Trò chuyện với gần 5 ngàn tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại lễ tốt nghiệp mới đây, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cái nôi đào tạo giáo viên lớn nhất khu vực phía Nam đã nhắn nhủ các nhà giáo tương lai: "Hãy sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp, sáng tạo không ngừng". Bởi "Nếu không là người tử tế, liệu chúng ta có thể dạy dỗ con cái, trẻ em thành người tử tế?".
Trò chuyện với gần 5 ngàn tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại lễ tốt nghiệp mới đây, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cái nôi đào tạo giáo viên lớn nhất khu vực phía Nam đã nhắn nhủ các nhà giáo tương lai: “Hãy sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp, sáng tạo không ngừng”. Bởi “Nếu không là người tử tế, liệu chúng ta có thể dạy dỗ con cái, trẻ em thành người tử tế?”.
Sinh viên ngành Sư phạm hệ chính quy của Trường đại học Đồng Nai và niềm vui ngày tốt nghiệp, ra trường. Ảnh: Công Nghĩa |
Được là học trò với những giáo viên vừa là người tử tế, vừa có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng là điều mà phụ huynh, học sinh nào cũng mong muốn. Không ai có thể quên được những người thầy luôn tâm huyết, dành hết tình yêu thương cho học trò. Dù ở mỗi thời kỳ khác nhau, hình ảnh người thầy có những thay đổi nhưng phẩm chất, đạo đức của người thầy thì thời nào cũng cần được giữ gìn và trân trọng. Bởi đó là đặc trưng riêng không thể trộn lẫn của nghề “cao quý trong những nghề cao quý”.
Thực tế thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, làm giảm uy tín của nhà trường, gây xôn xao dư luận. Dẫu đã rất cảm thông với những áp lực, vất vả của thầy, cô nhưng khó có thể chấp nhận việc thầy đánh trò, dùng những lời lẽ lăng nhục, thóa mạ để đổ lên đầu học trò. Thậm chí, đã và đang xảy ra tình trạng thầy xâm phạm học trò, băng hoại đạo đức, tư cách người thầy.
Trước khi lựa chọn học ngành sư phạm, chắc hẳn trong mỗi thầy, cô giáo tương lai đều đã rất yêu quý những người thầy của mình. Có yêu quý, trân trọng mới lựa chọn nghề trồng người nhiều vất vả nhưng được cả xã hội trân trọng và dành nhiều tình cảm trân quý. Do đó, nếu thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thầy cô sẽ không giữ được phẩm chất của mình, biến mình trở nên xấu xí trong mắt học trò, đồng nghiệp. Mỗi thầy cô trước hết phải là người tử tế để đủ tư cách dạy được học trò, tạo được niềm tin cho phụ huynh học sinh.
Rất mừng là trong những năm trở lại đây, các trường đại học ngành sư phạm tuyển sinh đầu vào khá cao nên có cơ hội lựa chọn được nhiều học sinh giỏi. Đây cũng là cơ sở để đào tạo ra những giáo viên giỏi chuyên môn, tự tin và sáng tạo trong công tác giảng dạy. Cộng thêm việc nghiêm túc tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, chắc chắn sẽ không còn những “người thầy xấu xí”…
Minh Ngọc