Báo Đồng Nai điện tử
En

CEO Công ty CP Công nghệ chatbot Việt Nam Lê Anh Tiến: Công nghệ không thể xa rời yếu tố văn hóa và con người

09:08, 27/08/2022

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm nhất đại học, anh LÊ ANH TIẾN đã trải qua nhiều thất bại trước khi trở thành đồng sáng lập và CEO Công ty CP Công nghệ chatbot Việt Nam - một công ty công nghệ triệu đô.

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm nhất đại học, anh LÊ ANH TIẾN đã trải qua nhiều thất bại trước khi trở thành đồng sáng lập và CEO Công ty CP Công nghệ chatbot Việt Nam - một công ty công nghệ triệu đô.

Anh được vinh danh là Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2021, từng gặt hái được nhiều thành tựu, giải thưởng về khởi nghiệp tại Việt Nam và quốc tế như: Quả cầu vàng, Nhân tài đất Việt, Giải thưởng Đối tác sáng tạo xã hội châu Á - Thái Bình Dương, quán quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Ngoài ra, anh còn là một trong 2 tài năng trẻ đại diện 220 triệu thanh niên Đông Nam Á tham dự lễ tiếp kiến lãnh đạo cấp cao ASEAN lần thứ 36.

* Dung hòa những yếu tố “đóng - mở” giữa nhà khoa học và người kinh doanh

* Thưa anh, khoa học công nghệ (KHCN) được xem là lĩnh vực “dẫn lối” cho nhiều người trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, để thành công với lĩnh vực này thì không hề dễ dàng nếu không thực sự đam mê và tạo được lối đi riêng trước sự cạnh tranh của hàng loạt các start-up về công nghệ như hiện nay. Vậy “hành trang” nào giúp anh tự tin lựa chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp?

- Từ những năm học THPT, tôi đã có niềm đam mê đặc biệt với môn khoa học ứng dụng. Tôi thường tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm trên các lĩnh vực, từ kinh tế, môi trường cho tới giáo dục. Với đam mê nghiên cứu khoa học, từ năm học lớp 10, tôi đã tự học xong chương trình THPT; thời gian lên lớp sau đó chủ yếu dành cho nghiên cứu các công trình, sản phẩm công nghệ. Đến khi tốt nghiệp THPT, tôi cũng đồng thời tốt nghiệp hệ lập trình viên quốc tế.

Sau đó, trong suốt 4 năm đại học tại Khoa Điện tử - viễn thông, Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), tôi dành hết thời gian ở Phòng Lab (thí nghiệm) và tạo ra được khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm được ứng dụng thực tế cũng như giành nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi. Từ những thành công ban đầu đó, tôi mới lựa chọn lĩnh vực KHCN với khát khao mang đến những giá trị cho cộng đồng.

* Có thể nói, con đường khởi nghiệp vốn dĩ không trải đầy hoa hồng. Đối với anh, giữa làm một doanh nhân và theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học có sự tương phản hay tương hỗ cho nhau ra sao?

- Đối với bản thân tôi, những mâu thuẫn và khác biệt về “chiều sâu/chiều rộng”, “dài hạn/ngắn hạn” và “đóng/mở” khi một nhà nghiên cứu khoa học lấn sân sang lĩnh vực khởi nghiệp cần phải biết cách dung hòa.

Đối với yếu tố “chiều sâu/chiều rộng”, thực tế khi làm nghiên cứu, nhà khoa học cần phải đi vào “chiều sâu”, tập trung giải quyết bài toán hẹp và đưa ra kết quả cho bài toán đó. Tuy nhiên ở vị trí là một doanh nhân thì người làm kinh doanh cần phải đi theo “chiều rộng”, cần nắm bắt thị trường và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng.

