Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Tri Phương - nhân vật lịch sử được tri ân ở Biên Hòa

10:07, 09/07/2022

Danh tướng thời cận đại Nguyễn Tri Phương được tôn vinh ở Biên Hòa với đền thờ Nguyễn Tri Phương ở P.Bửu Hòa ngay gần ngã tư chợ Đồn, cầu Gành phía bên tay trái hướng Bình Dương, TP.HCM, là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Ông là một trong số những nhân vật lịch sử được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đúc tượng đồng tặng, an vị, thờ tại đền trong chương trình xã hội hóa Một giọt đồng cho danh nhân.

Danh tướng thời cận đại Nguyễn Tri Phương được tôn vinh ở Biên Hòa với đền thờ Nguyễn Tri Phương ở P.Bửu Hòa ngay gần ngã tư chợ Đồn, cầu Gành phía bên tay trái hướng Bình Dương, TP.HCM, là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Ông là một trong số những nhân vật lịch sử được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đúc tượng đồng tặng, an vị, thờ tại đền trong chương trình xã hội hóa Một giọt đồng cho danh nhân. Nguyên đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc mang tượng từ Hà Nội vào làm lễ an vị. Đền Nguyễn Tri Phương còn có tên là đền Mỹ Khánh, cố GS-TS, nhạc sĩ Trần Văn Khê khi còn sinh tiền có đến dự trong một buổi lễ trọng thể tưởng niệm danh tướng, có xây chầu (hát tuồng) và theo ông nói tại buổi lễ thì bên ngoại ông có họ hàng với Nguyễn Tri Phương.

Sinh năm Canh Thân 1800, quê ở H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, mất năm Quý Dậu 1873 với định ngữ nói về ông “Danh tướng nhịn đói, chịu đau mà chết”. Nguyên do là khi ông giữ thành Hà Nội, bị Francis Garnier (Ngạc Nhi) đem quân đánh chiếm, con trai ông là Phò mã Lâm tử trận, ông bị thương, lính Pháp cứu chữa nhưng ông khẳng khái từ chối, nói: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”, sau đó ông tuyệt thực gần 1 tháng, mất ngày 20-12-1873, thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Phò mã Lâm được đưa về an táng tại quê nhà Phong Điền.

Trong trận chiến Pháp đánh Đà Nẵng 1858, Nguyễn Tri Phương làm Quân thứ tổng thống đại thần chỉ huy chống giặc. Trước sức mạnh vũ khí của Pháp, một số đồn lũy bị phá hủy, ông bị giáng cấp nhưng vẫn lưu tại chức. Năm 1860, ông được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ, cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở Nam kỳ. Ông chỉ huy xây dựng đồn Kỳ Hòa chống giặc Pháp. Năm 1861, quân Pháp tấn công, ông chỉ huy chống cự quyết liệt, bị thương, em ông là Nguyễn Duy tử trận; Gia Định thất thủ, ông lại bị cách chức xuống làm Tham tri, năm sau được phong hàm Binh bộ Thượng thư, sung Đổng quân nhung quân vụ Biên Hòa. Năm 1872 lại ra Bắc, sung chức Tuyên sát đổng sứ đại thần thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ, năm đó thành Hà Nội thất thủ như nói ở trên.

Khi ông mất, vua Tự Đức có làm bài văn tế khóc 3 vị công thần. Danh tướng đồng thời Ông Ích Khiêm có câu đối điếu ông, câu 2 là “Khiêm bất dự tướng công đồng tuẫn tiết, tự tàm vũ trụ cầu du sanh”, nghĩa là, “Khiêm đây không cùng tướng quân tuẫn tiết, tự thẹn sống thừa trong vũ trụ”.

Danh nhân, Thám hoa Vũ Phạm Hàm có câu đối thờ ông ở đền Trung Liệt, câu hữu: Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa; nghĩa là, Vẫn thành quách, vẫn giang sơn, trăm trận xông pha còn đất đỏ.

Là một danh tướng, ít làm văn thơ nhưng khi Phan Thanh Giản vào Nam nhậm chức Kinh lược sứ Nam kỳ, ông có làm bài thơ tặng:

Ven ngàn góc bể dặm chơi vơi

Vui tỏ phân nhau một bước đời

Cá lại Long giang hai ngả nước

Nhạn về du hợp một phương trời

Nửa hồ cố cựu trông lai láng

Cạn chén tư hương gió lộng khơi

Hãy kịp Trường An quay trở lại

Thăm người viếng cảnh hỡi người ơi!

Trong những ngày này, dự án mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Tri Phương từ cầu Rạch Cát, P.Hiệp Hòa, qua cầu Gành đến P.Bửu Hòa, điểm giao đường Nguyễn Ái Quốc ở cầu Hang đang được thực hiện, ngang qua đền Nguyễn Tri Phương. Danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng hai người ruột thịt, em là Nguyễn Duy và con là Phò mã Lâm tử trận, được người dân cả nước, trong đó có Biên Hòa - Đồng Nai kính trọng, tri ân và thờ tự. Hoàn thành dự án này, quần thể du lịch văn hóa, lịch sử đền Nguyễn Hữu  Cảnh, Nguyễn Tri Phương, chùa Ông,  Đại  Giác, Thanh Long… trong  chu vi vài trăm mét dễ kết nối hơn.      

Trung Phi

Tin xem nhiều