Việt Nam đang từng bước hội nhập vào ngành công nghiệp thế giới nên chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là yêu cầu bắt buộc. Để khuyến khích doanh nghiệp (DN) áp dụng KTTH thì Chính phủ cần sớm đưa ra các chính sách và hành lang pháp lý đầy đủ, chi tiết.
Việt Nam đang từng bước hội nhập vào ngành công nghiệp thế giới nên chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là yêu cầu bắt buộc. Để khuyến khích doanh nghiệp (DN) áp dụng KTTH thì Chính phủ cần sớm đưa ra các chính sách và hành lang pháp lý đầy đủ, chi tiết.
Doanh nghiệp Đồng Nai và đối tác Australia ký kết hợp tác trong việc ứng dụng xây dựng nhà xưởng cân bằng năng lượng. Ảnh: Đ.Lê |
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH. Do đó, các DN đi đầu trong triển khai thực hiện mô hình KTTH sẽ gặp khó khăn.
* Mới chỉ có đề án KTTH
Ngày 7-6-2022, Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam nhằm tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng. Từ đó, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự linh hoạt, chủ động phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, những năm gần đây, các DN đã bắt đầu chú ý và có những đầu tư vào sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng hướng đến KTTH để tăng trưởng xanh và phát triển xanh. Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm ban hành khung chính sách về phát triển mô hình KTTH cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, chuyển đổi sang KTTH cần có lộ trình và có những hỗ trợ cho DN về tài chính, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. KTTH cần gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến và an toàn với sức khỏe con người và môi trường. Về phía các DN khi tham gia vào KTTH cần phải đổi mới sáng tạo mô hình sản xuất kinh doanh để hình thành chuỗi tuần hoàn.
Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành được Bộ KH-ĐT chọn làm điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái để khi hoàn thành sẽ nhân rộng ra các khu công nghiệp khác trên cả nước và đây là mô hình của KTTH. Thế nhưng, quá trình triển khai cũng còn vướng mắc vì thiếu các quy định chi tiết để gỡ khó cho DN thực hiện.
* Mong có chính sách cụ thể
Theo các DN, để từng bước chuyển đổi sang mô hình KTTH, chỉ nỗ lực đơn lẻ của từng đơn vị thôi là chưa đủ, cần có sự tiếp sức của Nhà nước, từ việc xây dựng chiến lược, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy đến việc hỗ trợ cụ thể.
Giảm thiểu phát thải khí nhà kính Theo đề án Phát triển KTTH được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ny-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. |
Là một trong những đơn vị có tiếng trong ngành cơ khí và xây dựng công trình công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Kết cấu thép GSB (KCN Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) đã tham gia vào mô hình KTTH vài năm nay. Theo đó, bên cạnh các giải pháp để tối ưu hóa chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên, vật liệu trong quá trình chế tạo các kết cấu thép thì công ty đã chú trọng đến vấn đề sử dụng năng lượng mặt trời tạo ra điện phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT công ty cho hay hệ thống máy lạnh lớn trong nhà xưởng được làm mát từ nguồn năng lượng tự nhiên với việc sử dụng pin năng lượng mặt trời. Không chỉ vậy, là DN chuyên thi công kết cấu thép, xây dựng nhà xưởng sản xuất cho các khách hàng, đơn vị còn hợp tác với đối tác lớn đến từ Australia để có thể tạo ra những công trình tối ưu hóa sử dụng năng lượng.
“Cân bằng năng lượng tức phấn đấu để mức chi phí cho tiêu hao bằng không là xu thế mới trong xây dựng, giúp DN tiết kiệm chi phí, lại giảm phát thải carbon, hạn chế ảnh hưởng môi trường. Việc hợp tác với Tập đoàn NS BlueScope Lysaght của Australia là nỗ lực phấn đấu của chúng tôi hiện tại và tương lai” - ông Lộc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, sử dụng năng lượng mặt trời giúp DN tiết kiệm chi phí nhưng vấn đề vướng mắc hiện nay là chính sách cho năng lượng mặt trời từ ngành Điện đang gây ra rất nhiều khó khăn thời gian qua. GSB và cả các đối tác của mình ứng dụng, đầu tư vào hệ thống năng lượng áp mái đang “dở khóc, dở cười’ với chính sách thu mua điện hiện nay. DN cần có chính sách cụ thể, thông thoáng hơn để đẩy mạnh áp dụng.
Một đơn vị chuyên chế tạo máy xử lý chất thải trong chăn nuôi là Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP.Biên Hòa). DN này đã cung ứng các giải pháp để xử lý vấn đề đầu ra, chất thải từ chăn nuôi trở thành phân bón hữu cơ cho nhiều đơn vị chăn nuôi lớn trong và ngoài tỉnh. Theo ông Phạm Thành Long, Giám đốc công ty thì hiện nay, vấn đề môi trường đối với các trang trại chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, cần có chế tài mạnh hơn buộc các chủ đầu tư phải chú trọng hơn, coi đó là vấn đề tiên quyết, trong đó có việc tái chế, xử lý chất thải thành các sản phẩm khác quay trở lại phục vụ ngành Nông nghiệp.
Khánh Minh - Đào Lê