Chiếc máy bay ATR72 của Công ty bay Dịch vụ hàng không Vasco đưa chúng tôi trở lại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau 40 phút bay, Côn Đảo dần hiện lên với nhiều hòn đảo xanh rêu đầy quyến rũ nổi bật giữa màu xanh bao la của biển cả. Thời tiết bên ngoài đang là 28oC, thật lý tưởng cho những chuyến du lịch hành hương về nguồn hay khám phá vẻ đẹp của đảo ngọc.
Chiếc máy bay ATR72 của Công ty bay Dịch vụ hàng không Vasco đưa chúng tôi trở lại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau 40 phút bay, Côn Đảo dần hiện lên với nhiều hòn đảo xanh rêu đầy quyến rũ nổi bật giữa màu xanh bao la của biển cả. Thời tiết bên ngoài đang là 28oC, thật lý tưởng cho những chuyến du lịch hành hương về nguồn hay khám phá vẻ đẹp của đảo ngọc.
Đoàn CLB Truyền thống Thành đoàn TP.HCM hát trước mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu |
Tâm điểm Nghĩa trang Hàng Dương
Buổi sáng, đoàn chúng tôi nhanh chóng ra chợ lấy vòng hoa để vào Nghĩa trang Hàng Dương thực hiện nghi thức viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ. Mới hơn 9 giờ sáng nhưng đã có nhiều đoàn vào viếng và chúng tôi phải chờ 15 phút để đến lượt. Đông nhất và nổi bật nhất vẫn là đoàn CLB Truyền thống Thành đoàn TP.HCM với khoảng hơn 30 người. Trong trang phục là áo bà ba, mũ tai bèo, khăn rằn, nhiều anh chị mái tóc đã hoa râm tập trung thành hàng để tiến vào nghĩa trang. Sau khi viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu (người dân trên đảo và khách đã quen gọi với cái tên gần gũi là Cô Sáu), cùng với các em học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (H.Côn Đảo), mọi người tỏa ra đi thắp hương các ngôi mộ có tên và không tên ở xung quanh. Hương thơm nghi ngút lan tỏa trong tiếng loa phóng thanh phát ra nói về cuộc đời của nữ anh hùng, quá trình xây dựng, trùng tu Nghĩa trang Hàng Dương mang đến một không gian trang nghiêm, trầm hùng khó tả. Hôm nay các anh chị từng hoạt động trong phong trào sinh viên - học sinh của đô thành Sài Gòn và có người đã từng nếm trải những tháng ngày đấu tranh gian khổ trong ngục tù Côn Đảo đứng thành hàng vòng cung cất cao những bài hát cách mạng sổi nổi một thời.
Các em học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (H.Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thắp hương trên mộ các liệt sĩ |
Mặt trời càng lên cao thì nắng có phần gắt hơn nhưng từng tốp khách đến viếng mỗi lúc một đông, nghe qua giọng nói và cách sắm sửa lễ vật cúng Cô Sáu và các anh hùng liệt sĩ thì chúng tôi nhận biết được phần lớn khách đến từ các tỉnh phía Bắc. Ngoài trang phục quần áo bà ba, nón lá, cờ Tổ quốc, gương lược thì nhiều nhóm, đoàn khách còn mang theo cả gà, xôi…
Hiện ở Côn Đảo, những khách sạn lớn (trên dưới 20 phòng và phòng ốc đạt chuẩn 1-3 sao) đều có xe riêng đưa đón khách tham quan. |
Anh Điền, nhân viên Ban Quản lý di tích quốc gia Côn Đảo cho biết, trước đây, khách hay dồn đi lễ viếng về đêm từ 22-24 giờ nhưng gần đây, Ban Quản lý đã quy định lại giờ viếng không quá 21 giờ nên khách chủ yếu viếng vào ban ngày, tạo điều kiện quản lý, phục vụ khách được tốt hơn, đồng thời giúp tài xế xe du lịch không mất ngủ, đảm bảo an toàn khi chạy xe vào sáng hôm sau đưa khách đi tham quan. Trước đây, khách có thể mang cả túi ny-lông vào nghĩa trang nhưng nay toàn bộ phải bỏ ở ngoài, lấy khay nhựa của nghĩa trang đặt đồ cúng lên, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Và quả thật, đi thắp hương cho các ngôi mộ ở khu A và khu B tuyệt nhiên không thấy túi ny-lông vương vãi. Nhân viên của Ban Quản lý di tích luôn túc trực để hướng dẫn, giúp đỡ du khách thực hiện hóa vàng đồ cúng một cách có trật tự, sạch sẽ.
Người Côn Đảo làm du lịch
Nơi chúng tôi lưu trú là khách sạn Hoàng Sơn nằm trên đường Phạm Văn Đồng. Đây là con đường chính lớn nhất ở đảo nối chợ Côn Đảo đến Nghĩa trang Hàng Dương. So với lần trước ra đảo cách đây 3 năm, số khách sạn mọc lên nhiều hơn, xa khu trung tâm huyện đảo hơn và lẽ dĩ nhiên lại gần với Nghĩa trang Hàng Dương hơn (chỉ cách khoảng 900m). Chị chủ khách sạn tên Thảo tỏ ra khá niềm nở với khách. Gia đình sắm luôn một chiếc xe Ford 16 chỗ để đưa đón khách ở sân bay và chở đi tham quan du lịch quanh đảo. Con trai chị kiêm luôn tài xế và hướng dẫn viên.
Du khách viếng di tích cầu tàu 914, Côn Đảo |
Du lịch ở huyện đảo đang có dấu hiệu phục hồi - trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đón 264.960 lượt khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch - dịch vụ đạt 1.104 tỷ đồng.
Tranh thủ lúc ngồi trên xe của khách sạn ra sân bay, tôi hỏi chuyện bác tài xế thì được biết, ông trước lái xe khách tuyến Đà Lạt - Nha Trang nhưng công việc chạy không ổn định giờ giấc, có khi đi khuya hôm sau chạy xe rất buồn ngủ, không đảm bảo an toàn nên năm 2019 ông ra đảo. Ra đây ông được trả lương 12 triệu đồng/tháng, được bao ăn ở nên thu nhập còn nguyên. Ông hóm hỉnh: “Mỗi tháng gửi cho đội quân tóc dài (vợ) ở quê 11 triệu, chỉ giữ lại 1 triệu uống cà phê, giải khát nhưng có khi cà phê tự pha uống nên cũng không hao tiền nhiều. Ở đảo ăn ngủ có giờ giấc điều độ, lại được hít thở không khí trong lành”. Ông còn hỏi lại tôi: “Ở trên đất nước mình thì chỗ nào làm ăn được thì mình ở chứ có gì nặng nề chuyện quê hương phải không anh?”.
Trước khi rời đảo, chúng tôi may mắn làm quen được với anh Công, chủ một công ty du lịch sinh thái lớn ở đảo, chuyên tổ chức du thuyền cho khách đi tham quan, du lịch sinh thái ở các đảo và hẹn lần sau ra đảo sẽ mời chúng tôi về khách sạn Garden House của anh ở khu 2 Côn Đảo với sân vườn thoáng đãng. Trước dịch Covid-19 thì công ty đón khách Tây là chủ yếu còn từ sau khi dịch đuuợc khống chế thì khách nội địa là chủ yếu. Hôm nay, anh và nhân viên khá bận rộn lo cho khách đi đảo do nhiều ngày trước, ca nô du lịch bị cấm xuất bến do ảnh hưởng của bão.
Văn Phong