Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao Nguyễn Đình Chiểu được thờ phụng ở Văn miếu Trấn Biên?

07:07, 23/07/2022

Ngày 29 và 30-6-2022, cả nước hướng về Bến Tre theo dõi, chia sẻ các hoạt động đón nhận danh hiệu Danh nhân văn hóa thế giới và kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu. Có người hỏi: Vì sao trước khi được UNESCO công nhận danh nhân văn hóa thế giới, Nguyễn Đình Chiểu được thờ phụng ở Văn miếu Trấn Biên? Câu trả lời đơn giản mà thiêng liêng: Nguyễn Đình Chiểu sống trong lòng dân.

Ngày 29 và 30-6-2022, cả nước hướng về Bến Tre theo dõi, chia sẻ các hoạt động đón nhận danh hiệu Danh nhân văn hóa thế giới và kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu. Có người hỏi: Vì sao trước khi được UNESCO công nhận danh nhân văn hóa thế giới, Nguyễn Đình Chiểu được thờ phụng ở Văn miếu Trấn Biên? Câu trả lời đơn giản mà thiêng liêng: Nguyễn Đình Chiểu sống trong lòng dân.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tham quan tìm hiểu về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tại Vườn tượng Danh nhân Văn hóa Trấn Biên (TP.Biên Hòa)
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tham quan tìm hiểu về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tại Vườn tượng Danh nhân Văn hóa Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Na

Lòng dân là nơi kết tinh sâu lắng, lưu giữ bền vững, thẩm định công bằng các giá trị văn hóa, nhân văn của quốc gia, dân tộc. Có những người thân thế vinh hoa, mũ áo xênh xang, quyền cao chức trọng nhưng khi về với đất, chẳng đọng lại điều gì trong lòng dân nên tan biến trong quá khứ. Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) thuộc lớp người xuất thân không quyền quý, không áo mão cân đai, cuộc đời chịu nhiều đau khổ, bất hạnh; nhưng được lòng dân tôn kính, xem là danh nhân văn hóa của dân tộc trước khi được công nhận danh nhân văn hóa của thế giới. Bởi ông có tấm lòng yêu nước thương dân, đời sống bình dân, xử thế hợp với văn hóa của nhân dân; khẳng khái bất hợp tác với giặc; trọn đời cùng nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược.

Cùng nhân dân cả nước, người dân Gia Định - Đồng Nai động lòng bởi tiếng lòng của Nguyễn Đình Chiểu, xem ông là người của dân, biểu tượng của tinh thần yêu nước thương dân. Trước hết, ông là người quan tâm, chia sẻ, cất lên tiếng thơ xé lòng về tình cảnh tang thương của cư dân Bến Nghé, Đồng Nai trong buổi đầu Chạy giặc: “Bến Nghé của tiền tan bọt nước. Ðồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”. Đó là bức tranh “lịch sử - nhân văn” về sự kiện quân đội Pháp đánh chiếm Gia Định, khởi đầu cuộc xâm lược nước ta.

Nguyễn Đình Chiểu sống trong tâm thức dân gian còn ở nghĩa khí của một nhà Nho yêu nước hợp lòng dân, cùng với dân đánh giặc cứu nước theo cách của mình. Khi giặc Pháp đánh chiếm Nam Bộ, người Đồng Nai có câu “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai”, ý là không làm rồng mây bó mình theo triều đình Huế, mà dốc hết lòng như chiến mã dốc hết sức mình chống giặc ở xứ Đồng Nai. Trong tình thế ấy, ai đứng cùng với dân xả thân cứu nước thì được lòng dân ái mộ. Nguyễn Đình Chiểu với đôi mắt đã mù không thể giương cờ ra trận như Trương Định thì đánh giặc bằng vũ khí của mình là ngòi bút “đâm gian”, bằng thái độ khẳng khái bất hợp tác với giặc; ngòi bút của ông trở thành vũ khí sắc bén “đâm gian”, diệt ác; thành bài ca thôi thúc xung trận; cũng thành điếu văn tri ân, tưởng niệm nghĩa sĩ hy sinh vì nước, biến đau thương thành sức mạnh. Người Đồng Nai không bao giờ quên Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc, 1861).

Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu phản ánh chân thực thời cuộc và tấm lòng ưu dân ái quốc của mình nên được lòng dân ghi nhận, trân trọng. Cuộc sống của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với cuộc sống của người dân Đồng Nai cùng Nam bộ tỵ địa, tìm cơ hội kháng chiến chống Pháp. Tiếng thơ Đồ Chiểu trở thành tiếng khóc, lời than, niềm réo gọi của nhân dân trước cảnh nước mất nhà tan. Ông đã trở thành nhà thơ nhân dân bằng chính tấm lòng và thân phận của mình. Lần đầu tiên, hình ảnh của nhân dân trở thành nhân vật chính của thơ ca một cách trân trọng, yêu thương, bi tráng. Người Đồng Nai cùng dân Nam bộ cảm thấy được hình bóng mình, tình cảnh của mình trong tiếng thơ của cụ đồ Chiểu. 

