Trong một buổi nói chuyện với các học viên đang theo học diễn xuất gần đây, NSƯT Thành Lộc đã chia sẻ nhiều câu chuyện, kinh nghiệm thật quý báu để người trẻ hiểu thêm về khả năng sáng tạo của người diễn viên.
Trong một buổi nói chuyện với các học viên đang theo học diễn xuất gần đây, NSƯT Thành Lộc đã chia sẻ nhiều câu chuyện, kinh nghiệm thật quý báu để người trẻ hiểu thêm về khả năng sáng tạo của người diễn viên.
NSƯT Thành Lộc trong vở Người lạ người thương rồi người dưng. Ảnh: Trí Trọng |
* Nghệ thuật chỉ có hay hoặc dở
NSƯT Thành Lộc chia sẻ có một thời người ta hay nói về “thuần phong cách” trong dàn dựng vở diễn và khi ai làm khác điều đó sẽ bị lên án. Anh cho biết có một lần anh nghe NSND Dương Ngọc Đức kể về việc tham gia liên hoan sân khấu được tổ chức tại Ba Lan và xem một vở diễn có cách xử lý quá khác biệt so với những quan niệm thời ấy. Trong vở có hình ảnh một con chim thật bị nhốt trong lồng như thể hiện thân phận của nhân vật nữ chính. Và cảnh cuối, người đàn ông tiêu diệt con chim một cách trực diện trên sân khấu đã gây náo loạn trong khán phòng.
Lúc đó, ngay lập tức người ta chia ra “2 phe”. Một bên lên án gay gắt. Một bên ca ngợi cái kết gây ấn tượng mạnh về sự đoạn tuyệt với quá khứ, chặt đứt sự cũ kỹ, lên án lề thói cũ.
NSƯT Thành Lộc cho biết sau khi nghe ông Dương Ngọc Đức nói chuyện từ đó đầu anh mở ra hẳn. “Tôi cho rằng người biết thể hiện một vở diễn thuần phong cách mà vẫn hay là quá giỏi, nhưng bản thân tôi thích sự đa phong cách. Nghệ thuật không có chuyện đúng - sai, chỉ có hay hoặc dở. Vì vậy tôi khuyến khích các bạn dùng bất cứ phương tiện, vũ khí nào cũng được, miễn đạt hiệu quả đến người xem, tạo ra một tác phẩm hay” - NSƯT Thành Lộc nói.
Trong Bí mật vườn Lệ Chi, anh cũng gần như đi vào phong cách cổ điển thuần chất. Nhưng cách anh sử dụng dàn đồng ca là phá cách. Cách anh sử dụng trang phục màu đen cũng là ẩn ý cho một thời kỳ đen tối mặc dù vua chúa sẽ không mặc như vậy. Và như vậy, sự sáng tạo có thể phá bỏ những giới hạn và quan niệm cứng nhắc. Như Bí mật vườn Lệ Chi, với những suy nghĩ táo bạo của đạo diễn Thành Lộc đã trở thành vở diễn gây dấu ấn ở sân khấu Idecaf.
Gần đây, với vở nhạc kịch Tiên Nga, khi Thành Lộc có sự thay đổi, nhấn mạnh nhân vật Kim Liên so với những bản dựng trước đây đã thổi luồng gió mới vào tác phẩm, khiến nhân vật rất phụ trước đó tạo được cảm xúc mạnh mẽ với người xem bên cạnh hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
* Đạo diễn - diễn viên: Hai vai trò bổ sung cho nhau
NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng khi làm việc với Thành Lộc, anh đỡ cực hơn rất nhiều vì Thành Lộc không chỉ là diễn viên giỏi mà còn có “cái đầu” đạo diễn.
Thành Lộc tâm sự, anh thích làm diễn viên, thích “tung hoành” trên sân khấu hơn nhưng vì cái tánh ham học hỏi, tò mò thích tìm hiểu những điều liên quan đến nghề nên định mệnh đã khiến anh trở thành đạo diễn của rất nhiều vở thành công.
