Khái niệm kinh tế tuần hoàn không còn mới mẻ tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung từ khoảng 1 thập niên qua.
Khái niệm kinh tế tuần hoàn không còn mới mẻ tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung từ khoảng 1 thập niên qua.
Theo nhiều chuyên gia và nhiều nguồn tài liệu, sự khác biệt giữa kinh tế truyền thống và kinh tế tuần hoàn nằm ở một số điểm chính sau: trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị đưa đi chôn lấp, thậm chí thải ra môi trường tự nhiên.
Ngược lại, trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng.
Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Chính vì vậy, khuyến khích, tạo điều kiện, thiết kế các chính sách cho kinh tế tuần hoàn phát triển chính là tạo nền cho sự phát triển bền vững.
Ngày 7-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687, phê duyệt đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đề án, phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài.
Mục tiêu đề án còn “nhắm” xa hơn, đó là nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Ở góc độ từng doanh nghiệp thì chuyển biến theo mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự không dễ dàng. Nó đòi hỏi chủ doanh nghiệp thay đổi từ gốc trong tư duy phát triển, đòi hỏi kiến thức, nguồn lực thực hiện và đòi hỏi các “bệ đỡ” chính sách hiệu quả. Càng muốn “phủ rộng” phạm vi kinh tế tuần hoàn, càng phải có những chính sách khuyến khích sát sườn thực tế, hiệu quả, đồng thời cần truyền thông liên tục để từng doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích lâu dài của mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trên thực tế, khung chính sách để phát triển mô hình này tại Việt Nam gần như chỉ mới ở giai đoạn đầu áp dụng, “độ phủ” chưa rộng do đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn ở quy mô nhỏ và vừa, rất nhiều trong số đó đang cố gắng tồn tại và phát triển, chưa “nghĩ” được nhiều đến lợi ích lâu dài khi áp dụng các tư duy, cách làm mới. Vậy nên để mô hình này có sự phát triển lớn hơn, mạnh hơn tại Việt Nam, rất cần đến các khung chính sách được thiết kế riêng cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, cần chú trọng đến tính khả thi.
Vi Lâm