Các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới không dễ dàng nên rất cần sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp (DN) và sự trợ giúp của các chính sách. Tuy nhiên, khi tham gia vào sân chơi chung, hàng hóa Việt được giới thiệu ngày càng nhiều ra thị trường thì các DN, tập đoàn lớn của thế giới cũng sẽ tìm đến để liên kết, hợp tác.
Các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới không dễ dàng nên rất cần sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp (DN) và sự trợ giúp của các chính sách. Tuy nhiên, khi tham gia vào sân chơi chung, hàng hóa Việt được giới thiệu ngày càng nhiều ra thị trường thì các DN, tập đoàn lớn của thế giới cũng sẽ tìm đến để liên kết, hợp tác.
Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác tại một hội nghị giao thương do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: V.Gia |
* Nhu cầu lớn từ đối tác nước ngoài
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM Mizushima Kozo cho hay, hiệp hội hiện có 1.038 DN hội viên, được phân chia thành 13 nhóm dựa theo ngành nghề và địa điểm sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhóm Đồng Nai có 130 hội viên.
“Từ năm 2011, khi nhận chức Chủ tịch, tôi đã đề ra khẩu hiệu “More for Vietnam” cho các hoạt động của hiệp hội. Lý do tôi đưa ra khẩu hiệu này là vì tôi tin rằng sự gắn kết, chia sẻ, hợp tác giữa 2 bên là rất quan trọng. Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Tôi rất hy vọng mối quan hệ giữa chính quyền tỉnh Đồng Nai, các sở ban ngành cũng như cộng đồng DN Việt Nam - Nhật Bản sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Sự phát triển của DN sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh” - ông Mizushima Kozo chia sẻ.
Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, bao gồm cả Khu công nghiệp do nhà đầu tư Nhật Bản phát triển. Việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ, giúp tỉnh luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với DN Nhật Bản. |
Tương tự, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai Wu Ming Ying cho biết: “Hiệp hội có thể kết hợp các cơ quan thương mại để cùng tổ chức những chương trình kết nối thương mại với hiệp hội các nước tại Việt Nam. Từ đó, tạo cơ hội thúc đẩy thương mại cùng phát triển, đưa các hạng mục, hàng hóa có sẵn của DN Đồng Nai đến với các DN khác, bao gồm về giao lưu nguồn nhân lực, kỹ thuật, sản phẩm sản xuất”.
Vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gỗ Malaysia Chua Song Fong cũng đã có chuyến thăm và làm việc với Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TP.Biên Hòa), một đơn vị cung ứng nguyên liệu gỗ lớn của Đồng Nai để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư ngành gỗ.
Theo ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Vĩnh Cửu thì Đồng Nai có tiềm năng lớn về phát triển ngành Gỗ với hơn 1 ngàn đơn vị đang sản xuất, kinh doanh. Các DN gỗ của nước ngoài cũng có mặt nhiều tại Đồng Nai và có mối quan hệ làm ăn, hợp tác với DN của tỉnh. Trong tương lai, Đồng Nai đang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ chất lượng cao của cả nước và mở rộng hợp tác, giao thương với các DN của các nước trong khu vực.
* Hỗ trợ giao thương và liên kết
Để hỗ trợ cộng đồng DN, Đồng Nai đã phối hợp để xúc tiến hợp tác giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn kết nối với DN ngành hàng công nghiệp hỗ trợ của địa phương. Một trong những điển hình tích cực thời gian qua là các hoạt động Tổ điều phối viên xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai (thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai). Đây là tổ chức được tỉnh thành lập nhằm kết nối cung - cầu giữa DN Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam với DN có vốn đầu tư trong nước.
Tham gia chương trình này từ năm 2019, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa) Trần Quý cho hay: “Việc tiếp cận với tổ điều phối viên công nghiệp là hướng đi đúng của DN. Thông qua đó, Nhật Nam có thêm thông tin và giới thiệu tiềm năng sản xuất của mình. Cùng với sự nỗ lực tìm kiếm khách hàng, công ty còn tham gia các chương trình giao lưu, kết nối khác với các hiệp hội DN: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… do địa phương tổ chức để mở rộng khách hàng. Việc này giúp cho DN mở rộng liên kết cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu”.
Văn Gia