Ngày 5 và 6-7-2022, cựu cán bộ Phụ nữ Giải phóng miền Đông họp mặt truyền thống thường niên tại TP.Biên Hòa.
Ngày 5 và 6-7-2022, cựu cán bộ Phụ nữ Giải phóng miền Đông họp mặt truyền thống thường niên tại TP.Biên Hòa. Lần họp mặt này thiếu dần những hạt nhân nòng cốt do bệnh hoặc do đã mất. Đặc biệt, vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Bạch Tuyết (Sáu Tuyết) đã ra đi ngày 22-8-2021 lặng lẽ giữa đại dịch Covid-19, nhiều người không viếng tang được.
Công bố sách Ký ức Phụ nữ miền Đông vào ngày 7-3-2014. Ảnh: H.T.T.Thúy |
Lần họp mặt tại di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông năm 2014, rất đông vui, nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là dịp này công bố bộ sách Ký ức Phụ nữ miền Đông. Đây là công trình tâm huyết theo gợi ý của cô Sáu Tuyết, được các cựu cán bộ phụ nữ miền Đông hoan nghênh, mong đợi và nhiệt thành tham gia.
Bộ sách gồm 2 tập, NXB Đồng Nai ấn hành năm 2014, gồm 71 bài viết mang tính hồi ức của cán bộ phụ nữ miền Đông người thật, việc thật, lòng thật, phản ánh hiện thực tham gia đấu tranh của cán bộ phụ nữ miền Đông thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Từ bài viết tổng quát Hoạt động của Hội Phụ nữ Giải phóng khu Đông Nam bộ của cô Nguyễn Bạch Tuyết đến ký ức của 70 nhân chứng lịch sử và 67 ảnh tư liệu, nội dung tập sách nêu những tấm gương tiêu biểu, điển hình thể hiện phẩm hạnh, khí tiết của người phụ nữ cách mạng ở miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống ngoại xâm cứu nước.
Hôm ra mắt sách, các má, các chị mừng lắm! Nhiều đơn vị ở các địa phương học tập kinh nghiệm, cho là hay lắm, cần lắm; nhưng không làm theo được. Vì sao vậy? Do cách thức tổ chức thực hiện. Trước hết là vai trò của tổ chức. Từ ý tưởng, tâm huyết phải có cơ quan trách nhiệm đứng mũi chịu sào, đó là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai và Hội LHPN tỉnh. Cá nhân được giao chịu trách nhiệm xuất bản cụ thể là Nguyễn Bạch Tuyết - Huỳnh Văn Tới - Nguyễn Thanh Hoa. Quan trọng là huy động các tay viết tâm huyết vào cuộc gồm: Huỳnh Tấn Bửu, Đoàn Trung Kiên, Nguyễn Thị Hồng Lương, Hà Thị Thanh Thúy, Trần Thu Hằng, Hoàng Ngọc Điệp.
Các tay bút này bôn ba khắp nơi, liên hệ trực tiếp các cô, các chị để hỏi, nghe, ghi, viết; không vì nhuận bút, không vì mệnh lệnh hành chính, không ngại khó khăn. Tất cả vì trái tim. Có bài biên tập từ các trang tự viết của nhân chứng lịch sử, nhiều bài viết lại, viết mới từ những lời kể đứt đoạn, chắp nối. Khó, nhưng vui và bổ ích. Các tay bút đều thừa nhận khi viết được bài ưng ý, đã học tập được nhiều, trưởng thành rất nhiều.
Kinh phí ở đâu ra? Kinh phí tổ chức bản thảo không dùng ngân sách nhà nước, do tài trợ từ tấm lòng của những người quan tâm. Khi có bản thảo đạt yêu cầu, Hội đồng Tư vấn xuất bản tỉnh đề nghị UBND tỉnh phê duyệt từ nguồn tài trợ xuất bản giao NXB Đồng Nai in ấn.
Có câu hỏi, nghe nói mong muốn có tập 3, sao không thực hiện? Đúng là có dự kiến tiếp tục thực hiện tập 3, vì sử liệu còn nhiều. Nhưng, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về thay đổi nhân sự, những tay bút tâm huyết không có cơ hội tham gia nữa, nên các trang viết dở dang. Thời gian dần trôi, nhiều “báu vật sống” theo nhân chứng lịch sử ra đi…
Sự tiếc nuối khiến càng trân quý những việc đã làm được.
Hà Thị Thanh Thúy