Nhiều năm gắn bó với tâm lý học đường, TS Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý học cho rằng cách dạy con của phụ huynh ngày nay có lắm trường phái... ngoại nhập. Phương pháp dạy con chưa theo kịp với tốc độ phát triển xã hội hiện thời, do vậy có thể để lại những "di chứng". Thay vì chì chiết và mệnh lệnh, các bậc cha mẹ hãy đồng cảm hơn với con mình, giáo dục con trẻ với sự bao dung và trí tuệ.
Nhiều năm gắn bó với tâm lý học đường, TS Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý học cho rằng cách dạy con của phụ huynh ngày nay có lắm trường phái... ngoại nhập. Phương pháp dạy con chưa theo kịp với tốc độ phát triển xã hội hiện thời, do vậy có thể để lại những “di chứng”. Thay vì chì chiết và mệnh lệnh, các bậc cha mẹ hãy đồng cảm hơn với con mình, giáo dục con trẻ với sự bao dung và trí tuệ.
TS tâm lý Lê Nguyên Phương. Ảnh: NVCC |
Bên cạnh đó, ngành tâm lý học tại Việt Nam dù đã có những nước phát triển nhưng còn khá sơ khai, những người làm nghề tâm lý cần thiết phải liên kết, phối hợp và hỗ trợ nhau để giải quyết những vấn đề của xã hội.
* Đồng hành với con trẻ
* Cuốn sách Dạy con trong hoang mang của TS được nhiều người quan tâm, không chỉ những người làm nghề tư vấn tâm lý mà cả các bậc phụ huynh. Đây cũng là cuốn sách đoạt giải sách hay của năm 2018. Thưa TS, vì sao lại là dạy con trong hoang mang?
- Tựa sách Dạy con trong hoang mang nói lên tâm trạng của nhiều phụ huynh khi đứng trước một rừng sách vở và lý thuyết về cách thức dạy con. Nào là dạy con theo lối Mỹ, Pháp, Nhật, Do Thái... Tâm trạng hoang mang đó một phần cũng từ thực trạng các phương pháp dạy con theo lối cũ đã không còn hiệu quả để chúng có thể thành công và hạnh phúc trong một thế giới như hiện nay.
* Động lực nào để ông quyết tâm kết nối với trong nước, trở về cống hiến cho lĩnh vực giáo dục tâm lý học đường?
TS Lê Nguyên Phương là chuyên gia tâm lý tại bang California với trên 20 năm kinh nghiệm, giảng dạy tại Đại học California State, Long Beach và Đại học Chapman cũng như tư vấn học đường cho lứa tuổi từ mầm non đến đại học. |
- Từ năm 2004, quan sát thực trạng giáo dục, đặc biệt là tâm lý học sinh, sinh viên tại Việt Nam, tôi thấy việc xây dựng ngành và nghề tâm lý học đường là cần thiết. Thế nhưng đến năm 2007, khi đọc báo thấy chuyện một em học sinh bị gửi qua cơ quan công an thẩm vấn trong nhiều giờ liền chỉ vì bị nghi ăn cắp tiền trong lớp khiến sau đó em ấy bị chấn thương tâm lý, tôi mới bắt đầu liên lạc các vị làm tâm lý trong nước và bạn bè là giáo sư các đại học Mỹ để bắt đầu hành trình vận động xây dựng ngành nghề tâm lý học đường tại Việt Nam. Điều may mắn là cuối năm 2017, Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ra đời yêu cầu mỗi trường có một chuyên viên tham vấn tâm lý và hiện nay đã có vài trường có chương trình đào tạo thạc sĩ tâm lý học đường. Cũng xem như đấy là một chặng đường.
* Khoảng cách về thế hệ, những bận rộn trong cuộc sống hình như đang dần làm đứt gãy hơn sự kết nối giữa những người trong cùng gia đình với nhau. Điều này có thể xuất hiện các hành vi lệch chuẩn, theo ông các bậc cha mẹ cần phải có những “cảnh tỉnh” gì?
- Chữ “lệch chuẩn” có thể tạo ra những nhận định không đúng về hành vi đa dạng và đặc thù của lứa tuổi vị thành niên. Nó hàm nghĩa có một thứ tiêu chuẩn nào đó, chẳng hạn “con ngoan trò giỏi”, “tiên tiến”… Quan niệm này nếu cứng nhắc sẽ cản ngăn sự thông cảm giữa các thế hệ, đặc biệt khi thế hệ cha anh từ chối trao đổi và chấp nhận các thế hệ con em. Thứ hai, có nhiều nguyên do dẫn đến việc đứt gãy sự kết nối các thành viên gia đình chứ không chỉ việc thiếu thốn thời gian. Nó có thể từ sự khác biệt nhận thức do sự khác biệt trong văn hóa, giáo dục và trải nghiệm của các thế hệ. Có lẽ điều chúng ta cần là thấy rằng sự khác biệt không nhất thiết dẫn đến mâu thuẫn và mâu thuẫn không nhất thiết dẫn đến xung đột. Muốn làm được điều này, các thế hệ cần cởi mở bao dung để đối thoại với nhau.