Ở góc độ “dài hạn/ngắn hạn”, là một nhà khoa học, tôi có thể mất vài năm (hoặc lâu hơn) để hoàn thành một công trình nghiên cứu, tuy nhiên trong kinh doanh vài năm là quá chậm. Còn trong kinh doanh, khi tôi giải quyết những bài toán lớn, sẽ có những phép toán nhỏ khác phát sinh ra và việc mình giải quyết những phép toán nhỏ ấy nhanh hay chậm sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của dự án. Thêm nữa, trong nghiên cứu, mỗi khi có kết quả nghiên cứu mới, tôi sẽ viết những bài báo khoa học để chia sẻ với bạn bè - đây là yếu tố “mở”, tuy nhiên trong kinh doanh thì không thể chia sẻ tất cả mọi thứ cho bạn bè hay đồng nghiệp được. Chính vì vậy, tôi cần biết được những gì mình nên chia sẻ, những gì mình cần phải giữ bí mật - đây là yếu tố “đóng”.

* Từ chatbot vận hành quán cà phê đến công cụ bán hàng đắc lực

* Có thể nói, hiện tại sản phẩm Bot Bán Hàng - một trong những nền tảng chatbot “Made in Vietnam” đầu tiên của công ty anh đã thay đổi cách nghĩ của nhiều nhà quảng cáo và người bán hàng trong kinh doanh trực tuyến. Theo anh, điều gì làm nên sự khác biệt của chatbot với hàng trăm công ty công nghệ khác trên thị trường?

- Tôi đã tìm hiểu và nhận ra, khoảng 10 năm trước, chatbot (là phần mềm, ứng dụng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo giúp con người quản lý các cuộc  trò chuyện, tương tác với người dùng bằng âm thanh, tin nhắn văn bản thay vì trao đổi trực tiếp với người thật) đối với chúng ta còn là một khái niệm xa lạ. Dù chatbot đầu tiên được ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng sau đó, con người vẫn chưa nhìn ra được lợi ích của chatbot đối với đời sống, với công việc. Sau khi mạng xã hội Facebook chính thức ra mắt công nghệ chatbot trên Messenger năm 2016 thì đến năm 2017, xu hướng chatbot bùng nổ ở Việt Nam và trên toàn cầu với công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)...

Với công cụ này, doanh nghiệp (DN) kinh doanh trực tuyến có thể phục vụ thêm nhiều khách hàng với hình thức tương tác thân thiện, dễ tiếp cận. Tiềm năng là thế, tuy nhiên kênh bán hàng này vẫn chưa được phát triển rộng rãi ở Việt Nam mà nguyên nhân một phần xuất phát từ tâm lý “ngại” tìm hiểu công nghệ phức tạp của người Việt.

Anh LÊ ANH TIẾN chia sẻ: “Từ nhỏ do gia đình khó khăn nên tôi sống ở chùa, vì vậy tôi được tiếp xúc, được nghe giảng về đạo lý thường xuyên, từ đó có thêm nhiều góc nhìn, sự quan sát sâu sắc hơn về cuộc sống. Vậy nên các sản phẩm của tôi cũng hướng tới xã hội, cộng đồng với mong muốn tạo thêm nhiều giá trị cho mọi người thì nó mới phát triển bền vững và giúp các sản phẩm được hiện diện liên tục ở mọi nơi trong cuộc sống. Và tôi luôn tâm niệm tạo ra giá trị cho người khác mới khiến cuộc sống trở nên hạnh phúc, thành công thực sự”.

Khi đó, nhóm của tôi đang vận hành một quán cà phê giúp cho co-working (không gian làm việc chung) của người quen, tôi chỉ định xây dựng một chatbot giúp cho quán cà phê đó tối ưu về thời gian và chi phí nhân sự. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tháng ứng dụng thì thấy hiệu quả đem lại khá tốt, tăng trưởng doanh thu đạt 40% nên tôi và cộng sự muốn nhân rộng sản phẩm này ra để nhiều DN khác cùng hưởng lợi. Vậy nên tôi tìm cách “đơn giản hóa” chatbot và biến chúng trở thành công cụ bán hàng đắc lực trên Facebook.