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu bình dị, nhiều trắc trở nhưng ông đã bền lòng vượt qua bằng nhân cách trung nghĩa, hiếu để, cương trực phù hợp với triết lý sống của người bình dân nên được người Đồng Nai cùng dân Nam bộ cảm thấy thân thiết, trân trọng, quý yêu.

Có lẽ truyện thơ Lục Vân Tiên là sản phẩm của chính cuộc đời trải qua của cụ Đồ. Vì vậy mà truyện thơ Lục Vân Tiên được người dân yêu thích, xem đó như là lẽ sống của chính mình.

Người xứ Đồng Nai biết đến truyện thơ Lục Vân Tiên một cách tự nhiên, như mạch nước lành lặng lẽ ngấm vào lòng người, lớn cùng con người, trở thành bài học luân lý, đạo đức trong đời người. Câu chuyện bằng thơ lục bát hình ảnh của Lục Vân Tiên trong đoạn cứu Kiều Nguyệt Nga trở thành mẫu mực trong tâm trí biết bao chàng trai nghĩa hiệp “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi. Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Nhờ truyện thơ Lục Vân Tiên mà luân lý, đạo đức và triết lý nhân sinh của người Việt Nam Bộ được kết tinh, hình thành một cách tự nhiên, giàu sức sống: “Thà đui mà giữ đạo nhà. Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”.

Từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng; trong mỗi công trình xây dựng kiến quốc, dân ta thường nhớ ơn, lưu niệm, ghi công các bậc tiền nhân. Cùng với các danh nhân có công với đất nước, Nguyễn Đình Chiểu luôn được tri ân, ghi danh ở nhiều công trình quan trọng ở Nam bộ. Tại Đồng Nai cũng vậy, có 9 công trình mang tên Nguyễn Đình Chiểu để tưởng niệm (gồm những tên đường, trường học, bệnh viện, đền thờ, bia, tượng ở Long Thành, Biên Hòa, Xuân Lộc)… Đặc biệt, Nguyễn Đình Chiểu được thờ phụng trong bái đường Văn miếu Trấn Biên và dựng tượng trong Vườn tượng danh nhân thuộc khuôn viên Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa). 

Văn miếu Trấn Biên được chúa Nguyễn Phúc Chu sai dựng ở thôn Bình Thành, H.Phước Chính, dinh Trấn Biên từ năm 1715; năm 1861, bị thiêu hủy; năm 1998, được khởi công phục dựng nhân kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm.

Với mục đích phục dựng Văn miếu Trấn Biên để tiếp nối và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo ở thời đại Hồ Chí Minh, theo tinh thần góp ý của nhân dân và gợi ý của GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, Nguyễn Đình Chiểu được chọn đưa vào thờ cúng ở chính điện trong bái đường với ý nghĩa là biểu tượng của văn hóa yêu nước Nam bộ, trung tâm là danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, bên phải là 5 danh nhân biểu tượng các dòng mạch văn hóa Việt Nam, bên trái là 5 biểu tượng danh nhân văn hóa tiêu biểu ở đất Phương Nam.

Người dân còn dựng tượng Nguyễn Đình Chiểu trong Vườn tượng danh nhân thuộc khuôn viên Văn miếu Trấn Biên. Tượng Nguyễn Đình Chiểu được tác tạo bằng đá granit Biên Hòa, bởi nghệ nhân Biên Hòa; thân tượng cùng bệ tượng cao hơn 3m, tiểu cảnh gắn với quần tượng quy hoạch hơn 40 danh nhân tiêu biểu của đất nước hội tụ. Thầy cô và học sinh một trường học mang tên Nguyễn Đình Chiểu ở Biên Hòa đảm nhận việc chăm sóc.

Trong tâm thức người Đồng Nai - Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho yêu nước nhiệt thành, một thầy giáo mẫu mực, một thầy thuốc tận tâm, một tấm gương yêu nước khẳng khái, cương trực, một đời vì dân vì nước. Điều gì tồn tại trong khi những thứ khác đã mất đi đó là văn hóa. Đã qua hai thế kỷ nhiều biến đổi, Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn lại với thời gian, sống trong lòng dân, ấy là văn hóa. Trước khi được công nhận danh nhân văn hóa thế giới, Nguyễn Đình Chiểu đã là danh nhân văn hóa trong lòng dân, của nhân dân; nhất là ở Đồng Nai, Nam bộ.

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều