trường Sa, đây là lần thứ ba tôi có cơ hội thăm đảo An Bang. Nhưng là lần đầu tiên lên được đảo này một cách thuận lợi…”.
Lên đảo. Ảnh: Lê Nguyễn |
Chia tay đoàn công tác về với cuộc sống hằng ngày, NSNA Lê Nguyễn tiếp tục đi, chụp ảnh và làm nhiệm vụ của mình tại Hội NSNA Việt Nam. Song anh và nhóm các nhà báo, văn nghệ sĩ của Đoàn công tác số 7 vẫn giữ mối liên lạc thân thiết với nhau. Anh chia sẻ: “Cuộc sống trên đảo khó khăn, khắc nghiệt là vậy, nhưng tác phẩm nghệ thuật về biển đảo thì luôn luôn đẹp. Vì trong trái tim mình, hình hài Tổ quốc luôn thiêng liêng và đẹp nhất; trái tim và khối óc người nghệ sĩ mách bảo làm sao, thì lao động nghệ thuật sẽ có kết quả tương xứng làm vậy”.
Một số tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn:
Mai Sơn