Và từ đó, tôi đã nghiên cứu, cho ra mắt Bot Bán Hàng - một trong những nền tảng chatbot “Made in Vietnam” đầu tiên dành cho nhà quảng cáo và bán hàng vào ngày 1-11-2017. Chatbot này vừa tích hợp website, fanpage vào ứng dụng Messenger của Facebook. Khách hàng có thể xem, mua hoặc tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ ngay trên ứng dụng thay vì truy cập vào các trang thương mại điện tử. Công việc của nhóm là biến công cụ này trở nên đơn giản và thông minh hơn, đến mức ngay cả những người không am hiểu về công nghệ vẫn có thể sử dụng được. Việc của người dùng chỉ là chạm, chạm và chạm mà thôi.

* Yếu tố nào là quan trọng nhất đối với mô hình công ty mà anh đang theo đuổi, vận hành?

- Công ty của tôi có sự khác biệt chính là ở văn hóa và con người. Công nghệ dù có phát triển thế nào cũng không thể xa rời 2 yếu tố nói trên. Trong việc vận hành công ty, yếu tố văn hóa đã tạo nên sự thành công trong việc quản lý nhân sự và sự hoạt động nhịp nhàng giữa các bộ phận. Vì tôi luôn có quan niệm “sáng tạo là yếu tố sống còn” và điều kiện quan trọng để thực hiện điều này chính là bản lĩnh dám thay đổi. Chỉ khi mỗi người “dũng cảm thay đổi” thì công ty mới có thể tăng tốc dẫn đầu. Để công ty tiếp tục phát triển vững mạnh với vị thế tiên phong trong công nghệ, không phụ lòng tin của khách hàng và đối tác, mỗi cá nhân và cả tập thể luôn luôn nỗ lực hơn và đồng lòng theo văn hóa công ty.

Anh Lê Anh Tiến đạt được giải thưởng Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III-2020
Anh Lê Anh Tiến đạt được giải thưởng Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III-2020. Ảnh: NVCC

* Như anh đã chia sẻ, anh đã thất bại hàng trăm lần, kể cả ở trong nước lẫn nước ngoài mới có được “quả ngọt” như hôm nay. Vậy anh có thể chia sẻ thêm về cơ hội và thách thức khi khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ tại thị trường Việt Nam?

- Thời đại số hóa và cộng thêm những ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã khiến cho việc áp dụng công nghệ vào các hoạt động của đời sống trở nên phổ biến hơn. Các DN/start-up công nghệ đang có những cơ hội thuận lợi để phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm/dịch vụ phục vụ cộng đồng.

So với các lĩnh vực khác, khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh như: dân số gần 100 triệu người với cơ cấu trẻ, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, số lượng người dùng internet đạt gần 70 triệu, tỷ lệ người sử dụng di động khoảng 70%... Thêm vào đó, thị trường Việt Nam đã bước vào giai đoạn đủ lớn để đón nhận các sản phẩm công nghệ có tính đột phá mà các start-up có thể mang lại… Điều đó cho thấy Việt Nam hoàn toàn là một thị trường hấp dẫn và đầy hứa hẹn để khởi nghiệp về công nghệ.

Mặc dù tiềm năng và lợi thế của DN công nghệ là điều không thể phủ nhận, song tỷ lệ DN khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này lại chưa cao, trong đó, sức ép về vấn đề kêu gọi vốn đầu tư là rất lớn, nhất là trong giai đoạn thị trường ngày càng “bão hòa” như hiện nay. Đối với những người mới khởi nghiệp, việc tìm kiếm thị trường, nhà đầu tư cùng với sự cạnh tranh trong ngành đã tạo ra nhiều thách thức lớn. Theo tôi, nhân sự là bài toán khó nhất. Có thể nói, đây lại là yếu tố quyết định phần thắng của mỗi start-up.

* Xin cảm ơn anh!

Hải Hà (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích