Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu: "Để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, cần kiên nhẫn và đam mê"

08:07, 16/07/2022

35 tuổi, có 20 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ, Trường đại học Văn Lang, TP.HCM) vinh dự được đánh giá là một trong 100 nhà khoa học trẻ xuất sắc châu Á năm 2021 do Tạp chí Asian Scientist của Singapore bầu chọn.

35 tuổi, có 20 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ, Trường đại học Văn Lang, TP.HCM) vinh dự được đánh giá là một trong 100 nhà khoa học trẻ xuất sắc châu Á năm 2021 do Tạp chí Asian Scientist của Singapore bầu chọn. Trước đó, vào năm 2020, bài báo về công trình nghiên cứu Quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu đã giúp anh trở thành gương mặt trẻ duy nhất trong 3 nhà khoa học Việt Nam được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu sau nhiều năm không tìm được gương mặt trẻ nào.

TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu. Ảnh: NVCC

Từng là lưu học sinh học tập ở Nga, về nước làm việc và nghiên cứu, theo TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu, có đam mê và kiên trì, người trẻ mới có thể theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học của mình.

* Theo một nghĩa nào đó, nghiên cứu là sự dấn thân

* Thưa TS, chuyên ngành mà ông đang theo đuổi là vật lý, vì sao ông theo đuổi ngành này trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình?

- Tôi đến với môn Vật lý như là một sự lựa chọn tự nhiên. Lúc còn nhỏ, tôi thích đọc sách báo, trong đó có nhiều tạp chí khoa học ở thư viện. Dần dần những câu chuyện, những phát minh, tiểu sử của các nhà khoa học đã cuốn hút tôi, thôi thúc tôi yêu, đam mê và khám phá.

Khi học phổ thông, tôi thích môn Toán, nhưng khi đọc những quyển sách về cuộc đời Marie Curie, một vị bác sĩ kiên cường đã chiến thắng những định kiến hẹp hòi ngăn cản phụ nữ tiếp cận học vấn. Bà rất kiên cường, cố gắng vượt lên định kiến nên tôi rất khâm phục, và đó là lý do vì sao rất yêu thích Toán học nhưng khi làm hồ sơ thi đại học, tôi lại đăng ký nguyện vọng vào ngành vật lý.

TS NGUYỄN TRƯƠNG THANH HIẾU là một trong số ít sinh viên nhận được học bổng du học tại Trường đại học Tổng hợp kỹ thuật quốc gia Volgograd (Nga), lấy bằng cử nhân (năm 2009), thạc sĩ (năm 2011) và tiến sĩ Vật lý (năm 2015). Ở Nga, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu đã gặt hái cho mình nhiều thành tích trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học như: giải ba Hội nghị các nhà nghiên cứu trẻ khu vực Volgograd (2008), giải nhất Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Trường đại học Tổng hợp kỹ thuật quốc gia Volgograd (2009), giải nhất (Poster, Vật lý) Hội nghị quốc tế các nhà khoa học trẻ Lomonosov 2013.

* Vậy có phải là ông định hướng sẽ đi theo con đường nghiên cứu ngay từ khi vào giảng đường?

- Thực ra, con đường của tôi đang đi là khoa học nhưng tôi bắt đầu hoàn toàn bằng cái nhìn thực tế của tuổi trẻ chứ không phải bằng lý tưởng cao siêu hay có định hướng, mong muốn cống hiến vĩ đại gì cả.

Khi là sinh viên Khoa Vật lý Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), rời xa gia đình phải tự lập mới thấu hiểu được những nỗi khó khăn của cha mẹ đã nuôi mình khôn lớn. Vì thế mà tôi trở thành “mọt sách” trong mắt bạn bè. Cũng may nhờ vậy mà kết quả học tập của mình dù không đứng nhất nhưng cũng khá đỉnh, sau một học kỳ vinh dự nhận được học bổng đi du học tại Trường đại học Tổng hợp kỹ thuật quốc gia Volgograd, Nga. Đây là bước đường đầu tiên dẫn tôi đến với khoa học.

Sau này khi học ở Nga, được thầy hướng dẫn, tôi học xong đại học rồi dần lên tiến sĩ và về nước công tác như ngày nay. Cho đến khi về nước làm việc, thú thật tôi vẫn chưa gọi là đặt lý tưởng cao siêu gì cho mình trong làm khoa học, chỉ là công việc đến đâu làm đến đó, thích thú cái gì mình làm cái đó và khi đã giải quyết được thì có niềm vui. Từ đó lại là động lực để mình cố gắng hơn.

* Nghiên cứu khoa học là một con đường lâu dài, thậm chí gian khổ, theo TS, để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, cần phải đảm bảo điều gì, nhất là đối với những người trẻ, sự kiên trì và dấn thân có phải là yếu tố quyết định?

- Chắc chỉ là hai điều giản dị: đam mê và kiên trì. Khoa học phải bắt đầu bằng yêu thích, đam mê, không thể đến với nó bằng gượng ép vì bất cứ lý do gì. Cũng may mắn là trong gia đình, khi tôi đi theo con đường nghiên cứu khoa học không bị ai ràng buộc mà để tự do theo đuổi. Một điều nữa là công việc học tập rồi nghiên cứu của tôi cứ tuần tự mà tiến, trong khi nhiều người gặp khó khăn, không đi hết được con đường của mình.

Thực tế ngày nay, người trẻ có rất nhiều cơ hội việc làm, với khả năng của mình các bạn có thể đi làm việc tại công ty hay tổ chức nào đó và có thu nhập cao. Khác với những người làm nghiên cứu khoa học, nếu đong đếm về tiền thì rất khó để nói. Làm khoa học nhiều lúc rất cô đơn, không biết phải chia sẻ cùng ai, nhưng bù lại, dù không giàu vật chất nhưng lại giàu kiến thức, thỏa được đam mê, điều đó mới thực sự hạnh phúc.

TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu cùng nhạc sĩ Dương Thụ và khách mời, các bạn trẻ trong một chương trình đối thoại về chủ đề nghiên cứu khoa học
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu cùng nhạc sĩ Dương Thụ và khách mời, các bạn trẻ trong một chương trình đối thoại về chủ đề nghiên cứu khoa học. Ảnh: Văn Gia

* Cần có cơ chế tốt hơn cho những người nghiên cứu khoa học

* Theo TS, môi trường để các nhà khoa học của chúng ta phát huy khả năng của mình còn những mặt hạn chế gì, về cơ chế, chính sách, công nghệ, kỹ thuật hỗ trợ? Làm sao để có thể thu hút được các nhà khoa học Việt Nam trên thế giới về cống hiến cho đất nước nhiều hơn?

- Lẽ dĩ nhiên so với các quốc gia tiên tiến, điều kiện của chúng ta không bằng. Một phần vì tiềm lực hạn chế, phần khác là có những mối quan tâm thường nhật đã chiếm phần lớn tâm trí các nhà quản lý, chính quyền và ngay cả những người muốn nghiên cứu khoa học.

Việt Nam đang còn khó khăn, về cơ bản, các thiết bị phục vụ trong nghiên cứu vẫn còn hạn chế hơn so với các nước khác trên thế giới. Giới trẻ ngày nay cũng đã có nhiều thuận lợi hơn so với các thế hệ trước vì thông tin là đa dạng, các bạn có thể có khả năng tiếp cận kiến thức, các chương trình tốt hơn ngày trước.

Làm khoa học nhiều lúc rất cô đơn

Làm khoa học không biết phải chia sẻ cùng ai nên nhiều lúc rất cô đơn. Bù lại, dù không giàu vật chất nhưng lại giàu kiến thức, thỏa được đam mê, điều đó mới thực sự hạnh phúc.

Để có thể quy tụ được đội ngũ nhà khoa học đông và mạnh, ngoài sự nỗ lực của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu hay các tập đoàn, doanh nghiệp thì Nhà nước vẫn phải điều phối, cầm trịch. Nếu đặt ra một định hướng quốc gia, mục tiêu lớn về lĩnh vực nào đó rồi tập trung nguồn lực vào, tất yếu sẽ thu hút được thêm các nhà khoa học quan tâm.

* Vừa là nhà khoa học, vừa là nhà giáo, thông qua câu chuyện truyền cảm hứng của mình, TS muốn nhắn nhủ gì với giới trẻ về động lực, không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà cả việc theo đuổi đam mê ở những lĩnh vực khác?

- Như đã nói, các bạn hãy biết đam mê và theo đuổi đam mê của mình, còn lời khuyên ư? Là sinh viên các bạn cần trau dồi học lực, chuyên môn của mình trước đã. Đọc sách cũng là yếu tố giúp ta có thể tìm kiếm được đam mê của mình bởi kiến thức nhân loại là vô tận.

* Trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình, dù còn rất trẻ nhưng ông đã được cộng đồng đánh giá cao với những giải thưởng danh giá. Tiếp tục quá trình nghiên cứu, theo đuổi lĩnh vực khoa học vật lý của mình, thời gian tới ông có những dự định gì?

- Có được thành quả và được cộng đồng nghiên cứu ghi nhận là niềm vui lớn, là động lực để tôi tiếp tục cố gắng. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về tán xạ điện tử, nhưng chú trọng vào khía cạnh động lực học điện tử nhiều hơn. Tôi là nhà khoa học, là người trẻ đi du học và trở về làm việc ở quê hương, nói cống hiến thì to tát nhưng với trách nhiệm của mình, tôi mong muốn bản thêm sẽ có thêm những đóng góp ít nhiều cho sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà.

* Xin cảm ơn TS!

Văn Gia (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích