Báo Đồng Nai điện tử
En

Tản mạn văn hóa sông nước Biên Hòa

09:07, 09/07/2022

Quy hoạch tổng thể phát triển Biên Hòa dựa theo sông Đồng Nai đoạn chảy qua Biên Hòa (trước đây có tên là Kính Hồ, Phước Long Giang, Sông Phố…) nay được cụ thể hóa bằng 3 dự án: tuyến đường ven sông Đồng Nai trên địa bàn TP.Biên Hòa ...

Quy hoạch tổng thể phát triển Biên Hòa dựa theo sông Đồng Nai đoạn chảy qua Biên Hòa (trước đây có tên là Kính Hồ, Phước Long Giang, Sông Phố…) nay được cụ thể hóa bằng 3 dự án: tuyến đường ven sông Đồng Nai trên địa bàn TP.Biên Hòa (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu), đường ven sông Cái; dự án nối đường Võ Thị Sáu - Đặng Văn Trơn (P.Hiệp Hòa), dấu ấn văn hóa sông nước Biên Hòa còn đậm nét.

Rất nhiều công trình ở Biên Hòa hướng về phía sông. Trụ sở Khối Nhà nước tỉnh là một minh chứng rõ nét nhất, trước đây có tên là Tòa Bố, Tòa Tham. Đình Tân Lân ở Biên Hòa thờ Trần Thượng Xuyên, một người Hoa trong đoàn quân Bài Mãn Phục Minh không thành, di cư xuống phía Nam, cùng với Dương Ngạn Địch, được chúa Nguyễn cho tá túc và có công mở mang vùng Trấn Biên, Mỹ Tho ( Dương Ngạn Địch) cũng vậy. Đền Nguyễn Hữu Cảnh ở P.Hiệp Hòa, đền Nguyễn Tri Phương ở P.Bửu Hòa, chùa Ông, Phụng Sơn Tự, đình Phước Lư… cũng hướng về mặt sông Đồng Nai.

Ca dao còn truyền:

Sông Đồng Nai có bao nhiêu khối nước

Chợ Bình Trước kẻ trọc người thanh

Mặc ai theo bước viễn chinh

Mặc ai bôn tẩu

Ta tín thành với quê

Sông Đồng Nai đi vào văn thơ là chuyện tất nhiên. Tác giả Bùi Thoại Tường có bài Biên Hòa phong cảnh, các tuyển tập văn thơ Biên Hòa thường in bài này, rất tiếc là không có thông tin về tiểu sử tác giả, được Bảo Định Giang tuyển in trong công trình Thơ văn yêu nước Nam bộ nửa sau thế kỷ XIX, GS Ca Văn Thỉnh giới thiệu.

Trên hòn Long Ẩn dưới truông voi

Phong cảnh Đồng Nai thú mặn mòi

Đá lập hình nghê nằm ngoái cổ

Hàng giăng sông rắn chảy theo còi

Lòng dân trung hậu danh còn tạc

Đất nước anh linh dấu hãy soi

Đồ sộ trời Nam xây cõi thọ

Non sông một thước đáng ngàn thoi (bài thơ Biên Hòa phong cảnh).

Thời hiện đại trong kháng chiến, Huỳnh Văn Nghệ cảm khái:

Đồng Nai sông nước anh hùng

Nguồn xa, xa tận núi rừng hoang vu

Lệ tiên kết đọng hồ sâu

Còn mơ cao rộng nhớ mùa gió trăng (bài thơ Sông Đồng Nai).

Biên Hòa phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, đời sống sông nước có phần nhạt dần, trên sông Đồng Nai đoạn qua Biên Hòa chỉ còn những chuyến sà lan chở cát đá ngược xuôi, ghe nông thủy sản từ miền Tây lên nhưng các hoạt động văn hóa liên quan sông nước còn lưu giữ và phát triển. Mấy năm gần đây có hội hoa đăng trên sông do chùa Ông tổ chức, hội đua thuyền trên sông Đồng Nai do ngành văn hóa - thể thao tổ chức...

Mong rằng các dự án lớn sẽ thay đổi diện mạo và chất lượng cuộc sống người dân Biên Hòa theo hướng tích cực dựa theo báu vật sông Đồng Nai. Phường cù lao Hiệp Hòa sẽ phát triển căn cứ tiềm năng vốn có, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chuyển đổi công năng, sông Đồng Nai giảm ô nhiễm đáng kể...    

   Trần Phi Châu

Tin xem nhiều