Việc trở thành diễn viên giỏi không hề đơn giản khi bạn không chịu khó quan sát cuộc sống, không có ý thức tìm tòi, khám phá, học hỏi nhiều lĩnh vực để bổ sung kiến thức và đa dạng khả năng khi bước lên sàn diễn. |
Từ hồi còn học ở Trường nghệ thuật Sân khấu 2, hễ thầy dựng vở, dù chưa đến cảnh của mình anh cũng chạy vào xem. Việc chịu khó xem nhân vật khác trong vở cũng là cách để anh nhìn được tổng thể câu chuyện và từ đó xây dựng nhân vật của mình một cách hợp lý. Khi các đàn anh trong trường làm bài thi đạo diễn, anh cũng vào xem đến cuối và ngồi nghe thầy cô nhận xét, phân tích. Cứ vậy, Thành Lộc tự nhiên phát triển cả hai khả năng, diễn xuất và đạo diễn.
Thành Lộc tiết lộ anh thường đọc kịch bản rất lâu, cứ đọc 2-3 câu lại bỏ xuống để mường tượng nhân vật sẽ nói như thế nào và hành động ra sao. Anh nói, ở nhà cầm kịch bản đọc hoài cũng không thuộc nhưng khi làm việc chung với mọi người sẽ khác. Anh nhấn mạnh sự quan trọng của giai đoạn tập dượt trên sàn. Thích nhất khi mọi người cùng ngồi lại đọc kịch bản, đọc tới đâu, đạo diễn, diễn viên cùng phân tích và như vậy khi lên sàn tập vỡ hoang hành động nhân vật rất tốt.
Với anh tập tuồng là cách thuộc thoại nhanh nhất. tập nhiều lần chắc chắn phải thuộc và không thể lẫn lộn tình huống này với tình huống kia.
Những chia sẻ của Thành Lộc buộc người ta phải suy nghĩ khi những điều cơ bản của quá trình làm nghề, quá trình hình thành một tác phẩm đâu đó đang bị bỏ qua vì nhiều lý do. Thời gian tập tuồng ngày càng bị rút ngắn, kịch bản sơ sài. Và như Thành Lộc chia sẻ, có người chỉ cầm những trang kịch bản có dính tới nhân vật của mình nên sự kết nối với các nhân vật khác, với toàn bộ câu chuyện cứ lỏng lẻo và nhân vật trở nên mờ nhạt.
Với Thành Lộc, công tác diễn xuất và đạo diễn hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên nhân vật, vở diễn hay. Đạo diễn biết diễn xuất sẽ có những gợi ý đúng đắn cho diễn viên. Diễn viên chịu khó tìm hiểu công tác đạo diễn thì khi đạo diễn nói 1 mình có thể hiểu 10, có thể tìm những cách thể hiện cho nhân vật của mình sống động hơn hoặc có thể hỗ trợ đạo diễn trong dàn dựng, gợi ý khi họ bị “tắc” ở vấn đề nào đó.
Một vở diễn thành công cần đến nhiều khâu sáng tạo nhưng tựu chung có 3 khâu chính: kịch bản - đạo diễn - diễn viên. Như vậy, diễn viên có thể xem là khâu cuối cùng và rất quan trọng để truyền tải thông điệp, cảm xúc vở diễn đến người xem. Nếu diễn viên không đủ ý thức đúng đắn về quá trình làm nghệ thuật, chỉ phiên phiến, hời hợt thì sẽ góp phần phá hỏng tác phẩm. Và cần lắm những bạn trẻ đang muốn tìm đến sàn diễn, hãy dành thời gian xứng đáng để học tập, chuẩn bị những hành trang thật tốt khi hóa thân vào nhân vật, nỗ lực hết mình để từng lớp diễn của mình có thể quyến rũ được người xem...
Linh Đoan