* Để thấu hiểu con cái, học sinh thì cha mẹ, thầy cô phải chuyển hóa mình, tức là phải đồng hành với con trẻ, khuyến khích chứ không nên đặt mục tiêu bằng những mệnh lệnh quá cứng nhắc, thưa ông?
- Bản chất mệnh lệnh thì phải cứng nhắc rồi. Và mục tiêu thì chắc chắn không đồng nhất với mệnh lệnh. Việc chuyển hóa bản thân là để chúng ta có thể tiếp cận việc giáo dục con trẻ với một tâm thế trí tuệ, bình an và bao dung. Với tâm thế đó thì chúng ta mới có thể đồng hành và trao đổi mới là những lời khuyến khích, động viên thay vì chì chiết, mắng nhiếc, lấy mệnh lệnh thay những lời chia sẻ thương yêu.
* Hạnh phúc không phải là cảm xúc nhất thời, mà là một lối sống
* Ông nhận định thế nào về việc đào tạo lực lượng chuyên gia, những người làm nghề tâm lý học ở Việt Nam hiện nay? Ngày càng có nhiều người trẻ theo đuổi lĩnh vực tâm lý học, lực lượng này có đủ tố chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu xã hội hay chưa?
- Tôi mừng vì ngày càng nhiều trường mở ngành tâm lý nói chung và tâm lý học đường nói riêng cũng như tuổi trẻ ngày càng thấy sự quan trọng của ngành này và đam mê muốn trở thành nhà tâm lý. Tuy nhiên cho đến nay, niềm vui này vẫn không trọn vẹn vì khi nhìn vào chất lượng của chương trình, giáo trình và giảng viên vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, những tay ngang tự xưng “chuyên gia tâm lý” nhảy vào “kiếm chác” khi thấy nhu cầu xã hội tăng cao cũng không ít. Tôi có thế nói là phần lớn lực lượng này chưa đủ tố chất để đáp ứng nhu cầu xã hội.
TS Lê Nguyên Phương là người đầu tiên nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của tổ chức International School Psychology Association (ISPA) năm 2011; là chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam năm 2009; tác giả bộ sách Dạy con trong hoang mang đạt giải thưởng Sách giáo dục năm 2018. Ông đã về sinh sống tại Việt Nam hơn 4 năm và có những chương trình đào tạo, tham vấn tâm lý hiệu quả trên khắp cả nước. |
* Ông có cho rằng những người làm tâm lý học nên đoàn kết lại để “chữa lành” những vấn đề mà xã hội đã và đang gặp phải?
- Ngành tâm lý học Việt Nam hiện nay, những người trong nghề đang hoạt động khá rời rạc. Mong muốn của tôi là những chuyên gia tâm lý học chân chính nên đoàn kết lại để hỗ trợ và giải quyết những vấn đề các thành viên xã hội chúng ta đang gặp phải, trong đó có việc “chữa lành” những chấn thương thế hệ.
* Về nước, sinh sống, làm việc hẳn được 4 năm. Thời gian tới, ông cùng cộng sự tiếp tục có những hoạt động gì để thúc đẩy phát triển tâm lý học đường ở Việt Nam?
- Có lẽ chúng ta cần làm những việc sau: (1) đánh giá hiệu quả của nội dung lẫn việc thực hiện Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, (2) cải thiện chương trình và nâng cao năng lực giảng viên các chương trình đào tạo tâm lý học đường, (3) vận động sự kết nối nhiều hơn nữa giữa những tổ chức tâm lý học đường quốc tế và Việt Nam, (4) vận động các chuyên viên tâm lý học tại Việt Nam tiến tới thành lập một tổ chức nghề để liên tục đào tạo và tiêu chuẩn hóa việc thực hành. Vẫn còn nhiều việc để làm.
Trò chuyện cùng những người quan tâm đến ngành tâm lý học tại một sự kiện |
* Theo ông nhìn từ góc độ cơ quan quản lý, Nhà nước, ngành Giáo dục chúng ta cần có giải pháp gì?
- Câu hỏi này quá rộng, tôi sẽ để dành một dịp khác. Có lẽ nó cần một bài phân tích và đánh giá chính sách.
* Với bản thân mình, ông đã thực hiện quá trình “chuyển hóa” ra sao? Hiện tại, ông có thấy mình là người hạnh phúc?
- Để trả lời đầy đủ câu hỏi này, không phải là ít. Tóm tắt thì như thế này, tôi trải nghiệm, chiêm nghiệm rồi chứng nghiệm để từ từ thay đổi nhận thức, hóa giải cảm xúc và điều chỉnh hành vi của mình. Hạnh phúc không phải là một tâm trạng đâu, nó là một cách thức để sống an nhiên, nhìn niềm vui lẫn nỗi buồn đi qua.
* Xin cảm ơn ông!
Vương Thế (thực hiện)