Tại An Giang, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương vừa tổ chức hội nghị tập huấn Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới cho gần 300 học viên đến từ các tỉnh, thành phía Nam.
Tại An Giang, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương vừa tổ chức hội nghị tập huấn Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới cho gần 300 học viên đến từ các tỉnh, thành phía Nam.
Một tiết mục biểu diễn tại liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1-2022. Ảnh: TTXVN |
Có nhiều chuyên đề được trình bày, trong đó, chuyên đề Âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng do PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm trình bày đã gợi nhiều suy nghĩ cho những người tham gia tập huấn.
1. Phải nói rằng từ khi mạng xã hội (MXH) phát triển đã tạo ra quá nhiều tiện ích cho xã hội. Người ta có thể mở rộng biên độ giao tiếp cả về không gian lẫn thời gian. Người ta tiếp nhận thông tin tới tấp từng giờ, từng phút, từng giây. Mọi thứ người ta cần tìm kiếm gần như có hết trên mạng.
Thế nhưng, bên cạnh những tiện lợi đó thì MXH cũng bộc lộ quá nhiều bất cập, thậm chí có thể gây độc hại. Tuy nhiên, có thể thấy MXH không có tội mà hữu ích hay nguy hiểm là do cách chúng ta sử dụng mà thôi.
Bàn giải pháp để có thể kiểm soát những sản phẩm lệch lạc, gây tác hại xấu đến xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc là chuyện không dễ. Nhưng đó là điều cấp bách hiện nay và chúng ta không thể không làm với mong muốn khơi dậy tiềm lực âm nhạc Việt và hạn chế được rác bẩn. |
Nói về âm nhạc trên mạng hiện nay phải dùng đến chữ “bùng nổ”. Người ta có thể tìm kiếm rất nhiều thể loại, nhiều nguồn, nhạc xưa, nhạc nay trên thế giới mạng. Không chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc biết tận dụng MXH mà rất đông người trẻ hiện nay tìm kiếm, thưởng thức sản phẩm âm nhạc chủ yếu thông qua MXH từ nhiều trang web nghe nhạc trực tuyến.
Phải nói, MXH đã tạo cơ hội cho những bạn trẻ có năng khiếu âm nhạc được phát huy sáng tạo, được giới thiệu bản thân với “thế giới”. Rất dễ dàng, nhiều khi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, các bạn đã có thể “hiện thực hóa” được khát khao của bản thân, được nói, hát, thể hiện những điều mình muốn và mình cho rằng giá trị.
Không chỉ những cá nhân mà những công ty lớn với những dự án âm nhạc có quy mô cũng vận dụng sức mạnh của MXH để lan tỏa những sản phẩm âm nhạc tốt, kết nối nhanh chóng với âm nhạc thế giới, với người nghe toàn cầu. MXH đã tạo cho người ta sự năng động, kích thích người ta sáng tạo và lợi ích là người nghe, công chúng có quá nhiều tác phẩm để thưởng thức trên mạng. Đủ các thể loại với nhiều màu sắc khác nhau, đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng, đa dạng lứa tuổi, từ 1-2 tuổi đến 70-80 tuổi đều có thể tìm kiếm được sản phẩm âm nhạc phù hợp trên mạng để xem nghe.
Nhờ MXH mà nhiều sản phẩm âm nhạc Việt Nam cũng được giới thiệu và gây chú ý với thế giới, thậm chí một vài sản phẩm còn tạo được trend (trào lưu).
2. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì rất nguy hiểm bởi nơi đây cũng là chỗ cho người ta tùy tiện… xả rác! Ai ai cũng có thể trở thành “nhạc sĩ”, “ca sĩ” dẫn đến việc tràn lan những sản phẩm yếu kém, thậm chí độc hại trên mạng. Nhiều bài hát không hề có sự sáng tạo chỉ là sự bắt chước kệch cỡm, ca từ thì nhạt nhẽo, vô nghĩa. Nhiều MV như hổ lốn, lại còn mang tính bạo lực, cổ súy những suy nghĩ tiêu cực. Rồi tình trạng đạo, nhái...
Tháng 5 vừa rồi, ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã bị Bộ VH-TTDL phạt 70 triệu đồng vì phát hành MV There’s no one at all có hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội. Sự kiện này một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về việc quá tự do của âm nhạc Việt trên không gian mạng.
Sơn Tùng lại được xem là ca sĩ thần tượng của nhiều bạn trẻ, mỗi sản phẩm âm nhạc của anh tung ra luôn đạt ngưỡng triệu view. Và khi xảy ra sự cố thì tác hại của nó thật sự rất khôn lường.
Sơn Tùng là trường hợp gây chú ý nên dễ bị phát hiện, còn bao nhiêu rác độc hại trôi nổi trên mạng từ những sản phẩm được xem là “âm nhạc” liệu chúng ta có quản lý nổi? Đặc biệt là lĩnh vực nhạc thiếu nhi, người ta đang đưa lên mạng biết bao nhiêu thứ mà khó ai kiểm soát. Trong khi hiện nay rất nhiều cha mẹ giao phó cho trẻ nhỏ điện thoại thông minh, chiếc iPad để họ rảnh tay lo việc khác. Chỉ một cái click vô tình, những sản phẩm trôi nổi trên mạng sẽ đầu độc trẻ nhỏ từ từ mà cha mẹ không hề hay biết. Hết sức nguy hiểm!
3. Với thực tế khách quan hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận được sự phổ cập và phủ rộng của MXH, sức ảnh hưởng của MXH đối với đời sống toàn cầu hiện nay là hiển nhiên. Nhiều người thật sự trăn trở về những nguy cơ từ MXH. Nên vấn đề cấp bách hiện giờ là chúng ta phải quyết liệt tìm ra cách thức để có thể kiểm soát tốt MXH, tạo môi trường lành mạnh để âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng được phát huy hiệu quả của mình.
Những bài rap của Đen Vâu khi tung lên mạng luôn tạo được hiệu ứng tích cực Ảnh: Nguyễn Hữu Hạnh |
Nói như TS Mỹ Liêm là chúng ta cần có những “bức tường lửa” để chặn bớt những văn hóa đồi trụy, lệch lạc, độc hại. Bản thân mỗi nghệ sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc… cần được bồi dưỡng, tuyên truyền để ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng. Không nên dễ dãi với bất cứ sản phẩm nào dù là sản phẩm trên mạng. Mỗi sản phẩm phải ít nhiều chú ý đến tính thẩm mỹ, chất lượng chuyên môn, thông điệp ý nghĩa...
Một khi người làm nghề có ý thức đầu tư để sản phẩm của mình hội đủ giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật, giá trị giải trí, giá trị giáo dục… thì những sản phẩm tốt sẽ chiếm ưu thế, chiếm cảm tình người xem, dần dần có thể đẩy lùi những sản phẩm kém chất lượng.
Và nhà nước cũng cần xây dựng một hành lang pháp lý sao cho không gò bó, trói buộc sáng tạo của người nghệ sĩ nhưng vẫn phải đủ sức răn đe để những người cơ hội, câu view không dám làm bậy. Phải phạt thật nặng những sản phẩm, hành vi gây tác hại xấu đến cộng đồng, thậm chí cấm biểu diễn đối với những nghệ sĩ có sai phạm mang tính chất hệ thống.
Trí Trọng